Vào nội dung chính
ACHENTINA - NAM MỸ - ĐỘC TÀI

Achentina xét xử các chủ mưu "Chiến dịch Condor" Nam Mỹ

Mười tám quân nhân, trong đó có một nhà cựu độc tài Achentina, có thể sẽ bị một tòa án tại thủ đô Buenos Aires kết án ngày 27/05/2016. Họ bị cáo buộc đã tham gia vào "Chiến dịch Condor" (hay còn gọi là "Chiến dịch Kền kền khoang", Operacion Condor) nhằm loại bỏ các nhà đối lập với các nền độc tài Nam Mỹ trong những năm 1970 và 1980.

Nhà cựu độc tài Chilê Augusto Pinochet (T) bắt tay ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger năm 1976.
Nhà cựu độc tài Chilê Augusto Pinochet (T) bắt tay ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger năm 1976. Wikipedia
Quảng cáo

Hoa Kỳ biết rõ sự tồn tại của "Chiến dịch Condor", nhưng không phản đối. Theo một tài liệu nằm trong hồ sơ xét xử, khi một bộ trưởng Achentina thông báo cho ngoại trưởng Mỹ thời kỳ đó là Henry Kissinger về chiến dịch, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chỉ trả lời : « Nếu có việc gì phải giải quyết thì các vị làm nhanh lên. Nhưng các vị phải nhanh chóng tiếp tục các thủ tục thông thường ».

Đây là lần đầu tiên một phiên tòa được mở ra để xét xử "Chiến dịch Condor", với tư cách là một tổ chức tội phạm, ngay cả khi nhiều quân nhân Nam Mỹ đã bị xét xử vì các vụ ám sát trong khuôn khổ chiến dịch này.

Bản án được tuyên vào khoảng 17 giờ, giờ địa phương, thứ Sáu ngày 27/05/2016, và sẽ chấm dứt vụ xét xử bắt đầu từ tháng 02/2013. Lúc đầu có 25 bị cáo, hiện còn 18 bị cáo từ 77 đến 92 tuổi. Bẩy người đã chết do tuổi cao, trong đó có cựu độc tài Achentina Jorge Videla (1976-1981) chết trong tù. Vị quan chức này từng bị kết tội chống nhân loại.

Phiên tòa diễn ra tại Buenos Aires vì phần lớn tội ác xảy ra tại Achentina. Điều quan trọng hơn là Achentina là quốc gia Nam Mỹ duy nhất từng mở một phiên tòa kiểu Nuremberg (phiên tòa xét xử 24 bị cáo Đệ Tam Đế Chế tại Đức) để xét xử chế độ độc tài kéo dài từ năm 1976 đến 1980.

Tư pháp Achentina đã xét xử và kết án vài trăm quân nhân bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Trong khi đó, tại một số nước khác trong vùng, rất nhiều nhà lãnh đạo quân đội có liên quan tới các chiến dịch đàn áp đã được ân xá.

Trong số 105 nạn nhân của "Chiến dịch Condor", đa số là người tị nạn chính trị, bỏ trốn đất nước : 45 người Uruguay, 22 người Chilê, 13 người Paraguay, 11 người Bolivia và 14 người Achentina.

Phần lớn các vụ hành quyết hay bắt cóc (tổng cộng có 89 vụ) đều diễn ra tại Achentina nơi có rất nhiều người Uruguay, Chilê và Paraguay sinh sống sau khi chạy trốn khỏi chế độ ở nước họ.

300 người được mời làm chứng tại tòa

Khoảng 300 nhân chứng đã được mời đến tòa án trong suốt 3 năm xét xử. Các quan tòa xét xử vụ án dựa trên các bộ hồ sơ được đặt tên "Lưu trữ khủng bố", được phát hiện tại Paraguay trong những năm 1990 và những tài liệu đã được Hoa Kỳ giải mật và công bố.

Nhà độc tài cuối của của Achentina, Reynaldo Bignone (1982-1983) hiện 88 tuổi, cựu đại tướng Santiago Omar Riveros, 92 tuổi, và cựu đại ta Uruguay Manuel Cordero Piacentini, 77 tuổi, từng bắt những nhà đối lập Uruguay về nước, cũng nằm trong danh sách bị cáo ở hàng cao cấp.

Luật sư Luz Palmas thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Pháp Lý và Xã Hội, một tổ chức phi chính phủ Achentina, nhấn mạnh : « Rất nhiều quốc gia Nam Mỹ chờ đợi bản án này như một trong những sự kiện tư pháp quan trọng nhất ». Bà cho biết, "Chiến dịch Condor" được tiến hành theo 3 bước. Đầu tiên là nhận dạng các nhà đối lập. Tiếp theo là thanh trừng họ hay bắt cóc họ tại các nước Nam Mỹ. Bước cuối cùng là vô hiệu hóa họ bằng cách buộc họ sống lưu vong tại châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào ngoài Nam Mỹ.

Tuy nhiên, bước cuối cùng của "Chiến dịch Condor" đã bị ngừng lại sau vụ đánh bom xe hơi ngày 21/09/1976 do một nhân viên tình báo Chilê tiến hành tại Washington nhắm vào Orlando Letelier, nhà kinh tế học người Chilê, theo lệnh của nhà độc tài Pinochet. Vụ tấn công này được cho là một trong số những vụ khủng bố đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.