Vào nội dung chính
HOA KỲ - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

« Brexit » đe dọa hiệp định tự do mậu dịch Âu-Mỹ

Nguy cơ « Brexit », tức là nước Anh rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu, đang đe dọa tiến trình đàm phán hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương TTIP. Trong khi chỉ còn hai tháng nữa là đến cuộc trưng cầu dân ý tại Anh Quốc, áp lực ngày càng đè nặng lên vai của các nhà thương thuyết, vừa mở loạt đám phán lần thứ 13 tại New York hôm qua, 25/04/2016.

Tổng thống Obama trong cuộc họp báo tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 22/04/2016.
Tổng thống Obama trong cuộc họp báo tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 22/04/2016. REUTERS/Andy Rain/Pool
Quảng cáo

Hiệp định TTIP, được thương lượng từ năm 2013, là nhằm xóa bỏ mọi hàng rào về thuế quan và về quy định còn cản trở trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở hai bờ Đại Tây Dương. Theo thẩm định của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị ( CEPR) của Pháp, hiệp định này sẽ mang lại thu nhập 120 tỷ euro cho Liên Hiệp Châu Âu và 95 tỷ đô la cho Hoa Kỳ.

Nhưng khả năng Anh Quốc, một trong những nền kinh tế chủ chốt của châu Âu, rút ra khỏi khối này, khiến cho đàm phán về hiệp định TTIP có nguy cơ thất bại.

Tuyên bố với hãng tin AFP, ông Gary Hufbauer, một cựu quan chức bộ Tài chính Mỹ, nay là chuyên viên của Viện Peterson của Washington, dự báo rằng nếu Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đàm phán về hiệp định TTIP sẽ « sụp đổ tan tành », vì theo ông, không có cách nào tiến tới được nữa, do có quá nhiều yếu tố vô định.

Về phần ông Edward Alden, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ( Council on Foreign Relations ), thì không bi quan đến như thế, nhưng ông cảnh báo rằng, nếu phe chủ trương « Brexit » thắng trong cuộc trưng cầu dân ý thì đàm phán thương mại Âu-Mỹ sẽ bị đặt xuống hàng thứ yếu. Theo ông Alden, lúc đó sẽ có những vấn đề khẩn cấp hơn cần giải quyết, ai cũng sẽ chú tâm đến mối quan hệ mới giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu.

Thật ra thì trước mắt, nguy cơ « Brexit » cũng có một tác động tích cực, đó là thúc đẩy tiến trình đàm phán hiệp định TTIP, có vẻ như đang dậm chân tại chỗ. Trả lời AFP, ông Daniel Hamilton, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề châu Âu, hiện là chuyên gia của Đại học John Hopkins, cho rằng cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều cần chứng tỏ là đàm phán đang tiến nhanh và qua đó tác động lên dư luận Anh Quốc. Theo dự đoán của ông Hamilton, trước cuộc trưng cầu dân ý, hai bên sẽ ra một thông cáo chung nhấn mạnh đến những tiến bộ của đàm phán, cho dù bình thường thì không ai ra thông cáo như vậy vào lúc đang còn thương lượng.

Mục đích là để thuyết phục dân Anh nên ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu để được hưởng những mối lợi của hiệp định TTIP và mọi con đường khác đều sẽ dẫn đến ngõ cụt. Bản thân tổng thống Barack Obama khi viếng thăm nước Anh cuối tuần trước cũng đã cảnh báo là trong trường hợp « Brexit », nước Anh sẽ đứng cuối hàng trong thương lượng tự do mậu dịch với Mỹ, vì lúc đó Washington sẽ dành ưu tiên cho Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng cũng phải thấy rằng, nguy cơ « Brexit » không phải là yếu tố duy nhất đe dọa đến thành công của đàm phán về hiệp định TTIP. Cho tới nay, Hoa Kỳ và châu Âu còn bất đồng trên nhiều hồ sơ. Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng không chấp nhận ký hiệp định với bất cứ giá nào, như lời của ông Matthias Fekl, Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại thương của chính phủ Pháp, trả lời đài phát thanh RTL hôm nay. Ông Matthias Fekl rất bi quan nói rằng khả năng ký được hiệp định TTIP « đang rời xa ».

Chưa kể là các tổ chức xã hội dân sự ở một số nước như Đức phản đối hiệp định TTIP, mà họ cho là sẽ gây nhiều tác hại cho nông nghiệp và môi trường. Hôm thứ bảy tuần trước, hàng chục ngàn người đã biểu tình chống hiệp định này tại Hanover, một ngày trước khi tổng thống Obama đến thăm nước Đức.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.