Vào nội dung chính
HOA KỲ - KHỦNG BỐ

Thảm sát ở Orlando : Mỹ vẫn chưa có bằng chứng về trách nhiệm của Daech

Một ngày sau vụ thảm sát nhắm vào hộp đêm của giới đồng tính ở Orlando, bang Florida, làm 50 người chết, 53 người bị thương, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech nhận là tác giả. Cho tới sáng ngày 13/06/2016, Cục điều tra Liên bang Hoa Kỳ FBI khẳng định « Chưa có bằng chứng rõ rệt Daech lên kế hoạch hay có liên hệ » với vụ tấn công nói trên.

Thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát ở Orlando, Florida, 12/06/2016.
Thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát ở Orlando, Florida, 12/06/2016. REUTERS/Carlo Allegri
Quảng cáo

Chỉ vài giờ sau vụ nổ súng ở thành phố Orlando trong đêm ngày Thứ Bảy 11 rạng sáng ngày 12 tháng 6, Amak cơ quan truyền thông của tổ chức thánh chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Daech, xác nhận : vụ tấn công nói trên do một « chiến binh » của tổ chức này tiến hành.

Thủ phạm vụ xả súng tại hộp đêm Pulse của giới đồng tính là Omar Mateen, 29 tuổi, một công dân Mỹ gốc Afghanistan sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ đã bị cảnh sát bắn hạ ngay hiện trường. Theo lời một quan chức FBI trước mắt giới điều tra chỉ biết là hung thủ có khuynh hướng ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhưng Cục điều tra Liên Bang « chưa có bằng chứng cụ thể về mối liên hệ » giữa Omar Mateen với tổ chức thánh chiến Hồi giáo này hay đây là một vụ tấn công được Daech « lên kế hoạch từ trước ».

Ba nguồn tin khác trong giới điều tra cũng đưa ra quan điểm tương tự. Thậm chí một quan chức Mỹ đặc trách bộ phận chống khủng bố còn cho rằng, bằng chứng duy nhất cho thấy thủ phạm có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo là khi Obam Mateen trước khi ra tay, tuyên bố đầu phục và trung thành với Daech.

Về phía cơ quan tình báo Hoa Kỳ thì cho rằng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận là tác giả vụ thảm sát ở Orlando không thực sự đáng chú ý lắm, bởi vì có thể « do đang bị dồn vào chân tường trên nhiều mặt trận tại Syria và Irak, Daech tìm cách thu hút chú ý của công luận ».

Một nguồn tin thông thạo được hãng thông tấn Reuters trích dẫn cho rằng « hận thù » và « yếu tố tôn giáo » đã thúc đẩy Omar Mateen ra tay. Về phần mình, một đại biểu đảng Dân Chủ ở Hạ viện ông Adam Schiff thì coi vụ tấn công nhắm vào Orlando là một « hành vi khủng bố » dựa theo mô hình hoạt động động của Daech.

Chân dung Omar Mateen

Về danh tính hung thủ, FBI cho biết, Omar Mateen từng bị cảnh sát thẩm vấn nhiều lần trong thời gian 2013 và 2014 với lý do « có cảm tình » với các phong trào Hồi giáo cực đoan, nhưng giới điều tra không đi xa hơn và Mateen không bị theo dõi tiếp.

Theo lời vợ cũ của Mateen, đương sự là một người hung bạo, một người chồng vũ phu thường xuyên cãi nhau trong gia đình với bố mẹ và anh em. Ngoài xã hội Omar tỏ ra kín tiếng, ít có bạn bè. Sinh ra tại thành phố New York nhưng Mateen chủ yếu lớn lên tại bang Florida.

Tuy nhiên, sau vụ thảm sát tại Orlando, cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ sẽ rẽ sang một bước ngoặt mới. Từ thủ đô Washington nhà báo Phạm Trần phân tích :

03:30

Nhà báo Phạm Trần, Washington:

Phản ứng của giới chính trị sau vụ xả súng ở Orlando 

Sau vụ xả súng kinh hoàng ở Orlando, tổng thống Mỹ Barack Obama, các ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có các bài diễn văn phát biểu.

Tổng thống Barack Obama cho rằng: « Mặc dù cuộc điều tra mới trong giai đoạn đầu, chúng ta đều hiểu rằng đây là một hành động khủng bố, một hành động đầy hận thù. Chúng ta sẽ không lùi bước trước nỗi sợ và cũng không quay lưng lại với nhau.Trái lại chúng ta sẽ đoàn kết một lòng để bảo vệ người dân, đất nước Hoa Kỳ và chống lại những kẻ đang đe dọa chúng ta. »

Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng thật quá dễ để một người có vũ khí trong tay và giết hại người khác trong các trường học, nơi cầu nguyện, rạp chiếu phim hoặc các hộp đêm và người Mỹ phải quyết định xem họ có muốn tiếp tục sống trong một đất nước như vậy không.

Còn ứng viên tổng thống Donald Trump thì tuyên bố đòi tổng thống Obama từ chức. Ông phê phán tổng thống Obama đã không dùng từ « Hồi giáo cực đoan » trong bài phát biểu khi nói về kẻ xả súng. Ông cũng phê phán người đứng đầu bộ máy chính quyền Mỹ yếu kém, không hiệu quả. Ông Trump cũng yêu cầu nước Mỹ phải cứng rắn khi nhắc tới việc cấm không cho người Hồi giáo sinh ra ở nước ngoài đến Mỹ. Ông tuyên bố sẽ cố gắng để cứu người dân Mỹ và ngăn cản không để những cuộc khủng bố tương tự có thể xảy ra.

Trong khi đó, bà ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton thì nhấn mạnh nước Mỹ phải nỗ lực gấp đôi để bảo vệ đất nước khỏi những đe dọa từ trong cũng như ngoài nước Mỹ bằng cách trung thành với các giá trị Mỹ, hợp tác với các nước đồng minh để tiêu diệt các nhóm khủng bố quốc tế, vô hiệu hóa các ý đồ tuyển chọn để mở rộng lực lượng của các nhóm này và tăng cường sức mạnh quốc phòng của Mỹ. Bà cũng coi đây là hành động thù hận với cộng đồng những người đồng tính. Bà Clinton động viên an ủi họ rằng vẫn có nhiều ngàn người ủng hộ họ trên khắp đất nước và bà là một trong số những người đó.

Còn tại nước Pháp, tối nay, tháp Eiffel sẽ được thắp sáng theo màu cờ Mỹ và màu cờ của cộng đồng người đồng tính để thể hiện tình đoàn kết với nước Mỹ và tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng kinh hoàng ở Orlando.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.