Vào nội dung chính
ANH QUỐC

Dư luận Anh lại sôi sục trước trưng cầu dân ý Brexit

 Chính trường nước Anh đang ở trong giai đoạn nóng bỏng nhất ngay trước cuộc trưng cầu dân ý về chuyện rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, được gọi tắt là Brexit. Cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 23/06/2016 và hiện một số thăm dò dư luận cho thấy số người ủng hộ Brexit nhiều hơn vài phần trăm. 

Một phụ nữ phát tờ rơi tại Luân Đôn trong chiến dịch vận động bỏ phiếu giữ Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu ngày 20/05/2016.
Một phụ nữ phát tờ rơi tại Luân Đôn trong chiến dịch vận động bỏ phiếu giữ Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu ngày 20/05/2016. REUTERS/Kevin Coombs
Quảng cáo

 Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm chi tiết xung quanh cuộc bỏ phiếu quyết định việc nước Anh ra đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu:

Có khá nhiều tổ chức khác nhau cùng làm thăm dò dư luận. Thường thì là phương pháp của họ là lấy mẫu khoảng 2000 người rồi hỏi ý kiến, cho nên mỗi số liệu dự đoán sẽ có mức độ sai số khác nhau. Hôm qua (6/6), đúng vào ngày đầu tuần trong tuần lễ cuối cùng để vận động về Brexit, tờ nhật báo Guardian chạy tin rằng số người ủng hộ Brexit, tức là muốn nước Anh rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, nhiều hơn 3% so với số người muốn ở lại.

Đây là khảo sát do phụ trương là tuần báo Observer thực hiện cùng với công ty chuyên về thăm dò dư luận Opinium, khảo sát trên 2007 người: 43% so với 40%. Trong khi đó số liệu mới nhất vào sáng nay trên tờ Financial Times thì cho kết quả ngược lại, rằng có đến 45% người được hỏi phản đối Brexit, tức là muốn nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, so với 43% người muốn rời bỏ.

Có thể nói cả hai kết quả thăm do dư luận này đều đáng tin cậy, vì nằm trong khoảng sai số do phép tính xác suất thống kê dùng trong bài toán khảo sát, và kết luận chắc chắn nhất hiện nay có thể nói là vấn đề Brexit đã chia dư luận nước Anh thành hai nhóm rất rõ với số lượng gần như ngang bằng nhau, cùng với khoảng 10% dân số bỏ phiếu trắng hoặc cố tình không muốn cho biết mình ủng hộ phương án nào. Đây sẽ là nhóm để các bên sẽ vận động ráo riết cho đến ngày cuối cùng trước cuộc trưng cầu dân ý vào thứ Năm tuần sau.

Kịch bản nước Anh ra đi được bàn nhiều

Nếu nhìn vào các kết quả khảo sát từ nhiều nguồn khác nhau trong suốt một quá trình dài từ tháng Chín năm ngoái cho tới giờ thì có thể thấy là số lượng người muốn nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu giảm nhẹ, còn số lượng người ủng hộ Brexit thì tăng dần thấy rõ, có lẽ một phần là do cuộc vận động của nhóm nghị sĩ của đảng Bảo Thủ đi theo cựu thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson.

Tất cả báo chí và truyền hình đều đưa ra kịch bản của mình về chuyện nước Anh sẽ ra sao sau ngày bỏ phiếu, và tranh cãi về điều đó. Mới đây nhất thậm chí BBC còn mở rộng tầm ảnh hưởng sang cho cả nền kinh tế Mỹ, trích lời thống đốc ngân hàng trung ương Mỹ Janet Yellen giải thích về quyết định tăng giá trị cho đồng đô-la, một phần là vì tính đến tình hình ở Anh. Tập đoàn điện tử Nhật Bản Hitachi cũng tuyên bố sẽ tính lại kế hoạch đầu tư nếu Anh quốc rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, trong một bài viết trên tờ Mirror.

BBC cũng đặt câu hỏi vậy liệu Brexit có khiến Putin hài lòng hay không. Nói chung mọi cuộc tranh cãi đều qui tụ lại thành một điểm chính là kinh tế nước Anh sẽ ra sao sau ngày bỏ phiếu, và hầu hết các kịch bản đều đưa ra giả thiết là nước Anh sẽ thông qua quyết định Brexit, tức là rời khỏi châu Âu.

Những người quyết liệt muốn Brexit thì thường không đắn đo về chuyện kinh tế mà đơn giản là không tin vào cơ cấu của Liên Hiệp Châu Âu, cho rằng thể chế này hoạt động không có hiệu quả, và khiến cho nước Anh mất quyền tự chủ vì rất nhiều chuyện phải tuân thủ theo phán quyết của châu Âu.

Thủ tướng Anh đã đàm phán với Bruxelles nhưng bản thỏa thuận đó chìm nghỉm trong những cơn sóng dư luận. Những người không muốn bỏ phiếu cho Brexit thì chủ yếu là do e ngại kinh tế nước Anh sẽ suy sụp sau ngày rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng trên báo chí lần lượt có khá nhiều doanh nghiệp lớn và giới chuyên gia kinh tế lại lên tiếng ủng hộ Brexit.

Có thể thấy rất rõ sự dao động của cả hai nhóm trong suốt nửa năm qua, một phần có lẽ là do tác động của các ý kiến kiểu như vậy trên truyền thông. Quí vị có thể tưởng tượng nếu mình là một người Anh, đang làm trong ngân hàng hay công ty có nhiều việc ở Liên Hiệp Châu Âu, sẽ dao động ra sao sau khi đọc những bình luận kiểu như vậy. Hay như là người dân trung lưu có nhà và phòng cho người lao động từ Liên Hiệp Châu Âu sang thuê, sẽ quyết định bỏ phiếu như thế nào giữa một bên là quyền lợi kinh tế và một bên là ý thức chính trị.

Người nhập cư chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Mặc dù tranh cãi nhưng không ai nói được câu nào dứt khoát về viễn cảnh cho di dân châu Âu sang Anh làm việc. Tuy nhiên, riêng bản thân mỗi công dân Liên Hiệp Châu Âu đang sống và làm việc ở Anh đều nhanh chóng có câu trả lời cho riêng mình. Số lượng công dân các nước đông Âu nộp đơn vào quốc tịch Anh tăng mạnh trong vòng nửa năm trở lại đây, như một khảo sát được nhật báo Guardian thực hiện mới đây.

Liên lạc với khoảng 1700 người, họ ghi nhận được nhiều câu chuyện đáng chú ý, ví dụ như có những đôi vợ chồng chung sống với nhau hàng chục năm, giờ phải ra ủy ban đăng ký kết hôn rồi đăng ký nhập tịch để có bề gì khỏi phải xin visa để về nhà mình.

Cũng cần phải nhắc đến một nhóm đáng kể những người Việt có quốc tịch Ba Lan hay Bungary và Pháp hay Đức đang làm việc ở Anh, có vợ hay chồng vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam. Theo một phán quyết của tòa án châu Âu thì vợ chồng của họ được nhập cảnh vào Anh theo diện đặc biệt, thậm chí không phải tốn cả phí hồ sơ xin visa, và nếu nước Anh rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu thì qui định đó hết hiệu lực và qui trình xin visa đoàn tụ gia đình theo luật Anh là vô cùng khó khăn, đòi hỏi rất nhiều loại giấy tờ và điều kiện công việc, cũng như thời gian thử thách và cả trình độ tiếng Anh nữa.

Đây là mối lo lắng rõ nhất trong cộng đồng người Việt ở Anh trong những ngày qua, mà trường hợp vừa kể chỉ là đơn cử, bên cạnh rất nhiều loại hồ sơ giấy tờ khác, như là qui trình xét tị nạn hay trục xuất và di dân theo diện tay nghề cao. Mỗi bức tranh nhỏ đó lại là một câu chuyện rất riêng nhưng cũng rất đáng chú ý trong bức tranh lớn về kinh tế chính trị xã hội nước Anh hiện nay trước ngày bỏ phiếu cho quyết định Brexit, tức là có rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.