Vào nội dung chính

Di dân : Nhiều lãnh đạo châu Âu thăm miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ

 Nhiều lãnh đạo châu Âu, trong đó có thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay, 23/04/2016, đến miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong một chuyến viếng thăm nhằm thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận về di dân, mà chính quyền Ankara dọa sẽ không tôn trọng.

Thủ tướng Đức Merkel và người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kì Davutoglu trên tấm pa-nô tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kì  - Ảnh chụp ngày 20/04/2016
Thủ tướng Đức Merkel và người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kì Davutoglu trên tấm pa-nô tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kì - Ảnh chụp ngày 20/04/2016 REUTERS/Umit Bektas
Quảng cáo

 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans và thủ tướng Đức Angela Merkel chiều nay đến thành phố Gaziantep ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để thăm một trại tỵ nạn tại đây, đồng thời gặp thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu.

Chuyến viếng thăm này diễn ra ba tuần sau khi thỏa thuận gây nhiều tranh cãi giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có hiệu lực. Thỏa thuận này nhằm chặn đứng làn sóng nhập cư trái phép vào châu Âu, hiện đang đối đầu với khủng hoảng di dân trầm trọng nhất kể từ sau Đệ nhị thế chiến.

Ankara đã đồng ý nhận trở lại trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ toàn bộ những người di dân nhập cư trái phép vào Hy Lạp kể từ ngày 20/03. Kế hoạch dự trù là cứ mỗi nguời tỵ nạn Syria bị gởi trả về Thổ Nhĩ Kỳ, là một người tỵ nạn khác được tái định cư ở một nước châu Âu, trong mức giới hạn là 72 ngàn chỗ.

Đáp lại nỗ lực của phía Ankara, Liên Hiệp Châu Âu đồng ý khởi động lại các cuộc thảo luận về việc thâu nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào khối này và đẩy nhanh tiến trình miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng trong tuần này, các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã dọa sẽ không tôn trọng thỏa thuận nói trên nếu châu Âu không thực hiện lời hứa miễn visa cho công dân Thổ từ đây đến cuối tháng sáu. Vấn đề là nhiều nước châu Âu vẫn chống lại việc miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài hồ sơ di dân, chuyến đi của các lãnh đạo châu Âu cũng diễn ra vào lúc chính quyền Ankara gia tăng đàn áp đối lập, và nhất là giới phóng viên, trí thức, vi phạm quyền tự do ngôn luận. Giới đấu tranh nhân quyền đang chờ các lãnh đạo châu Âu, nhất là thủ tướng Đức Merkel bày tỏ thái độ với các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về những vụ vi phạm này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.