Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Ả Rập Xê Út sắp bước vào thời « hậu dầu hỏa »

Đăng ngày:

2.000 tỷ đô la để « cai » dầu hỏa. Ngày 25/04/2016 con trai quốc vương Ả Rập Xê Út, hoàng tử Mohammed ben Salman, nhân vật thứ nhì trong số những người kế vị, công bố kế hoạch cải tổ quy mô và đầy tham vọng Saudi Vision cho giai đoạn 2030. Mục tiêu đề ra là nhằm giảm bớt mức độ lệ thuộc của nền kinh tế nước này vào vàng đen. Riyad bắt đầu bước vào thời kỳ « hậu dầu hỏa ».

Ả Rập Xê Út thời "hậu dầu hỏa" trong tay hoàng tử M. ben Salman.
Ả Rập Xê Út thời "hậu dầu hỏa" trong tay hoàng tử M. ben Salman. Reuters
Quảng cáo

Là một quốc gia 70% thu nhập và 40% tổng kim ngạch xuất khẩu có được là nhờ dầu hỏa, khi giá dầu rơi xuống còn trên dưới 30 đô la một thùng, bội chi ngân sách của Ả Rập Xê Út tăng vọt lên 10 tỷ đô la, tương đương với 15% tổng sản phẩm nội địa.

Sau nhiều thập kỷ lệ thuộc vào dầu hỏa, Riyad ý thức là đã đến lúc cần thích nghi với hoàn cảnh trong thế giới mở rộng và toàn cầu hóa, để tiếp tục là nền kinh tế số 1 trong số các nước Ả Rập. Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, GDP tại xứ dầu hỏa này trong 2016 còn giảm thêm 1,2% sau khi đã giảm 3,4% vào năm 2015. IMF báo trước, nếu cứ khoanh tay ngồi nhìn, chỉ 5 năm nữa Ả Rập Xê Út sẽ thiếu hụt thanh khoản.

Trong bối cảnh đó, cuối tháng 4/2016, hoàng tử Mohammed ben Salman, 31 tuổi, phó thủ tướng thứ 2, người thứ nhì trong danh sách những « ứng viên » kế vị nhà vua, con trai quốc vương Salman, chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của nhà vua, thông báo một kế hoạch phát triển cho giai đoạn 15 năm sắp tới. Ả Rập Xê Út lần đầu tiên thông báo tư hữu hóa 5% cổ phần của tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco để thành lập một quỹ đầu tư của nhà nước trị giá 2.000 tỷ đô la. Quỹ này được sử dụng để tìm hướng phát triển mới cho nền kinh tế quốc gia, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và nhất là giảm bớt mức độ lệ thuộc vào dầu hỏa.

Đâu là chiến lược phát triển mới của Ả Rập Xê Út từ nay đến năm 2030 ? Riyad có khả năng thực hiện kế hoạch đầy tham vọng đó tới mức độ nào ? Francis Perrin, giám đốc điều hành tạp chí Dầu Khí Ả Rập và Jean-Louis Schilansky chủ tịch Trung tâm dầu khí CHNC cùng phân tích về kế hoạch Saudi Vision 2030 của Ả Rập Xê Út.

Tính khả thi

Câu hỏi đầu tiên đặt ra liên quan đến mức độ tin cây của chiến lược giảm bớt lệ thuộc vào dầu hỏa được Riyad đề xuất. Về điểm này chuyên gia về dầu khí, Francis Perrin, của tạp chí Dầu Khí Ả Rập, nhấn mạnh đến quyết tâm của Ả Rập Xê Út đưa ra những mục tiêu cụ thể :

« Chúng ta đang bàn về mục tiêu 2030, tức là trong khoảng 15 năm nữa. Đó là một quãng thời gian vừa quá ngắn, mà lại cũng quá dài : Quá ngắn để chuyển từ một mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào dầu hỏa, đã vận hành ngót một thế kỷ nay, sang một mô hình khác. Nhưng 15 năm cũng là một thời gian khá dài, nhiều chuyện bất ngờ có thể xảy tới. Nhưng rõ ràng là đến năm 2030 Ả Rập Xê Út vẫn tiếp tục còn là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa hàng đầu của thế giới. Đó là điều không thể chối cãi.

Chính quyền Riyad không nói tới kịch bản ‘cai dầu hỏa’ mà chỉ là ‘giảm bớt mức độ lệ thuộc’ vào nguồn năng lượng này. Điều đó có nghĩa là dầu hỏa sẽ có một vị trí hẹp hơn so với hiện nay trong cán căn thương mại, trong ngân sách nhà nước và cả GDP của Ả Rập Xê Út.

Theo tôi đây là một quyết định đúng đắn và sáng suốt không chỉ với Ả Rập Xê Út mà với tất cả những quốc gia xuất khẩu nguyên, nhiên liệu. Để một nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa, là một tính toán sai lầm. Do vậy tôi cho là định hướng của Riyad rất chính đáng và có lý, nhưng liệu chính sách đó có dễ thực hiện hay không, đấy lại là chuyện khác và theo tôi thì sẽ không dễ để áp đặt một mô hình mới ».

Theo quan điểm của chủ tịch Trung Tâm Dầu Khí CHNC Jean-Louis Schilansky, đối với Ả Rập Xê Út, trong chiến lược chuyển mình này, nói thì dễ làm thì khó :

« Ả Rập Xê Út đã thực sự thay đổi lập trường, ít ra là trong lời nói và đây là lần đầu tiên xứ này nêu lên một cột mốc cụ thể là năm 2030. Đừng quên rằng, vương quốc này là nguồn xuất khẩu dầu số 1 của thế giới và mỗi ngày thu về 300 triệu đô la. Lượng dầu Ả Rập Xê Út xuất khẩu ra thế giới cao gấp 5 lần so với nhu cầu của Pháp. Ả Rập Xê Út sẽ khó giảm mức độ lệ thuộc vào vàng đen ».

Cần dầu để « cai » dầu

Ả Rập Xê Út lấy đâu ra nguồn tài trợ cho chiến lược đa dạng hóa các hoạt động kinh tế ? Ông Francis Perrin, tạp chí Dầu Khí Ả Rập nêu lên nghịch lý : dùng thu nhập từ dầu hỏa để cai dầu.

« Như chúng ta đều biết, kể từ khi một chính sách được đề xuất cho đến khi những biện pháp cải tổ được áp dụng cụ thể, quốc gia nào cũng cần có thời gian. Ả Rập Xê Út không là một ngoại lệ. Trong 15 năm sắp tới, dự án cải tổ được hoàng tử Mohammed ben Salman thông báo hôm 25/04/2016 có thể là sẽ vấp phải một sự chống đối từ phía các đối thủ chính trị, từ phía các phe nhóm đặc quyền đặc lợi. Kế hoạch cải tổ sẽ thành công hay thất bại ? Chưa ai có thể trả lời câu hỏi đó, nhưng ít ra là chính quyền đã thực sự quyết tâm cải tổ thay đổi chiến lược phát triển, để bớt lệ thuộc vào dầu hỏa.

Nhưng câu hỏi kế tiếp là vương quốc này trông cậy vào những lĩnh vực kinh tế nào khác để thay thế cho vàng đen ? Như trong dự án được hoàng tử Mohamed ben Salman, một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Riyad đề xuất, Ả Rập Xê Út phác họa ra một số hướng phát triển như sau : Một là đẩy mạnh ngành năng lượng, chủ yếu là khí đốt và năng lượng tái tạo. Hai là ngành công nghệ khai thác khoáng sản. Ba là công nghiệp trong đó bao gồm công nghệ quốc phòng, kỹ thuật số và sau cùng là đẩy mạnh đầu tư trong ngành giáo dục. Nhưng để thực hiện được tất cả những mục tiêu đó, Ả Rập Xê Út phải trông chờ vào thu nhập từ dầu hỏa ».

Trong mắt chuyên gia Jean-Louis Schilansky, thách thức trước mắt của Ả Rập Xê Út phức tạp hơn nhiều vì bên cạnh vấn đề tài chính là cả một quá trình đào tạo và chuyển đổi công nghiệp, nhất là cải tổ hệ thống vận hành của kinh tế và chính trị trên vương quốc Ả Rập này :

« Cần phân biệt rõ hai vấn đề : về mặt tài chính, Ả Rập Xê Út có thừa sức để đầu tư vào tất cả những lĩnh vực vừa được ông Francis Perrin nêu lên ở trên. Cụ thể là Riyad vừa bán lại 5% cổ phần trong tập đoàn dầu hỏa quốc gia Saudi Aramco để thu về 2.000 tỷ đô la. Số tiền này được dành để tài trợ chiến lược ‘chuyển hướng mô hình kinh tế’ của vương quốc vùng Vịnh này.

Nhưng kèm theo đó là một thách thức khác đặt ra cho giới lãnh đạo ở Riyad : làm thế nào để đào tạo cấp bách trong vòng 15 năm một đội ngũ chuyên viên có tay nghề cao trong ngành công nghệ kỹ thuật số hay trang thiết bị quân sự, và kể cả trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ? Thế rồi Ả Rập Xê Út cũng phải tự tìm ra những thị trường mới, tức là sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía các nhà sản xuất truyền thống … ».

Mở rộng hoạt động tư nhân

Về trở ngại trong việc phát triển lĩnh vực tư nhân, theo ông Jean-Louis Schilansky, hoàng tử Mohammed ben Salman không chỉ cần được hậu thuẫn chính trị, mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác :

« Không đơn thuần là những điểm tựa chính trị mà đây là cả một vấn đề mang tính chất văn hóa. Ả Rập Xê Út là một quốc gia còn rất khép kín, các hoạt động chính trị cũng như kinh tế gần như là đều được giữ trong vòng bí mật. Một trong những thách thức lớn đối với tập đoàn dầu khí quốc gia, là làm thế nào để bán được 5% cổ phần trong tay nhà nước cho tư nhân. Để làm được điều này, Saudi Aramco cần thuyết phục được giới đầu tư có nghĩa là cần phải minh bạch hơn về sổ sách, về chiến lược phát triển của tập đoàn.

Thế rồi để thu hút vốn đầu tư trong tất cả những lĩnh vực mà Riyad muốn phát triển, Ả Rập Xê Út phải mở cửa ra thế giới bên ngoài. Trước mắt các nhà đầu tư tư nhân tỏ ra thận trọng và chờ đợi là vương quốc này thay đổi thể thức vận hành »

Một trong những ẩn số lớn nhất là vị trí của hoàng tử Mohammed ben Salman trên bàn cờ chính trị Ả Rập Xê Út. Tuy còn trẻ tuổi, nhưng ông đang tập trung rất nhiều quyền lực trong tay. Là con trai thứ của quốc vương Salman, Mohammed đứng hàng thứ nhì trong số những người kế vị nhà vua, ông cũng là phó thủ tướng thứ hai, bộ trưởng Quốc Phòng kiêm chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Phát Triển Kinh Tế.

Chính trong cương vị chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế, Mohammed ben Salman đã ‘phá hỏng’ hội nghị về dầu khí tổ chức tại Doha hồi giữa tháng 4/2016 vì quyết liệt đối đầu với Iran.

Kế hoạch cải tổ sâu rộng kinh tế Ả Rập Xê Út do hoàng tử Mohammed ben Salman soạn thảo đã được hội đồng bộ trưởng dưới sự chủ tọa của quốc vương Salman thông qua. Nhưng không dễ thay đổi bộ mặt kinh tế của một quốc gia với 30 triệu dân. Lại càng không dễ cải tổ một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công việc làm của 61.000 nhân viên, bảo đảm đến 90% ngân sách nhà nước, bầu sữa tại một vương quốc mà có tới 90 % người lao động là công nhân viên chức !

Giới phân tích chờ đợi chính sách cải tổ của hoàng tử Mohammed sẽ gặp nhiều chống đối, nhất là khi dân chúng sẽ phải trả giá xăng dầu đắt đỏ hơn. Công cuộc cải tổ sẽ đem lại nhiều căng thẳng và thách thức trong xã hội.

Về thành quả của dự án, các nhà quan sát cho rằng, trong trường hợp khả quan nhất, đến năm 2030, Ả Rập Xê Út có triển vọng thành công trên con đường đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phát triển mạnh hai lĩnh vực là khí đốt và năng lượng tái tạo. Nhưng ngoài lĩnh vực năng lượng ra, con đường công nghiệp hóa còn dài với những kết quả đầy bất trắc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.