Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC-SYRIA

Trung Quốc bắt đầu muốn nhảy vào bàn cờ Syria

Chủ đề đáng chú ý trên báo Pháp ngày 14/04/2016 nằm trên báo Le Monde, với hồ sơ khủng hoảng Syria đang dần tìm được một lối thoát và Trung Quốc bắt đầu can dự vào các cuộc đàm phán về Syria, tính chuyện sẽ đóng vai trò vào việc giải quyết xung đột tại Syria.

Quân đội Syria đã chiếm lại Palmyra. Ảnh minh họa.
Quân đội Syria đã chiếm lại Palmyra. Ảnh minh họa. REUTERS/Omar Sanadiki
Quảng cáo

Tác giả bài viết, thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh, Brice Pedroletti, ghi nhận lâu nay Trung Quốc vẫn đứng ngoài hồ sơ Syria cho dù vẫn ủng hộ tích cực Bachar al Assad, nhưng "giờ đây Bắc Kinh đang tính đến việc tham gia soạn thảo các kịch bản đưa Syria thoát khỏi vũng lầy xung đột này".

Bằng chứng là hôm 29/03/2016 Bắc Kinh đã giao cho một nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm về Trung Cận Đông và châu Phi là ông Tạ Hiểu Nham ( Xie Xiaoyan) làm nhiệm vụ đặc sứ đầu tiên của Trung Quốc về Syria. Theo lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Hồng Lỗi thì đặc sứ có sứ mệnh : « góp phần làm cho có hiệu quả hơn nữa cho cách xử thế và các đề nghị của Trung Quốc » trong vấn đề Syria.

Bài viết nhắc lại, trên hồ sơ Syria, Trung Quốc cho đến giờ vẫn gắn chặt với lập trường của Nga. Bắc Kinh cùng với Matxcơva đã bốn lần xử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn các dự thảo nghị quyết của phương Tây về Syria từ năm 2012 đến 2014.

Bài viết dẫn lời chuyên gia chính trị Chu Phong (Zhu Feng) thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định, từ trước đến giờ Bắc Kinh vẫn cảm thấy chưa tự tin, chưa sẵn sàng can dự vào các rối rắm ở Trung Đông. Nhưng giờ đây khi mà Syria chuẩn bị cần đến đầu tư để tái thiết, Trung Quốc nhận thấy thời cơ đã đến và việc chỉ định một đặc sứ cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng trở nên "tích cực hơn" trên hồ sơ Syria.

Trung Đông là nguồn cung cấp 50% nhu cầu dầu mỏ cho Trung Quốc. Trung Quốc còn là khách hàng lớn của hai quốc gia chủ chốt trên bàn cờ Syria là Ả Rập Xê út và Iran.

Theo chuyên gia chính trị Jean Pierre Cabestan tại Hồng Kông "Sau khi kết thúc chiến tranh Irak, người Trung Quốc đã nhanh chóng đặt chỗ trong thị trường dầu mỏ ở đây. Với Iran, họ ý thức được người Iran sẽ muốn làm với phương Tây nhiều hơn…. Với Syria, người Trung Quốc muốn có phần vào các hợp đồng hạ tầng cơ sở và cung cấp tài chính".

Theo bài báo, chương trình « con đường tơ lụa » mới và hàng loạt các dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở sẽ là công cụ tốt nhất để Trung Quốc tạo ảnh hưởng trong khu vực.

Ngoài ra Syria cũng liên quan đến một vấn đề nội bộ Trung Quốc ở khía cạnh, cuộc chiến Syria là mảnh đất tập dượt cho các phần tử Hồi giáo cực đoan người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực Tân Cương. Gần đây kênh truyền hình Ả Rập Xê-Út Al –Arabiya đưa tin, đầu tháng ba vừa qua đã có tới hàng nghìn chiến binh người Duy Ngô Nhĩ cùng gia đình vừa mới định cư trong các vùng nổi dậy. Sự ổn định của Syria sẽ là một lợi ích cho an ninh của Trung Quốc về lâu về dài.

Giới « đại gia » Miến Điện, chế độ nào cũng sống tốt

Vẫn trên trang quốc tế, Le Monde tiếp tục quan tâm đến tình hình chính trị Miến Điện với bài viết có tựa đề : "Những người "chiến hữu" thực sự thắng trong cuộc chuyển tiếp chính trị Miến Điện".

Bài viết đề cập đến một số người trong giới đại gia giàu có, trước đây từng là "chiến hữu" của tập đoàn quân sự nay họ sẵn sàng trở thành những "người bạn mới" của bà Aung San Suu Kyi. Những doanh nhân đó đang tiếp tục ăn nên làm ra trong thời kỳ chuyển tiếp chính trị ở Miến Điện.

Những doanh nhân đại gia, trong quá khứ đã biết kết thân với giới tướng lĩnh chế độ quân sự để dễ bề làm ăn thì nay họ cũng biết lợi dụng tình hình chính trị mới để tiếp tục công việc kinh doanh. Le Monde dẫn lời một chuyên gia tại Rangoon nhận định, chính quyền mới của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ sẽ không làm đảo lộn gì về mặt kinh tế.  "Chính phủ dân chủ mới sẽ phải tiếp tục chính sách mở cửa kinh tế …. vẫn cần đến những tập đoàn lớn để thúc đẩy cỗ máy kinh tế. Những người 'chiến hữu' khôn ngoan nhất sẽ biết thích nghi chuyển đổi cách thức hoạt động".

Các đại gia đó không có gì phải lo sợ. Bà Aung San Suu Kyi đã hứa với các lãnh đạo quân sự cũ, có người từng là thủ phạm các tội ác chiến tranh, là chính phủ mới sẽ không trả thù ai.

Le Monde cho biết thêm chi tiết, một số các đại gia Miến Điện còn là những nhân vật rất đặc biệt như ôngTay Za, người từng làm giầu bằng buôn bán vũ khí, gỗ quý, kinh doanh khách sạn và hàng không. Hay như Steven Law, tổng giám độc tập đoàn đầy thế lực Asia World, vừa giành được hợp đồng béo bở xây dựng sân bay Rangoon. Nhân vật này là con của một nhà tài phiệt gốc Hoa Lo Hsing Han, đã chết năm 2013, từng là một trong những bố già ma túy lớn nhất Miến Điện.

Một mối quan hệ mới đang hình thành giữa các đại gia với chính quyền mới.

Dư luận Pháp lạnh nhạt với tổng thống

Tối nay tổng thống Pháp François Hollande lại lên truyền hình trực tiếp đối thoại với người dân, trong bối cảnh sau gần 4 năm lãnh đạo đất nước mà không mang lại đổi thay gì khiến cho uy tín trong dân cũng như trong đảng Xã Hội của ông Hollande đang xuống đến mức thấp chưa từng thấy.

Sự kiện khiến các báo dành rất nhiều thời lượng để bàn luận nhưng là về tính hiệu quả thuyết phục đối với dân chúng qua chương trình truyền hình tối này.

Các báo Pháp đều cố tìm một những từ ngữ thật hài hước để định danh cho chương trình "đối thoại công dân" của tổng thống. Le Figaro chọn tựa :"Chiến dịch sống còn". Nhật báo vốn được cho là có xu hướng thiên hữu đối lập với đảng cầm quyền bình luận : "Là khách mời của chương trình « Đối thoại công dân » tối thứ Năm trên kênh France 2, tổng thống không được phép sai sót. Uy tín đang ở mức thấp nhất trong các cuộc thăm dò dự luận, ông Hollande sẽ phải bắt đầu từ việc chinh phục lại lòng tin từ trong phe mình. Cuộc gặp gỡ dân Pháp trên truyền hình lần này, sau nhiều lần không thuyết phục được ai, sẽ là cơ may cuối cùng" để tổng thống lấy lại lòng tin của dân.

Xã luận Le Figaro cũng cảnh báo : "Nếu ông Hollande tỏ ra tầm thường hay đơn giản là trung bình, ông sẽ mất hết hy vọng trong kỳ bầu cử tổng thống trong một năm tới".

Nhật báo Libération thì nhận định thuyết phục dân chúng Pháp lúc này với tổng thống Hollande là điều rất khó khăn và rủi ro nhiều hơn : "Trong lịch sử chính trị Pháp gần đây, không một tổng thống nào có uy tín được tăng lên nhờ vào một chương trình truyền hình, trái lại còn bị sứt mẻ thêm sau các đối thoại trực diện tại trường quay".

Còn nhật báo le Parisien thì dẫn số liệu của một cuộc thăm dò dư luận của Viện Odoxa tiến hành cho thấy 71% dân Pháp không quan tâm tổng thống sẽ nói gì vào tối hôm nay trên kênh France 2. Một dấu hiệu lời nói của tổng thống không còn trọng lượng nữa đó là gần một nửa những cảm tình viên của cánh tả cũng cho biết không quan tâm đến chương trình.

Giải thích các số liệu trên, giám đốc viện thăm dò cho rằng "đó là bởi người Pháp không còn trông chờ được gì nhiều vào hành động của tổng thống". Đại đa số dân Pháp (83%) tin là, một năm trước kỳ bầu cử tổng thống, ông Hollande sẽ lại tập trung vào vài biện pháp nhằm vào một vài đối tượng để lấy lòng cử tri.

Karim Benzema bị đẩy ra ngoài đội tuyển cho Euro 2016

Danh thủ Karrim Benzema không được tham gia đội tuyển Pháp dự Euro 2016. Đây là thông tin được các báo Pháp  đăng tải như một sự kiện quan trọng, có một chút nuối tiếc, nhưng đồng tình hoàn toàn.

Bắt đầu bằng nhật báo thể thao L’Equipe, tờ báo viết : "Với việc quyết định không gọi Karrim Benzema vào đội tuyển, vì lý do để " làm gương", nhà tuyển quân đội bóng đá Pháp Didier Deschamps, được chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Pháp Noel Le Graet ủng hộ, đã chứng tỏ trách nhiệm của mình". Theo L’Equipe thì đó là "sự lựa chọn mạnh mẽ".

Nhật báo Libération nhắc lại sự việc chính là vụ bê bối vẫn được gọi là vụ sextape. Benzema hồi cuối năm ngoái bị khởi tố vì cáo giác can dự vào vụ âm mưu dùng băng hình cá nhân tống tiền mà nạn nhân là đồng đội trong đội tuyển Mathieu Valbuena. Danh thủ của Real Madrid bị nghi làm trung gian giúp một trong những người bạn thời niên thiếu" thực hiện vụ tống tiền.

Libération bình luận cầu thủ của Madrid đã phải trả giá cho cách suy nghĩ rằng mình quá tài nên có thể làm mọi chuyện mà mọi người vẫn phải cần mình. "Anh ta cần phải hiểu rằng từ lâu nay bóng đá không chỉ có trên sân cỏ mà thôi".

Đội tuyển Pháp sẽ bỏ rơi cây làm bàn giỏi nhất của đội. Như huấn luyện viên Didier Deschamps nói cách đây vài tuần rằng Benzema là cầu thủ mà tất cả các đội bóng châu Âu đều thèm có nhưng vụ sextape tai hại đã quét sạch tất cả. Trong khi đó nạn nhân của vụ này, cũng là một trụ cột của đội tuyển là Mathieu Valbuena cũng sẽ không tham dự đội tuyển ở Euro 2016, nhưng lý do là vì phong độ thi đấu giảm sút.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.