Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NHẬP CƯ

Di dân: Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại điều kiện châu Âu bãi bỏ visa

Trong chuyến công du cùng với nhiều lãnh đạo châu Âu tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/04/2016, thủ tướng Đức tỏ ý muốn thành lập những vùng an ninh đặc biệt trên lãnh thổ Syria, gần với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ người tị nạn. Đây cũng là ý kiến được Ankara đưa ra từ lâu. Liên Hiệp Quốc lại tỏ ra ngập ngừng về dự án này và yêu cầu vấn đề an ninh cho người tị nạn phải được đảm bảo. Trái lại, các tổ chức nhân đạo kịch liệt phản đối.

Người tỵ nạn bị kẹt lại ở cảng Dikili, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh ngày 6/04/2016.
Người tỵ nạn bị kẹt lại ở cảng Dikili, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh ngày 6/04/2016. REUTERS/Murad Sezer
Quảng cáo

Cũng trong buổi làm việc này, Ankara đã đồng ý nhận trở lại trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ toàn bộ những người di dân nhập cư trái phép vào Hy Lạp kể từ ngày 20/03. Đổi lại, Liên Hiệp Châu Âu phải thông qua quyết định miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, từ nay tới cuối tháng 06/2016.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã đáp ứng được 72 tiêu chí mà Liên Hiệp Châu Âu đề ra. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan luôn dọa rằng nếu điều kiện miễn thị thực không được chấp nhận, sẽ không có thỏa thuận về người nhập cư với châu Âu.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette giải thích :

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh từ nhiều tuần nay rằng Liên Hiệp Châu Âu phải miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã nhắc lại vấn đề này trước mặt các vị khách mời vào tối thứ Bẩy.

Ông nói : "Thỏa thuận giữa việc tiếp nhận người nhập cư trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ gắn liền với việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã làm những việc cần làm và thuộc phần trách nhiệm của mình. Nhưng chúng tôi cũng mong đợi châu Âu làm như vậy. Chúng tôi hy vọng là vấn đề thị thực không được sử dụng vào các mục đích chính trị."

Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải xem xét vấn đề này vào ngày 04/05/2016.

Về phần mình, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu ca ngợi những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Donald Tusk đánh giá đây là trường hợp điển hình của thế giới trong việc xử lý cuộc khủng hoảng di dân.

Thế nhưng, lời phát biểu trên có thể khiến các tổ chức phi chính phủ không hài lòng, vì đa số họ luôn tố cáo cách quản lý người nhập cư và tị nạn của chính quyền Ankara.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.