Vào nội dung chính
SYRIA - CHIẾN TRANH

Syria: Chiến trường phô diễn sức mạnh quân sự và ngoại giao

Hai tuần báo L’Express và L’Obs số ra ngày 14/04/2016 cùng quan tâm đến thời sự Syria. « Bachar al-Assad phục thù » là tít lớn trên trang bìa của L’Express. Nếu như mới hôm qua gần như hấp hối, thì hôm nay chế độ Damas hô vang chiến thắng. Iran cứu họ thoát khỏi bị đắm, nước Nga tặng họ một cơ hội tái chinh phục, nhưng chưa hẳn là một sự đảm bảo suốt đời. Số phận của Syria hơn bao giờ hết trở nên bất định.

Quan nhân Nga làm việc tại một phần khu thành cổ Palmyra, Syria. Ảnh chụp ngày 09/04/2016.
Quan nhân Nga làm việc tại một phần khu thành cổ Palmyra, Syria. Ảnh chụp ngày 09/04/2016. REUTERS/Russian Ministry of Defence
Quảng cáo

Nơi phô diễn sức mạnh quân sự

Bên cạnh đó, cuộc chiến tại Syria còn cho thấy « Uy lực của các loại vũ khí » : yểm trợ không kích, trực thăng tấn công, lực lượng đặc nhiệm … Khi đến hỗ trợ đội quân của Damas vốn đã bị suy yếu, nước Nga đã làm thay đổi cục diện dòng chiến sự.

Trên địa bàn, chiến lược của Nga không mấy gì khác so với chiến lược của liên quân quốc tế, do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Irak : Đó là hỗ trợ các lực lượng địa phương, không can thiệp trực tiếp trên bộ, theo như khẳng định của đại tá Michel Goya.

Có khác chăng là quân nhân Mỹ hay Pháp chỉ đóng vai trò cố vấn luôn đứng ở phía sau, còn các « sĩ quan huấn luyện » Nga, vốn có khả năng điều khiển cả chiến xa, thì tiếp xúc nhiều hơn với các đội quân trên tuyến đầu. Bên cạnh đó, Matxcơva triển khai cả đội quân hùng hậu : máy bay không người lái, trực thăng và chiến đấu cơ, các lực lượng đặc nhiệm, còn có cả những đội lính đánh thuê được trang bị các loại vũ khí đời mới nhất cũng như là các khẩu đại pháo.

Tướng Jean-Patrick Gaviard, nhấn mạnh : « Các sĩ quan Nga biết lập kế hoạch và hướng dẫn các chiến dịch phối hợp. Nhưng các quy định về chiến đấu của họ không giống như của chúng tôi : họ không ngần ngại đánh vào những nhóm ẩn núp trong thành phố ». Hậu quả là ngoài trừ thành phố của ông Bachar, không quân Nga bị cáo buộc đã nhắm vào các cơ sở dân sự : đền thờ, bệnh viện, trường học… Với những hệ quả tàn khốc!

Syria : Sàn diễn của các « ông lớn »

Syria không chỉ là nơi để phô trương sức mạnh quân sự mà còn là « sàn diễn song tấu của những ông lớn », L’Express nhận xét. Nói một cách chính xác là giữa Washington và Matxcơva. Có ai tin rằng Mỹ và Nga phối hợp ăn ý trên chiến trường Syria ?

Bằng chứng cụ thể ư ? Trên bình diện quân sự, kể từ khi Nga tham chiến, chưa có một sự cố nào xảy ra giữa các chiến đấu cơ của Nga và liên quân. Đôi bên cùng nhau trao đổi thông tin các kế hoạch bay và sử dụng chung một tần số radio cho những cuộc gọi viện binh.

Sự cẩn trọng này còn được áp dụng trong việc chọn lựa các mục tiêu tấn công. Nếu như Daech nằm trong tầm ngắm của liên quân quốc tế, thì quân nổi dậy chống ông al-Assad, mặt trận al-Nosra lại là mục tiêu tấn công của Nga.

Về mặt ngoại giao, Washington và Matxcơva cuối cùng cũng đã đưa ra được một lệnh ngừng bắn vào ngày 27/2/2016. Như vậy, 30 năm sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ một lần nữa xuất hiện như là những cường quốc duy nhất có khả năng áp đặt luật chơi với các bên tham gia.

Một bước tiến ngoài sự mong đợi của Matxcơva, hiện vẫn đang nằm dưới các lệnh trừng phạt của quốc tế do việc sáp nhập vùng Crimée vào lãnh thổ Nga hồi tháng 3/2014 và vai trò tích cực của Nga bên cạnh phe ly khai đông Ukraina.

Vấn đề còn lại là phải tránh khỏi bị sa lầy. Vì điều này, mỗi bên gây áp lực lên phe cánh của mình : Washington dường như đã thuyết phục được phe đối lập tham gia đàm phán hòa bình tại Geneve, diễn ra từ ngày 13/4. Trong khi đó Nga đứng ra bảo đảm việc Damas tôn trọng lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry liên tục đến gặp đồng nhiệm Nga, Serguei Lavrov. Cứ như bạn bè thuở hàn vi…

Trẻ em Syria : nguồn lao động giá rẻ cho Thổ Nhĩ Kỳ

Thế nhưng, màn song tấu đó của các ông lớn đang đẩy hàng ngàn, hàng triệu người Syria phải bỏ xứ mà đi. Đáng thương nhất là hàng trăm ngàn trẻ em đang tuổi cắp sách đến trường mất luôn cả tương la,i vì phải lao động nặng nhọc nuôi gia đình. L’Obs có bài phóng sự điều tra tố cáo nạn bóc lột sức lao động trẻ em tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó là những đứa trẻ trong độ tuổi 8, 11 và 15. Nỗi kinh hoàng chiến tranh đã trải qua, giờ phải cật lực làm việc 7/7 ngày, 12 tiếng mỗi ngày với những đồng lương rẻ mạt để nuôi sống cả nhà đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Những ai tuyển dụng các em này ? Từ các cửa hiệu, các nhà xưởng chế biến địa phương cho đến cả các tổ chức nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả những nhà xưởng may gia công cho các thương hiệu quần áo may sẵn nổi tiếng như Next, H&M …Những em này phải lao động trong những điều kiện khắc nghiệt, thiếu an toàn, như sử dụng các loại máy móc nguy hiểm, tiếp xúc các loại hóa chất độc hại mà không có đồ bảo hộ. Đối với các em, đi học giờ đã là dĩ vãng, một giấc mơ xa vời vợi, khó có ngày thành hiện thực.

Nên hay không hợp pháp hóa chất gây nghiện ?

Câu hỏi lớn trên hiện rõ trên trang nhất tuần san Courrier International. Từ ngày 19-21/4, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc dành phiên họp bất thường về chất gây nghiện. Đây cũng là phiên họp đầu tiên kể từ sau tuyên bố chính sách liên quan đến việc kiểm soát các loại chất này, được thông qua vào năm 1998.

Tuần báo lược dịch các bài viết đăng trên hai tờ báo Mỹ và Salvador. Đối với tờ Harper’s Magazine (New York) hiện nay cuộc chiến chống ma túy trên toàn cầu gần như thất bại hoàn toàn. Vào tháng 03/2016, vì lý do sức khỏe con người nhưng cũng để chấm dứt tình trạng bạo lực của các băng đảng, nhiều nhà khoa học và ba cựu tỏng thống Nam Mỹ đã kêu gọi hợp pháp hóa các chất gây nghiện.

Tuy nhiên, theo tờ báo La Pagina, tại San Salvador, « Hợp pháp hóa, đó là khuyến khích tiêu thụ ». Nhiều tiếng nói lên tiếng cảnh cáo chống lại một giải pháp đơn giản quá mức. Họ nhắc lại rằng đấu tranh chống đói nghèo mới là ưu tiên.

Thời đại sinh viên tiêu thụ

Trên đây là nhận xét của tờ The Economist, được Courrier Innternational trích dẫn lại. Ngày càng có nhiều sinh viên chọn học tại các trường tư, thường ở những nước khác. Các trường đào tạo tư nhân quốc tế giờ đang nở rộ. Nhưng kèm theo đó là các trò lừa đảo.

« Chúng tôi trả nhiều tiền để đi học và chúng tôi hy vọng có được một chương trình học tốt », đó là lời giải thích của một anh sinh viên được tờ báo trích dẫn. Trên thế giới hiện nay, trung bình cứ ba sinh viên thì có một người đăng ký học tại trường tư, theo như quan sát của ông Daniel Levy, giảng dạy tại trường đại học công New York. Tỷ lệ này ở châu Âu thấp hơn, là 1/7. Nhưng hiện bắt đầu có những thay đổi.

Theo ông Matthew Robb, thuộc văn phòng tư vấn Parthenon-Ey, người học muốn những chương trình đào tạo có thể mở ra một hướng nghề nghiệp trực tiếp như tại trường Đại học Quốc tế về các ngành khoa học ứng dụng Bad Honnef - IUBH tại Đức.

Mô hình đào tạo này cũng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nên càng làm cho lĩnh vực này tăng trưởng nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp kết hợp với các trường tư tạo điều kiện thực tập theo kiểu vừa học vừa làm như trong ngành khách sạn chẳng hạn.

Kho báu của vua hề Charlot

Bạn yêu thích vua hề Charlot ? Bạn muốn khám phá các « báu vật » của Charlot? L’Express mời các bạn đến Trang viên Ban (Manoir Ban), tại Corsier-Sur-Vevey (Thụy Sĩ) để tham quan Chaplin’s World. Điểm dừng chân cuối cùng của vua hề Charlot bên bờ hồ Léman ngày 17/4 này trở thành một bảo tàng chỉ để nói riêng về cuộc đời và tài nghệ điện ảnh của ông.

Việc ông quyết định dừng chân hẳn tại châu Âu là điều ngoài dự kiến. Bởi vì từ năm 1914, sản nghiệp và những vinh quang của ông đều trụ ở Hollywood. Tháng 9/1952, ông cùng gia đình với ít hành trang lên tàu trực chỉ Luân Đôn. Trong lúc xuyên biển, ông mới hay tin Hoa Kỳ đã hủy visa khứ hồi của ông.

Là công dân Anh quốc, nếu muốn lấy lại nhà cửa và hãng phim của mình, ông sẽ phải trải qua kỳ thẩm vấn tỉ mỉ của ủy ban do McCarthy điều hành, vốn dĩ tìm đủ mọi cách để hạ gục ông vì chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phi đạo đức mà danh hài bị cáo buộc theo đuổi.

Vào lúc ông sắp cập bến Luân Đôn, một quyết định đã được đưa ra : mệt mỏi vì những lời chửi rủa và thói ngạo nghễ của người Mỹ, ông quyết định không quay về đấy nữa. Nhưng nếu vậy thì đi đâu đây ? Ông đi khắp nẻo châu Âu và cuối cùng là Thụy Sĩ, bên bờ hồ Léman tại Geneve. Chính tại đất nước của những khu vườn này, ông đã tìm thấy trang viên Ban với vườn cây ăn quả tuyệt vời.

Ngay tại sảnh, người ta dễ dàng tưởng tượng các buổi tiếp đãi mà Charlot đã dành cho nhiều nhân vật nổi tiếng, từ Jean Cocteau cho đến Marlon Brando. Trên tầng một, phòng ngủ dành cho khách được giữ nguyên như lúc ông còn sinh thời gợi nhắc những lần các vị khách đó ghé qua. Khách đến tham quan còn được xem những đoạn phim về gia đình ông do Oona, người vợ cuối cùng của ông quay. Mỗi món đồ, mỗi chiếc tủ làm người xem liên tưởng cuộc sống riêng tư của thiên tài điện ảnh này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.