Vào nội dung chính
CHERNOBYL - HẠT NHÂN

Tchernobyl: 30 năm vẫn chưa giải quyết hết hậu quả

Ngày 26/04/2016 Ukraina kỷ niệm 30 năm thảm họa Tchernobyl, thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tham dự lễ tưởng niệm nạn nhân Tchernobyl có tổng thống Petro Porochenko và ông Suma Chakrabarti, chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (BERD), định chế quản lý ngân sách dành cho việc đảm bảo an ninh khu vực xảy ra thảm nạn.

Lò phản ứng số 4 tại Chernobyl, Ukraina, hiện vẫn bị bỏ hoang. Ảnh chụp ngày 22/04/2016.
Lò phản ứng số 4 tại Chernobyl, Ukraina, hiện vẫn bị bỏ hoang. Ảnh chụp ngày 22/04/2016. REUTERS/Gleb Garanich
Quảng cáo

Vụ nổ đã tác động tới phần lớn lãnh thổ châu Âu, với bản tổng kết tác hại của tai nạn này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Cách đây đúng 30 năm, vào lúc 01 giờ 30, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl, nằm cách Kiev khoảng 100 km về phía bắc, bỗng nhiên phát nổ trong quá trình thử nghiệm an toàn.

Trong suốt 10 ngày, các thanh nhiên liệu hạt nhân vẫn tiếp tục cháy, thải ra không khí các phần tử chứa phóng xạ. Theo nhiều chuyên gia, những thành phần này gây ô nhiễm tới 3/4 lãnh thổ châu Âu, nghiêm trọng nhất là tại Ukraina, Belarus và Nga, lúc đó vẫn nằm trong Liên Bang Xô Viết.

Sự im lặng khó hiểu của Matxcơva

Matxcơva đã tìm cách che giấu vụ tai nạn. Nằm cách khu vực bị nạn có 3 km, nhưng thành phố Pripyat (Ukraina) với 48.000 dân chỉ được lệnh sơ tán vào buổi chiều ngày 27/04/1986.

Báo động đầu tiên chỉ được đưa ra ngày 28/04 nhờ Thụy Điển, khi quốc gia Bắc Âu này phát hiện độ phóng xạ cao. Thế nhưng, tổng thống Liên Xô thời đó, Mikhail Gorbatchev, chỉ chính thức thông báo vào ngày 14/05.

Tổng cộng 116.000 người đã được sơ tán vào năm 1986 trong phạm vi 30 km xung quanh khu vực nhà máy điện nguyên tử, hiện vẫn bị bỏ hoang. Trong những năm tiếp theo, 230.000 người khác cũng được sơ tán. Ngày nay, khoảng 5 triệu người Ukraina, Belarus và Nga vẫn sống trong những vùng bị nhiễm xạ với các mức độ khác nhau.

Trong vòng bốn năm, khoảng 600.000 “người dọn dẹp”, chủ yếu là quân nhân, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và nhân viên của nhà máy, đã được huy động tới những khu vực bị tai nạn với trang bị bảo hộ thô sơ, thậm chí không có, để dập tắt hỏa hoạn, tiếp theo là xây một vỏ bọc lớn bằng bê tông để cách ly lò phản ứng bị tai nạn và lau rửa những khu vực xung quanh.

Một bản báo cáo gây tranh cãi của Liên Hiệp Quốc, được công bố vào năm 2005, chỉ nêu “có 4.000” ca tử vong được xác nhận trong ba nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Một năm sau, tổ chức Greenpeace đã thẩm định số người chết do thảm họa lên tới 100.000 người.

Sau tai nạn, nhà máy nguyên tử Tchernobyl tiếp tục sản xuất điện cho đến năm 2000, khi lò phản ứng còn hoạt động cuối cùng bị buộc ngừng hoạt động do sức ép của phương Tây.

Ngăn phóng xạ bằng vỏ bọc bê tông và thép

“Lớp vỏ bọc” bằng bê tông, được xây vội vã trong vòng 6 tháng phủ lên toàn bộ lò phản ứng bị nổ, đang có nguy cơ bị sập và có thể sẽ hất tung vào không khí 200 tấn macma nhiễm xạ cao. Cộng đồng quốc tế đã cam kết tài trợ cho việc xây dựng một lớp vỏ bọc mới, chắc chắn hơn. Chính vì vậy, một quỹ dành cho mục đích này đã được thành lập và do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (BERD) quản lý.

Sau nhiều năm chần chừ, công trình đã bắt đầu được xây dựng vào năm 2010 để tạo ra một khối bọc khổng lồ bằng thép. “Bộ áo giáp” mới này nặng tới 25 tấn và cao 110 mét, có diện tích đủ để phủ kín toàn bộ Nhà Thờ Đức Bà Paris.

Tổ hợp Novarka, tập hợp hai tập đoàn Bouygues và Vinci của Pháp, là đơn vị thực hiện “bộ áo giáp” mới với trị giá lên tới 2,1 tỉ euro. Khối bọc bằng thép mới đã được hình thành và sẽ được phủ lên trên lớp vỏ bọc bê tông cũ.

Với tuổi thọ “tối thiểu 100 năm”, khối bọc mới sẽ cho phép các nhà khoa học có thời gian tìm ra những biện pháp mới để tháo dỡ và chôn phần còn lại của lò phản ứng gặp sự cố và khử nhiễm khu vực, để một ngày nào đó cỏ lại mọc xanh tại đây.

Nếu như quỹ dành cho việc xây dựng khối bọc mới đã được huy động, câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người chi trả việc khai thác và bảo trì? Theo một nguồn tin nắm rõ hồ sơ, câu hỏi này được đưa ra thảo luận tại hội đồng những nhà tài trợ diễn ra ngày 25/04/2016 tại Kiev.

Nếu như thảm hoạ Tchernobyl dường như đang chìm vào quên lãng theo dòng thời gian, thì thảm hoạ hạt nhân Fukushima sau trận động đất sóng thần năm 2011 gợi lại những ám ảnh về an toàn hạt nhân và trở thành đề tài tranh luận quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.