Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hải quân Úc chọn tàu ngầm Pháp : nhất cử "đa" tiện

Đăng ngày:

Trong đêm 25/04/2016, thủ tướng Úc Malcolm Turbull gọi điện cho tổng thống Pháp François Hollande thông báo quyết định chọn công ty đóng chiến hạm của Pháp DCNS đóng 12 chiếc tàu ngầm tấn công hiện đại loại « Barracuda » tàng hình cho hải quân Úc. Với trị giá 34 tỷ euro, ngành công nghiệp vũ khí của Pháp vừa giành được hợp đồng xuất khẩu quan trọng nhất kể từ năm 1945, cùng lúc loại hai đối thủ cạnh tranh Đức và Nhật.

Tổng thống Pháp François Hollande (T) xem một mô hình tầu ngầm của tập đoàn DCNS cùng với chủ tịch tập đoàn Herve Guillou, bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve, ngày 26/04/2016.
Tổng thống Pháp François Hollande (T) xem một mô hình tầu ngầm của tập đoàn DCNS cùng với chủ tịch tập đoàn Herve Guillou, bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve, ngày 26/04/2016. REUTERS/Christophe Petit-Tesson
Quảng cáo

Câu hỏi đặt ra là vì những lý do sâu xa nào mà Úc, đồng minh của Mỹ, đối tác chiến lược của Nhật Bản chọn Pháp để canh tân hải quân trong bối cảnh Trung Quốc hung hăng trong khu vực ?

Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang phân tích :

Trong cuộc chay đua trang bị 12 tàu ngầm tấn công cho Úc, tập đoàn DCNS và Thales của Pháp đứng hàng thứ ba sau tổ hợp Mitsubishi-Kawasaki của Nhật và TKMS ThyssenKrupp Marine Systems của Đức.

Tuy nhiên, cuối cùng Pháp đã giành được hợp đồng thế kỷ với tổng trị giá 50 tỷ đôla Úc, tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm tại hai nước trong thời gian « hôn nhân nửa thế kỷ », theo nhận định của bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian. Mười hai chiếc tầu ngầm sẽ được đóng tại Úc và bắt đầu hoạt động vào năm 2030.

Tàu ngầm tấn công mà Úc đặt mua của Pháp thuộc loại Barracuda đang ở trong giai đoạn trắc nghiệm trước khi giao cho hải quân Pháp vào năm 2017. Điểm khác biệt là Úc đặt mua loại động cơ hỗn hợp "Diesel và điện" trong khi hải quân Pháp sử dụng tầu ngầm nguyên tử.

Tuy không sử dụng năng lượng hạt nhân như Barracuda nguyên thủy, nhưng tàu ngầm chế tạo cho Úc cũng có nhiều ưu thế quân sự. Ngoài tầm hoạt động xa phù hợp với vị trí địa lý của Úc, Barracuda còn có ưu điểm có một không hai : im lặng và vô hình. Pháp đã chấp thuận đòi hỏi của Úc chuyển giao công nghệ "tàng hình" gần như là độc nhất vô nhị trên thế giới.

Thủ tướng Úc khẳng định Barracuda, với trọng tải 5.000 tấn, là tàu ngầm tối tân nhất thế giới, đáp ứng "các nhu cầu" của Úc.

Giới phân tích cho rằng Đức bị loại vì chưa bao giờ chế tạo tầu ngầm trên 4.000 tấn và không có kinh nghiệm hoạt động xa. Còn Nhật Bản thì chưa bao giờ chế tạo vũ khí ngoài lãnh thổ của mình. Thêm vào đó, hợp tác đóng tàu ngầm với Tokyo có thể gây xích mích với Bắc Kinh, đối tác thương mại hàng đầu của Canberra.

Đúng là Trung Quốc rất hài lòng vì « Úc không mua tàu của Nhật ». Nhưng Hoàn Cầu Thời Báo, phản ánh xu hướng hiếu chiến ở Trung Quốc, trong bài xã luận hôm 27/04/2016 cảnh cáo Canberra coi chừng hậu quả khi sử dụng hạm đội tầu ngầm vào cuộc tranh chấp địa chính trị, hợp lực với Mỹ « xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc ».

Đối với Canberra, thận trọng với Trung Quốc là một chuyện, nhưng Úc có nhiều lý do để canh tân quân đội .

Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang phân tích các nhu cầu của Úc qua bài phỏng vấn sau đây :

Nhà báo Lưu Tường Quang : « Trước hết là nhu cầu địa lý và kỹ thuật. Nhu cầu địa lý vì nước Úc là một đảo ở nam Thái Bình dương, phía đông là Thái Bình dương, phía tây là Ấn Độ dương và phía bắc là Biển Đông. Vì những lý do đó, tầu ngầm của Úc phải họat động trên một diện tích biển khơi rất rộng rộng lớn, lặn sâu, lặn xa mà phải giữ được mức độ hành quân tối đa… »

10:51

PV. Nhà bao Luu Tuong Quang

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.