Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Tại sao phong trào cực hữu mị dân lên điểm tại châu Âu?

Đăng ngày:

Một thành viên Liên Hiệp Châu Âu thoát nạn cực hữu lãnh đạo trong đường tơ kẻ tóc. Trong cuộc bầu cử tổng thống Áo hôm Chủ Nhật 21/05/2016, ứng cử viên Alexander Van der Bellen do phong trào môi sinh ủng hộ chỉ hơn đối thủ cực hữu Norbert Hofer của đảng Tự Do FPO (dân túy) có 31.000 phiếu. Chưa bao giờ một tổ chức chống di dân, bài Hồi giáo và Liên Hiệp Châu Âu lên điểm cao như vậy.

Ông Alexander Van der Bellen, ứng viên độc lập trúng cử tổng thống Áo trong gang tấc, ngày 23/05/2016.
Ông Alexander Van der Bellen, ứng viên độc lập trúng cử tổng thống Áo trong gang tấc, ngày 23/05/2016. REUTERS/Leonhard Foeger
Quảng cáo

Theo thăm dò ý kiến, đảng FPO sẽ chiếm đa số tại quốc hội Áo trong cuộc bầu cử lập pháp trong hai năm tới. Đảng Mặt Trận Quốc Gia ở Pháp, đang ngắp nghé chiếc ghế tổng thống 2017 « dự đoán » chiến thắng của phong trào cực hữu « tại Áo cũng như ở các nơi khác trên thế giới ».

Trường hợp nước Áo phản ảnh thế đang lên của những đảng cực hữu và mị dân ở nhiều nước ở châu Âu. Tháng 3/2016 trong cuộc bầu cử địa phương tại Đức, tháng 6/2015 bầu quốc hội tại Đan Mạch, các đảng chống di dân giành thêm ghế tại nghị viện. Trước đó tại Thụy Sĩ, không phải thành viên Liên Hiệp Châu Âu, cử tri đưa đảng UDC với chủ trương cấm đền thờ Hồi giáo và di dân nhập cư hàng loạt đứng đầu các tổ chức chính trị.

Trong bối cảnh khủng bố Hồi giáo tại Pháp và Bỉ và làn sóng di dân từ Trung Đông tràn ngập Đức và Áo, cương lĩnh tranh cử của phe cực hữu lấy Hồi giáo và làn sóng nhập cư làm đối tượng tấn công. Các phe cực hữu dù ở Đông Âu hay Tây Âu, ở trong hay ngoài Liên Hiệp Châu Âu cùng đưa ra một khẩu hiệu : đất nước và bản sắc dân tộc bị đe dọa vì Hồi giáo và di dân. Lập luận thứ ba, là quy cho Liên Hiệp Châu Âu tước đoạt chủ quyền quốc gia lấn áp quyết định của quốc hội mỗi thành viên.

Tình hình chung của châu Âu đáng lo ngại . Đức và Áo do là trung tâm bão « di dân nhập cư » và sau loạt xâm phạm tình dục vào dịp Giáng sinh 2015, phe cực hữu khai thác tận lực luận điểm " đạo Hồi không thích hợp với châu Âu, đe dọa bản sắc Đức và Áo và của châu Âu Thiên Chúa giáo ". Tây Ban Nha là ngoại lệ. Đảng cực hữu chỉ được 7549 phiếu ( 0,03%) trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 12/2015.

Những luận điểm trên đây đúng hay mị dân ? Vì sao phe cực hữu thu hút được một phần khá đông cử tri ? Các đảng truyền thống bất lực hay đã đến thời suy đồi ? RFI đặt câu hỏi với nhà báo Nguyễn Văn Huy, tạp chí Thông Luận online.

08:20

Nhà báo Nguyễn Văn Huy, tại Paris, Pháp:

Nhà báo Nguyễn Văn Huy : « Những lập luận của phe cực hữu khai thác tình hình khủng hoảng của châu Âu là đúng ….nhưng đem ứng dụng vào thực tế thì không được… Pháp hay Đức không thể tồn tại một mình nếu không có Liên Hiệp Châu Âu…. »

Trong Liên Hiệp Châu Âu, Tây Ban Nha là ngoại lệ tuy cũng bị ảnh hưởng tác động của toàn cầu hóa. Đảng cực hữu chỉ được 7549 phiếu ( 0,03%) trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 12/2015. Nhiều lý do được giới chuyên gia nêu lên để giải thích : tình liên đới gia tộc của dân Tây Ban Nha rất vững chắc, hỗ trợ nhau qua cơn khốn khó vì thất nghiệp. Bản thân Tây Ban Nha cũng là xứ sở của di dân. Những dân nhập cư vào Tây Ban Nha từ châu Mỹ La tinh nói cùng thứ tiếng và cùng tôn giáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.