Vào nội dung chính
THƯỢNG ĐỈNH G7

Tăng trưởng, khủng bố và di dân : Những hồ sơ chính của G7

Rời Việt Nam ngày hôm nay, 25/05/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama sang Nhật Bản để tham dự thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất –G7, trong hai ngày 26 và 27/05, tại Ise-Shima, miền trung Nhật Bản. Ngoài hồ sơ thúc đẩy kinh tế thế giới, chống khủng bố, đối phó với nạn di dân, lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Ý và Canada sẽ thảo luận về quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, hồ sơ Nga và Ukraina, vấn đề y tế và biến đổi khí hậu.

Trung tâm báo chí quốc tế tại thượng đỉnh G7 Ise-Shima 26-27/05/2016.
Trung tâm báo chí quốc tế tại thượng đỉnh G7 Ise-Shima 26-27/05/2016. Reuters
Quảng cáo

Tăng trưởng thấp, bấp bênh và mất cân đối

Vài ngày sau cuộc họp của các bộ trưởng Tài Chính và thống đốc ngân hàng G7, tại Sendai (phía đông bắc Nhật Bản), kinh tế thế giới trở thành một hồ sơ nổi cộm trong cuộc họp thượng đỉnh lần này.

Theo nhận định của ông Matthew Goodman, chuyên gia thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế - CSIS – được AFP trích dẫn thì « G7 và G20 đã định ra mục tiêu là tăng trưởng vững chắc, bền vững và cân bằng và tất cả các khía cạnh này đều quan trọng. Thực tế là kinh tế thế giới yếu kém, bấp bênh và mất cân đối và chủ đề đầu tiên mà G7 sẽ phải nói đến là cách thức giúp khởi động tăng trưởng ».

Tất cả thành viên G7 đều nói đến sự cân bằng đúng đắn giữa chính sách tiền tệ phù hợp, chính sách ngân sách và các cải cách kinh tế, xã hội, nhưng theo giới chuyên gia, mỗi nước lại có cách tiếp cận khác nhau về nhu cầu này. Ví dụ, trước lời kêu gọi của Nhật Bản về việc phải phối hợp chính sách chi ngân sách, Đức đã đáp trả thẳng thừng rằng đây không phải là công việc cần phải làm ngay.

Bảo vệ di sản văn hóa và ngăn chặn nguồn tài chính của khủng bố

Trong cuộc họp cấp bộ trưởng và thống đốc ngân hàng tại Sendai vừa qua, G7 đã hứa hẹn là hội nghị thượng đỉnh sẽ thông qua một « kế hoạch hành động » ngăn chặn nguồn tài chính của khủng bố.

Một nguồn tin ngoại giao tại Paris cho AFP biết là bên lề thượng đỉnh G7, phái đoàn Pháp sẽ tổ chức một cuộc họp về việc bảo vệ các di sản văn hóa trước những hành động phá hoại của khủng bố, sau các vụ đập phá những di sản văn hóa quý báu ở Tombouctou (Mali), bảo tàng Mossoul và phế tích thành cổ Nimrud (Irak), các ngôi đền Palmyre (Syria).

Di dân và tị nạn

Nguồn tin từ Đức cho hay là chủ đề di dân và tị nạn đã được đưa vào chương trình nghị sự thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản theo đề nghị của Berlin. G7 sẽ không đưa ra những biện pháp cụ thể trong hồ sơ này, mà sẽ chỉ nhấn mạnh rằng một quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn.

Bộ trưởng Tài Chính Ý Pier Carlo Padoan cho biết là G7 đã thừa nhận rằng các đợt di dân là một hiện tượng phũ phàng, đang phát triển mạnh và sẽ còn kéo dài… và do vậy cần phải có một sự phối hợp đối phó trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, giới quan sát nhấn mạnh là cũng không nên trông đợi quá nhiều vào thượng đỉnh G7, bởi vì, theo chuyên gia phân tích chính trị Mitsuru Fukuda, thuộc đại học Nihon, Tokyo, « có rất nhiều vấn đề không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia Trung Quốc hoặc Nga ».

Về phần mình, ông Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên Cứu Châu Á Đương Đại, đại học Temple Tokyo, cho rằng việc đón tiếp G7 có tầm quan trọng đối với Nhật Bản, vì nước này muốn có được những dấu ấn thừa nhận vai trò của mình từ phía các quốc gia dân chủ phát triển, qua đó giúp cho Nhật Bản giữ được một khoảng cách đối với Trung Quốc.

Được khởi đầu từ những năm 1970, G7 trở thành G8 vào năm 1997 với sự tham dự của Nga, đã phần nào bị mất vai trò với sự ra đời của nhóm 20 nước đang trỗi dậy – G20 - trong những năm1990. Năm 2014, G8 lại rút gọn thành G7 sau khi Nga bị loại ra khỏi câu lạc bộ này do cuộc khủng hoảng Ukraina. Tuy nhiên, G7 vẫn là một diễn đàn trao đổi không chính thức có trọng lượng giữa các cường quốc công nghiệp.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.