Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Brazil : Thủ tục phế truất tổng thống hay là "cú đảo chính dân sự" ?

Đăng ngày:

Tình hình chính trị - xã hội Brazil trong thời gian gần đây như trong chảo lửa. Chủ Nhật 17/04/2016, các dân biểu Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua thủ tục phế truất tổng thống. Với cuộc bỏ phiếu này, bà Dilma Rousseff, coi như đã đặt một chân ra ngoài phủ tổng thống. Câu hỏi đặt ra : Liệu đây có phải là một « cú đảo chính » như tố cáo của bà và một số lãnh đạo đảng Lao Động cầm quyền? Tổng thống Brazil bị cáo buộc tội gì? Ai sẽ là người hưởng lợi từ vụ việc này?

Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, trong buổi họp báo ngày 19/04/2016.
Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, trong buổi họp báo ngày 19/04/2016. REUTERS/Ueslei Marcelino
Quảng cáo

Một cú đảo chính ?

« Số phận của Dilma Rousseff nằm trong tay Thượng viện », như tựa đề nhận định của Les Echos số ra ngày 19/4/2016. Vào ngày 11/5 tới đây, chỉ cần có 41 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, bà Dilma Rousseff sẽ bị buộc tạm ngừng chức vụ trong vòng 180 ngày, trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng.

Trước ngày bỏ phiếu tại Hạ viện, bà Dilma Rousseff đã tuyên bố : « Phản đối tôi, chỉ trích tôi là một phần của nền dân chủ. Nhưng cách chức một tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp trong khi người đó không hề phạm một trọng tội nào […] thì không mang tính dân chủ. Đây là một cú đảo chính ». Một ý kiến đang gây chia rẽ người dân Brazil, những người đấu tranh hay những người có cảm tình với cánh tả, những người từ nhiều tháng nay đã xuống đường biểu tình đằng sau khẩu hiệu : « Sẽ không có cú đảo chính nào hết ».

Nhưng theo quan sát của một số chuyên gia Pháp, cuộc khủng hoảng này đang đặt nền dân chủ non trẻ của Brazil trước một thách thức to lớn. Ông Stephane Witkowski, chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Viện Nghiên Cứu Châu Mỹ Latinh IHEAL, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, nhận định :

« Đây là một cú đảo chính dân sự bởi vì Dilma Rousseff đã được bầu lên một cách dân chủ. Người ta chỉ trích bà về một thủ tục quyết toán ngân sách, nhưng đó chỉ là tiểu tiết so với tầm mức của các vụ tham nhũng đang làm chao đảo nghị viện Brazil, liên quan đến tất cả các đảng phái chính trị, kể cả đảng chính trị của phó tổng thống cũng có thể bị liên đới trong tương lai ».

Một nhận xét cũng được phóng viên Marilza de Melo-Foucher, phụ trách một trang blog của tờ báo mạng Pháp Mediapart, đồng chia sẻ trên đài RFI khi cho rằng « đây là một phiên xử chính trị không có cơ sở pháp lý, vi hiến (…) Một cú đảo chính nghị viện. Nhưng cú đảo chính này không phải mới được chuẩn bị từ hôm qua, mà đã được tiến hành từ rất lâu ».

Về phần mình, bà Gaspard Estrada, giám đốc điều hành Đài Quan Sát Chính Trị Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribe, nhận định vụ việc còn làm nổi rõ sự tranh chấp quyền lực gay gắt giữa tổng thống đương nhiệm, bà Dilma Rousseff và phó tổng thống Michel Temer :

« Theo tôi nghĩ, quả thật có rất nhiều câu hỏi cần được đặt ra đối với phán xét mà các dân biểu đưa ra trong hôm Chủ Nhật. Trên thực tế, phán xét đó dựa trên việc chỉnh sửa ngân sách, mà điều này không chỉ có riêng mình bà tổng thống sử dụng. Đó chẳng qua chỉ là một động tác hành chính. Và nó trở thành một cái cớ để biến thành một phiên xử mang tính chính trị. (…) Rõ ràng ở đây có nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho phán xét này.

Có một số thành viên trong Tòa Án Tối Cao đã lên tiếng thắc mắc về « trọng tội trách nhiệm ». Về mặt pháp lý, thủ tục phế truất đã dựa vào chính điều khoản này. Nhưng cũng có những thành viên khác lên tiếng cảnh cáo các đồng nghiệp khi biện minh cho thủ tục này. Tôi thì nghĩ là hiện đang có một cuộc tranh luận, tranh cãi thật sự vì quyền lực giữa bà tổng thống và ông phó tổng thống Michel Temer ».

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa ?

Lời tố cáo « đảo chính » của bà Dilma Rousseff cũng như một bộ phận người dân Brazil phần nào cũng được củng cố nếu nhìn thẳng vào thực tế đen tối hiện nay của tầng lớp chính trị Brazil. Mà nhân vật điển hình là chủ tịch Hạ viện, ông Ecuardo Cunha, người khởi xướng thủ tục phế truất. Bởi vì bản thân ông cũng như số 60% nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ thủ tục phế truất hôm Chủ Nhật 17/4 đang là đối tượng điều tra về tội tham nhũng. Riêng ông Ecuardo Cunha, bị cáo buộc « tham nhũng và rửa tiền » với những khoản tiền rất lớn (ước tính từ 5 cho đến 40 triệu đô la).

« Đây là chiếc chìa khóa chính trong vụ việc này. Người ta sẽ phế truất một vị tổng thống đã phạm các sai lầm trên phương diện chính trị, kinh tế nhưng không phải là người tư lợi cá nhân một cách bất chính… không như là ông Ecuardo Cunha. Không những ông chủ tịch Hạ viện bị Tòa Án Tối Cao điều tra mà người ta còn chứng minh được là ông ấy có tài khoản cất giấu tại Thụy Sĩ trị giá 5 triệu đô la.

Bản thân ông Cunha hiện giờ cũng đang chịu áp lực của một thủ tục phế truất ngay trong chính Hạ viện. Tuy nhiên ông ta cũng đã thành công trong việc nắm lấy kiểm soát Ủy ban đạo đức. Cũng đừng quên là một trong những thành viên của ủy ban này đã làm thấy rõ sự khác biệt giữa những người ủng hộ và chống ông Cunha trong việc yêu cầu ông từ chức cách đây vài ngày. Nhưng có ai nói đến vụ việc này đâu. Nói tóm lại, hiện giờ ông Cunha đã kiểm soát được ủy ban đáng lẽ ra có thể phế truất ông ta ».

Khi vụ bê bối tham nhũng và các tiết lộ che giấu tài sản bị phơi bày hồi tháng 10/2015, ông Ecuardo Cunha đã từng cảnh báo trên tài khoản Twitter rằng thủ tục phế truất bà Dilma Rousseff « sẽ chẳng nằm lâu trong hộc tủ ». Nhưng nếu như ông Cunha có thể trả thù được bà Dilma Rousseff thì chính những sai lầm chính trị của bà tổng thống đã tạo cơ hội, như nhận xét của bà Gaspard Estrada.

« Sở dĩ ông Ecuardo Cunha có thể nắm quyền tại Hạ viện vào tháng 2/2105 là hệ quả của một chuỗi các sai lầm chính trị của Dilma Rousseff. Khi bà bắt đầu nhiệm kỳ 2, bà đã tiến hành một chiến dịch được cho là liều lĩnh, bà đã xem thường đảng cánh trung PMDB, bà muốn tự khẳng định, đồng thời bà cũng tìm cách giữ khoảng cách với cựu tổng thống Lula.

Giờ đây bà rơi vào tình thế lệ thuộc hoàn toàn vào người tiền nhiệm nhưng đồng thời bà đã trở thành đối thủ của PMDB. Trong đợt biểu tình năm 2013, bà đã cam kết tiến hành các cải cách trong số đó có cải cách chính trị. Giờ đây ai cũng thấy rõ mối quan hệ giữa đồng tiền và chính trị mới chính là cốt lõi không những của vụ tai tiếng mà còn là của mọi hiện tượng cản trở sâu sắc nền dân chủ Brazil ».

Về điểm này, Stephane Witkowski, chủ tịch Hội Đồng Quản Lý IHEAL, cũng có cùng nhận xét, cho rằng chính sự non kém về chính trường đã hạ gục bà Dilma Rousseff.

«Bà Dilma Rousseff chưa từng có một sự nghiệp chính trị nào, bà chưa bao giờ làm điều gì có liên quan đến đời sống chính trị. Nếu như điều này trước đây đã làm hài lòng người dân Brazil thì nay chính chúng quay lại chống bà. Trên thực tế, bà đã làm những gì được cho là cần thiết nhất để cho các thẩm phán cũng như giới báo chí ngày càng được độc lập hơn, được tiến hành điều tra chống tham nhũng ở mọi cấp. Bà ấy đã để cho tư pháp được tự do hành động, nhưng chính việc này đã quay ngược chống lại bà. Bởi vì tất cả những đảng chính trị đều liên kết chống lại bà.»

Ngoài ông Ecuardo Cunha ra còn phải kể đến ông Michel Temer, phó tổng thống và cũng là người hưởng lợi nhiều nhất trong vụ việc này. Trong trường hợp bà Dilma Rousseff bị phế truất xảy ra, cựu lãnh đạo đảng cánh trung PMDB, sẽ là người tạm nắm quyền tổng thống và thành lập một chính phủ mới quá độ.

Mọi việc chưa ngã ngũ nhưng ông Michel Temer, cựu đồng minh của bà Rousseff, đã hành xử như là một tân tổng thống và đang tham vấn về việc thành lập chính phủ sắp tới. Thậm chí, « Tên phản bội đầu sỏ » như cách gọi của bà Dilma Rousseff, vô tình hay hữu ý còn cho rò rỉ bài diễn văn nhậm chức cho giới báo chí và giải thích những chính sách nào ông dự định tiến hành.

Giới quan sát cho rằng nếu ông Temer lên nắm quyền, Brazil có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng và lâu dài. Không những ông Temer không được lòng dân, mà tên tuổi của ông Michel Temer cũng bị vấy bẩn trong tai tiếng tham nhũng tại tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras. Điều này càng làm củng cố thêm niềm tin của những người tin vào giả thuyết « đảo chính ».

« Không những ông chỉ có được 1- 2% ủng hộ trong các thăm dò, mà 60% người dân được hỏi cũng muốn phế truất ông ấy. Như vậy, chúng ta sẽ có một vị tổng thống được đa số nghị sĩ ủng hộ, nhưng lại không có được cảm tình của người dân. Nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng. Thất nghiệp tăng gấp đôi chỉ trong vòng có một năm, Suy thoái kinh tế dai dẳng từ năm 2015, người dân Brazil đòi hỏi phải có những đáp trả ngay tức thì trên bình diện kinh tế. Và trong trường hợp chính phủ không có được đa số tuyệt đối để áp đặt các chương trình cải cách thì tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều ».

Tương lai bất định

Cho dù kết cục có như thế nào, khủng hoảng chính trị sẽ tiếp diễn tại Brazil. Giả như bà Dilma Rousseff thoát được thủ tục phế truất lần này, và vẫn tại quyền, tính chính đáng của bà cũng đã bị giảm đi rất nhiều. Các thăm dò mới nhất cho thấy bà chỉ nhận được ủng hộ của 13% dân chúng và bà có lẽ cũng mất luôn cả sự ủng hộ của những đảng liên minh, phần đông là cánh trung.

Nhưng trong trường hợp bà bị phế truất, người kế nhiệm là ông Michel Temer cũng sẽ khó mà điều hành đất nước do thiếu tính chính đáng, đó là chưa tính đến việc ông phải thực hiện một loạt các biện pháp mất lòng dân để vực dậy nền kinh tế đất nước.

Khi được hỏi trong tình huống hiện nay bà phải làm gì, có nên tổ chức bầu cử trước thời hạn hay không như một số chuyên gia nhận định, bà Dilma Rousseff cho rằng bà sẽ « không để cho bị đánh gục, cuộc chiến cũng chỉ mới bắt đầu. […] Điều mà tôi không thể chấp nhận đó chính là thủ tục phế truất này không tuân thủ tính hợp pháp. Mọi khả năng khác có thể và phải được xem xét. Nhưng tôi chưa nghĩ đến tổ chức bầu cử trước thời hạn lúc này ».

Dẫu sao thì những gì xảy ra trong ngày Chủ Nhật vừa qua cũng đã cho thấy rõ chính trường Brazil bệ rạc hơn bao giờ hết và đất nước này cần phải có một sự thay đổi sâu rộng về mặt chính trị như nhận xét của ông Stephane Witkowski :

« Điều đó cho thấy hệ thống chính trị Brazil đã bị tê liệt đến mức nào. Một hệ thống chính trị quá bị phân tán có đến 85 đảng phái chính trị. Đó là hệ quả của Hiến pháp được thông qua năm 1988, quá cụ thể với quá nhiều mối liên minh, tạo điều kiện cho nạn mua lá phiếu cử tri, tham nhũng và bè phái. Quang cảnh chúng ta thấy được trong hôm Chủ Nhật thật là thảm hại cho nền dân chủ Brazil. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.