Vào nội dung chính
CÔNG NGHỆ - TIN TẶC

Tin học : Coi chừng "virus tống tiền"!

Tội phạm tin học là chủ đề được tuần báo L’Express đề cập trong bài viết : « Khi internet chơi trò tống tiền ». Màn hình bỗng nhiên tối đen, ổ cứng không chạy…, đây là dấu hiệu máy tính đã bị nhiễm "virus tống tiền". Biện pháp duy nhất để phục hồi dữ liệu là phải giở hầu bao trả tiền để có khóa giải mã.

Internet trở thành môi trường tống tiền của loại virus ransomware. Ảnh minh họa.
Internet trở thành môi trường tống tiền của loại virus ransomware. Ảnh minh họa. YouTube/Safeonweb.be
Quảng cáo

Giới tội phạm tin học gọi loại vũ khí này là "virus tống tiền" (ransomware hay rançongiciel). Máy tính đột nhiên bị tê liệt hay dữ liệu bị mã hóa là hậu quả khi người sử dụng internet mở những bức thư điện tử nặc danh chứa virus.

Thế hệ "virus tống tiền" mới được đặt theo tên các nhân vật truyện tranh hay phim hành động nổi tiếng như Locky, SamSam, Jigsaw, Petya, Maktub hay CryptoWall và được gắn trong tệp (file) gửi kèm thư điện tử hay, thậm chí, xuất hiện trên những thanh quảng cáo của một số website. Chỉ cần nhấn vào đó hay chỉ cần lướt qua trang internet, người sử dụng đã bị dính virus và nếu họ không lưu trữ tài liệu ở ổ cứng ngoài, thì toàn bộ dữ liệu trong máy tính bị vô hiệu hóa.

Không chỉ nhắm vào cá nhân, tội phạm tin học sử dụng virus tống tiền tấn công các công ty hay cơ quan nhà nước. Theo số liệu của Cảnh sát Liên bang Mỹ FBI, chỉ riêng năm 2015, tội phạm tin học đã chiếm đoạt được số tiền 209 triệu đô la. Gần đây, bệnh viện Hollywood Presbyterian Medical Center phải trả 17.000 đô la để chuộc lại dữ liệu bệnh nhân bị mã hóa.

Còn tại Pháp, dù không có số liệu thiệt hại cụ thể nhưng đại tá Nicolas Duvinage, quản lý Trung tâm Phòng chống tội phạm tin học của Hiến binh Pháp, nhận xét : « Đây đúng là một ngành kinh doanh phạm pháp có tổ chức và nhắm vào mọi người », với thiệt hại đáng kể về kinh tế và tài chính. Nhiều chủ doanh nghiệp, khi đến làm đơn tố cáo, công nhận đã bị mất toàn bộ dữ liệu hay hồ sơ khách hàng được lưu từ nhiều năm.

"Virus tống tiền" không phải là loại virus mới nhưng đã thay đổi cách hoạt động. Trong những năm 2010-2011, loại virus này không khóa mã hồ sơ lưu trong máy tính. Người sử dụng nhận được một thư điện tử giả, mạo danh cảnh sát kết tội "con mồi" đã truy cập các trang khiêu dâm hay đã tải nhạc và phim bất hợp pháp. Nạn nhân bị yêu cầu trả một khoản tiền phạt, thường chỉ vài trăm euro.

Thế nhưng, từ năm 2013, một thế hệ virus tống tiền mới ra đời, chính là virus khóa mã nội dung lưu trong máy tính. Những loại virus này ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn và nguy hiểm hơn. Ví dụ, virus Jigsaw, tên của nhân vật chính trong phim kinh dị Saw, xóa dần từng tệp tài liệu trong máy tính cho đến khi chủ sở hữu phải đồng ý trả tiền. Trong khi đó, CryptoWall và Locky lại có muôn hình vạn trạng nhằm tránh bị các hệ thống bảo mật phát hiện. Một điểm đáng lo ngại khác là ngay hệ thống điều hành Mac OS của Apple và các máy hoạt động bằng Linux cũng không còn an toàn.

Những kẻ tội phạm tin học cũng tỏ ra có óc kinh doanh khi chỉ đòi những khoản tiền chuộc khá khiêm tốn, từ vài chục đến vài nghìn euro. Như vậy, nạn nhân thường chấp nhận trả tiền để lấy lại dữ liệu thay vì mất thời gian đi khiếu nại. Theo kết quả thăm dò của Bitdefender, một nhà sản xuất phần mềm, ít nhất 1/3 người Pháp sẵn sàng trả tới 190 euro để lấy lại tài liệu.

Để tránh bị phát hiện, tội phạm tin học thích sử dụng đồng tiền ảo bitcoin, ra đời năm 2009, có thể mua được trên mạng bằng thẻ tín dụng. Đây là điểm khó khăn nhất đối với các nhà điều tra, vì hoàn toàn không thể nhận dạng hay định vị được người sở hữu tài khoản. Theo ông François-Xavier Masson, điều hành bộ phận điều tra đặc biệt trực thuộc cảnh sát quốc gia Pháp, « không hy vọng là sẽ tìm lại được khoản tiền chuộc và tìm ra được tác giả thật của vụ tống tiền ».

Về nguồn gốc của những vụ tống tiền tin học, các chuyên gia đều có chung nhận định : « Dường như phần lớn đều xuất phát từ Đông Âu (Nga hay Ukraina). Nhưng kỹ thuật tạo virus tống tiền được bán rộng rãi trên thị trường đen trực tuyến ».

Tính đến hiện nay, các cuộc điều tra vẫn chưa đưa ra kết quả cụ thể. Năm 2012, sáu người Nga, hai người Georgia và hai người Ukraina đã bị bắt tại vùng Malaga (Tây Ban Nha) cùng với ông trùm cũng là người Nga. Chỉ trong vòng một năm, virus tống tiếng Reveton đã giúp nhóm tội phạm kiếm được hơn 1 triệu euro. Năm 2015, cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ hai tội phạm tin học và thu giữ được hàng nghìn khóa giải mã. Cuộc chiến chống virus tống tiền mới chỉ thật sự bắt đầu!

Miến Điện : Những con người bị đày trong mỏ đồng

Chuyển sang thời sự châu Á, mỏ đồng Letpadung, nằm ở miền trung Miến Điện, nuốt trọn những cánh rừng và biến những quả đồi xanh mướt thành những quả đồi trọc chỉ một màu đất son và gồ ghề. Theo bài phóng sự « Những con người bị đày trong mỏ đồng », đặc phái viên của tuần báo L’Obs, nhận định : Bất chấp các hậu quả của khu mỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân địa phương, dự án khai thác vẫn được "Quý bà Rangoon" ủng hộ, đi ngược với nguyện vọng của người dân địa phương.

Tập đoàn Umehl, do quân đội Miến Điện nắm giữ, khai thác chung với công ty Vạn Bảo (Wanbao), một chi nhánh của Nirinco, công ty quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc chuyên về sản xuất vũ khí. Nhiều chủ sở hữu đất, đa số là chủ trang trại, bị trục xuất khỏi chính mảnh đất của mình để nhường đất cho dự án.

Sau vụ biểu tình năm 2012 và bị chính quyền đàn áp mạnh tay, bà Aung San Suu Kyi, lúc đó là lãnh đạo nhóm nghị sĩ đối lập ở Quốc hội, đã đứng đầu ủy ban điều tra về vụ này. Báo cáo kết quả điều tra đưa ra một vài khuyến nghị chung chung như đào tạo cảnh sát tốt hơn, chú ý đến vấn đề môi trường, tăng thuế lợi nhuận… Tuy nhiên, dự án mỏ đồng tiếp tục được hoạt động khiến người dân địa phương và các nhà hoạt động phẫn nộ.

Từ đó đến nay, điều kiện vẫn không được cải thiện. Người dân sống tại 26 ngôi làng lân cận vẫn tiếp tục phàn nàn về việc xử lý chất thải từ mỏ được để ngay gần nơi họ sinh sống. Họ lo sợ chất axit ngấm vào lòng đất và các mạch nước ngầm khiến nhiều mảnh đất trở nên cằn cỗi. Họ cũng cho rằng nguyên nhân của nhiều bệnh tật kì lạ tại đây có thể bắt nguồn từ nhà máy hóa chất của mỏ đồng này.

Sau khi đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ lên nắm quyền, mọi hy vọng của người dân nơi đây dồn vào chính phủ mới. Thế nhưng, dường như trong mắt của họ, "Quý bà Rangoon" giờ trở thành một nhà lãnh đạo sẵn sàng thỏa hiệp. Theo nhận xét của luật sư Thein Than Oo, trả lời phỏng vấn tuần báo L’Obs : « Aung San Suu Kyi muốn làm hài lòng quân đội mà bỏ qua khao khát của dân tộc ».

Trong vùng núi hẻo lánh này, khẩu hiệu « Thời khắc thay đổi » (Time for change) của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ dường như chưa gây được tiếng vang. Và người dân địa phương vẫn nóng lòng chờ quyết định của bà cố vấn. Thế nhưng, Aung San Suu Kyi đã thông báo có nhiều ưu tiên khác cho chính phủ của bà.

Nhật: Dịch vụ mang thai hộ cho người giầu Trung Quốc

Từ khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách một con, dịch vụ mang thai hộ nở rộ tại Nhật Bản nhờ giới nhà giầu Trung Quốc và với sự tiếp tay của các băng đảng mafia Nhật Bản (yakuza). Tuần báo Le Courrier International, trích dịch một bài viết của tờ Mainichi Shimbun tại Tokyo, phản ánh ngành thương mại bất hợp pháp này dưới dòng tựa: « Mẹ mang thai hộ cho người giầu Trung Quốc tại Nhật Bản ».

Bài điều tra kể về trường hợp của một cặp vợ chồng quan chức cao cấp trong chính phủ Trung Quốc muốn có thêm con thứ hai, mà nhân vật trung gian là một người quen, cũng là một cán bộ cao cấp của đảng. Cuộc tiếp xúc giữa người phụ nữ khách hàng của bệnh viện với người mẹ mang thai hộ, cũng là người Trung Quốc, chỉ kéo dài 2 phút. Sau đó, bác sĩ người Nhật chỉ mất 3 phút để cấy phôi thai vào bụng người mẹ mang thai hộ. Một tuần sau, người phụ nữ này sẽ quay lại kiểm tra trước khi được theo dõi tại bệnh viện phụ sản địa phương.

Một thành viên của mạng lưới bất hợp pháp này cho biết : « Ngành dịch vụ này được bắt đầu cách đây 4 năm và đã có 74 trẻ được ra đời ». Chỉ trong dịp Tết Nguyên Đán 2016 đã có 18 cặp vợ chồng tới bệnh viện tư trên. Các cặp vợ chồng Trung Quốc hiện chuộng Nhật Bản hơn Mỹ, vì luật pháp của quốc gia láng giềng này cho phép mang thai hộ và hành trình đến Nhật dễ dàng hơn so với Mỹ và sau này tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư.

Theo một nhà trung gian, « phần lớn mẹ mang thai hộ là người Hoa sống tại Nhật Bản, nhưng có ba người trong số họ là người Nhật. Rất nhiều trẻ em được nuôi dạy ngay tại đây trong một nhà giữ trẻ », do chính quyền Trung Quốc mất nhiều thời gian trong việc xử lý hồ sơ nhận con nuôi. Các cặp vợ chồng gửi con ở nhà trẻ phải thanh toán khoản chi phí hàng tháng từ 800 đến 1.600 euro.

Những người mẹ mang thai hộ, thường là phụ nữ độc thân Trung Quốc không tìm được việc làm tại Nhật hay mắc nợ nần. Các băng đảng yakuza khai thác hoàn cảnh khó khăn của họ để tuyển họ làm công việc trên. Thường một thành viên của yakuza đứng ra nhận là cha của đứa trẻ khi làm giấy khai sinh. Người mẹ mang thai hộ chỉ được trả thù lao chừng 2 triệu yen (16.000 euro), trong khi khách hàng phải trả đến 15 triệu yen (122.000 euro) tiền dịch vụ.

Syria : Dòng tộc Assad sưu tập bằng giả

Bị tiền bạc quyến rũ, thành viên dòng tộc Assad "cai trị" Syria từ năm 1970 cũng thích sưu tập các loại bằng cấp. Theo tờ The Huffington Post số ra ngày 02/05, được Le Courrier International trích dịch, các bằng cấp này đều đạt được hoặc nhờ gian lận, hoặc dùng vũ lực.

Gia đình Assad tìm cách sưu tập mọi loại văn bằng sau đó bỏ sang một bên để tập trung làm giầu. Bằng chứng mới nhất là những tiết lộ gần đây trong vụ Panama Papers. Theo đó, Bachar Al Assad và một số thành viên gia đình có những khoản tiền khổng lồ tại các thiên đường thuế.

Trong số họ, có một thành viên có bằng bác sĩ không phân biệt được bệnh trĩ (hémorroïde) và bệnh tuyến giáp (thyroïde). Hay chú của Bachar là Rifaat El Assad mang cả cận vệ vào phòng thi và ngang nhiên "quay bài". Còn em gái của tổng thống Syria, Bouchra El Assad - cô con gái rượu của cố tổng thống Hafez El Assad - gây sức ép với một giáo sư trường dược để có được điểm cao hơn.

Tàn bạo hơn, cô con gái rượu đã cho bắt giam và tra tấn một sinh viên vì đã dám chỉ ra lỗi của Bouchra khi bà nêu thành phần một loại thuốc trong buổi một buổi giới thiệu chương trình phổ cập giáo dục của tổng thống Hafez El Assad. Sau khi được thả và sang Đức du học, người sinh viên viết thư cho bạn kể lại rằng : « Cậu có nhớ chuyện gì xảy ra năm 1998 không… Ngày đó, tại phòng an ninh, tôi đã bị hoạn. Hai tuần sau, người ta yêu cầu tôi rời khỏi đất nước. Tôi ra đi với tờ giấy chứng nhận ghi rằng : Mất khả năng quan hệ tình dục! ».

Trốn thuế : Hệ thống của nhà giầu

8.600 tỉ đô la là tài sản của các công ty bình phong theo ước tính của nhà nghiên cứu người Pháp Gabriel Zucman. Trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, giảng viên kinh tế tại đại học Berkeley cũng nhấn mạnh rằng khối tài sản khổng lồ đó còn cho thấy hố sâu bất cân bằng xã hội.

Nhà nghiên cứu khẳng định khi con người càng giầu, người ta càng có nhu cầu che dấu tài sản của mình. Hiện số tỉ phú giầu nhất thế giới, với tổng tài sản hơn 50 triệu đô la, chiếm khoảng 0,01% dân số thế giới, nhưng 70% trong số họ có tài khoản không khai báo.

Ngoài ra, dịch vụ mở công ty bình phong ngày càng trở nên phổ biến, dễ dàng hơn, chỉ cần vài trăm euro là khách hàng đã có thể mở được một công ty. Tuy nhiên, với giới siêu giầu, các biện pháp trốn thuế trở nên vô cùng tinh vi, phổ biến và ở quy mô lớn.

Nhà nghiên cứu nhận xét, cho tới hiện nay, mọi chính sách chống các thiên đường thuế hiện đang gặp thất bại, vì các ngân hàng che dấu khách hàng của mình đằng sau những công ty bình phong. Theo ông, biện pháp đầu tiên là nên lịch sự yêu cầu các ngân hàng này phải minh bạch.

Thế nhưng, biện pháp này vẫn chưa đủ vì các thiên đường thuế chỉ là nơi trung chuyển tiền bẩn. Số tài sản của các công ty vỏ sò này không được đầu tư vào Panama mà được đầu tư vào cổ phiếu tại Pháp, hay vào bất động sản tại Luân Đôn và khối nợ của Mỹ. Vì vậy, cần phải tìm được danh tính của những người thụ hưởng thật sự những khối tài sản này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.