Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Dân Anh không rơi vào bẫy chống Hồi giáo

Đăng ngày:

Báo chí quốc tế gọi đây là một bài học về dân chủ mà cử tri Luân Đôn tặng cho thế giới. Ngày 05/05/2016, Sadiq Khan một luật sư trẻ tuổi, gốc di dân Pakistan, thế hệ hai, đạo Hồi, đắc cử đô trưởng Luân Đôn, một trong những thủ đô Tây phương lớn nhất địa cầu.

Đô trưởng Luân Đôn Sadiq Khan và Giáo trưởng Do Thái Giáo Anh Quốc Ephraim Mirvis tại sân vận động Bắc Luân Đôn, ngày 08/05/2016.
Đô trưởng Luân Đôn Sadiq Khan và Giáo trưởng Do Thái Giáo Anh Quốc Ephraim Mirvis tại sân vận động Bắc Luân Đôn, ngày 08/05/2016. REUTERS/Peter Nicholls
Quảng cáo

Do đâu mà trong bối cảnh phong trào bài Hồi Giáo đang lên tại châu Âu mà người dân có tiếng bảo thủ lại bao dung và tin cậy một nhà chính trị gốc Á châu, cánh tả và bị đối thủ bảo thủ lên án là « Hồi Giáo quá khích »?

RFI đặt câu hỏi với ông Sơn Trần, một nhà giáo và hoạt động xã hội tại Luân Đôn.

Vương quốc Anh, với 2,7 triệu người tự nhận là tín đồ đạo Hồi, tức 5% tỷ lệ dân số. Trong số này có 56% gốc châu Á, đông nhất là Pakistan, Ấn độ và Bangladesh. Theo tập san Chính sách đối ngoại (Politique Etrangère) của Pháp, tháng 04/2015, từ khi tổ chức thánh chiến Daesh (IS) tấn công tại Irak và Syria, khoảng 700 thanh niên cực đoan đã sang Trung Đông đầu quân cho lực lượng võ trang này. Đao phủ thủ nổi tiếng « Jihad John » sát hại nhiều người Anh và Mỹ (đã bị Mỹ không kích giết chết) là một trong số những kẻ cuồng tín này. Ít nhất 300 « chiến binh » đã trở lại Anh.

Luân Đôn cũng từng bị Hồi Giáo khủng bố vào tháng 07/2005, cũng như Paris trong năm 2015, và Bruxelles 2016. Song song với bạo lực khủng bố là làn sóng tị nạn, di dân dồn dập vào Hy Lạp, Ý, rồi mượn đường qua các nước Balkan để đến Áo và Đức, hoặc sang Pháp rồi tìm cách vượt biển sang Anh.

Tại Đức, tổ chức bài ngoại Pegida, mới thành lập không lâu, đã vào được nghị trường địa phương với chiêu bài chống đạo Hồi, khai thác làn sóng di dân và tai tiếng vụ « xâm hại tình dục » tại Cologne vào Giáng sinh năm 2015. Tại Pháp, kết quả thăm dò ý kiến do Pew Research thực hiện cho báo Le Figaro cho thấy tỷ lệ cử tri Pháp, kể cả trong cánh tả, lo ngại và muốn có biện pháp phòng ngừa đạo Hồi. Tỷ lệ này đã tăng từ 55% lên 63% trong vòng năm năm.

Bầu cử đô trưởng Luân Đôn diễn ra trong bối cảnh này. Theo nhận định của Le Monde, có hai yếu tố mà người dân Luân Đôn không thể không biết về ứng cử viên Sadiq Khan. Thứ nhất, ông là người Hồi Giáo. Thứ hai, cha ông là người Pakistan, làm tài xế xe buýt. Hai chi tiết này không hấp dẫn cử tri nhưng ông Sadiq Khan biến nó thành lợi điểm.

Nhật báo Algeria El Watan, khi bình luận về nguyên do chiến thắng của Sadiq Khan cũng viết : Là một người đam mê dấn thân vào chính trị thật sớm, đắc cử dân biểu lúc 34 tuổi, trong đảng Lao Động Anh (Công Đảng). Mới đây, ông bị phe cực đoan tung « giáo lệnh » ám sát vì tranh đấu cho hôn nhân đồng giới tính.

Bài Hồi Giáo cực đoan, tân đô trưởng muốn biến Luân Đôn thành một thành phố rộng mở, bao dung và đa văn hóa. So sánh Luân Đôn với Paris và Marseille của Pháp, nơi cũng có một cộng đồng di dân và Hồi Giáo đông đảo, nhật báo Ả Rập kết luận : Sau Barack Obama tại Mỹ, chiến thắng của Sadiq Khan vào ghế đô trưởng Luân Đôn là một sự kiện lớn trên thế giới. Paris và Marseille vẫn chưa bầu được một thị trưởng da đen hay Hồi Giáo.

Câu hỏi đặt ra là do căn nguyên nào mà cử tri Luân Đôn không rơi vào tâm lý bài Hồi Giáo ? Và rộng hơn nữa, Anh Quốc đã vun bồi chính sách hội nhập như thế nào và đổi lại, cộng đồng Hồi Giáo tại Anh đã thích ứng với quê hương thứ hai ra sao ?

Từ Luân Đôn, ông Sơn Trần, một nhà giáo và họat động xã hội phân tích :

« Chính sách của Anh là khôn ngoan đi trước thời cuộc rất là nhiều. Trong lịch sử cận đại, từ khối Thịnh Vượng Chung, người Hồi Giáo chiếm tỷ lệ khá quan trọng để tạo nên khối này. Vì vậy, nước Anh hoà giải được những đối kháng. Người Anh đã chọn thái độ không sợ hãi, họ chọn đối thoại có hy vọng thay vì đối đầu. Người Anh, trong tâm thức, họ nhìn thấy khuynh hướng mới của lịch sử cho nên họ bỏ phiếu cho ông Sadiq Khan…

Về phần người Hồi Giáo tại Anh, họ tương đối chấp nhận vấn đề đa văn hóa, họ giữ truyền thống nhưng không đòi hỏi những chuyện quá đáng… khó chấp nhận cho một nền văn hóa phương Tây… »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.