Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Nhà văn Jim Harrison, tiếng nói từ lòng đất

Đăng ngày:

Vĩnh viễn đi vào huyền thoại, Jim Harrison (1937-2016) được xem là một trong những nhà văn lớn của Hoa Kỳ. Trong trên dưới 50 năm sự nghiệp, ông để lại 14 cuốn tiểu thuyết, một chục tập thơ. Theo nhận xét của nhà thơ Trịnh Y Thư, giọng văn giản dị và mạnh mẽ “như những nhát búa chém lên mặt đá” là dấu ấn của Jim Harrison.

Văn hào Jim Harrison, năm 2002, tại Paris.
Văn hào Jim Harrison, năm 2002, tại Paris. MARTIN BUREAU / AFP
Quảng cáo

Qua đời trong ngôi nhà riêng tại bang Arizona hôm 26/03/2016, thọ 78 tuổi, “Big Jim” không những là một nhà văn lớn mà ông còn là một người nổi tiếng có tâm hồn ăn uống, biết thưởng thức đúng mức những chai rượu ngon, là người sinh ra để sống với thiên nhiên, trong những cảnh núi rừng hùng vĩ và hoang dã. Đất là nguồn cảm hứng vô tận, là hơi thở của tác giả cho những “ A Good Day to Die” (1973), “Dalva”, (1987), “The Road Home” (1998), “Off the Side” (2002) và đương nhiên là “Legends of Fall” (1979) sáng tác trong vỏn vẹn 9 ngày, nhờ vào nguồn tài trợ của một người bạn thân của ông là ngôi sao điện ảnh Jack Nicholson.

Những sáng tác của Harrison thường xoay quanh những chủ đề như là sự chạy trốn, quay lưng lại với thành phố để trở về với thiên nhiên mênh mông bát ngát, những vụ báo thù, sự điên loạn, tâm trạng hoài nghi để rồi là những ăn năn, khi các nhân vật của ông nhận thấy rằng, “cuộc sống là một bi kịch, bi kịch lịch sử và cả do chính conn người gây nên”.

Sinh ra lớn lên ở bang Michigan, Jim bị chột mất một mắt năm lên 7 tuổi. Ông sớm biết Harrison được sinh ra là để viết văn. Trong sứ mạng đó, Jim Harrison luôn quan niệm, ông cầm bút để nhường lời cho những kẻ không có cơ hội cất lên tiếng nói.

Dù đoạt được nhiều giải thưởng văn học ngay từ khi chập chững bước vào làng văn, nhưng ban đầu, cái nghề cầm bút không cho phép ông nuôi sống gia đình. Jim Harrison đã nhận nhiều công việc vặt, từ trong ngành xây dựng đến viết báo, viết kịch bản phục vụ cho các hãng phim. Dù trong hoàn cảnh nào, cho đến tận ngày cuối cùng, ông vẫn giữ một mẩu giấy trên bàn làm việc với hàng chữ : “Mày chỉ là thằng nhà văn”.

Cuối thập niên 1960, sau một tai nạn ông phải nghỉ dưỡng vết thương, để giết thời gian, Harrison bắt đầu viết tiểu thuyết. “Wolf : A False Memoir » được phát hành năm 1971. Đấy là câu chuyện về chính thời niên thiếu của tác giả : “Một thằng con trai trái tim tan nát, trèo lên nóc nhà, hét lên nỗi đau của nó”. Giọng văn giản dị và xúc tích ấy chinh phục được giới phê bình và độc giả.

Năm 1979 tuyển tập gồm ba truyện ngắn được ông gói ghém trong “Legends of Fall” thực sự đưa tên tuổi của ông đi rất xa. Câu chuyện xoay quanh gia đình Đại tá William Ludlow : những con người bị phản bội phải tìm cách phục thù để tránh rơi vào cái bẫy của hận thù.

Nhân sự kiện Jim Harrison vừa qua đời, văn học Mỹ mất đi một cây bút lớn, RFI Việt ngữ liên lạc với nhà thơ Trịnh Y Thư sinh sống tại Caifornia để cùng nhìn lại “Huyền thoại mùa thu” tác phẩm nổi tiếng nhất của Harrison.

Thế giới tàn bạo với những cái chết oan khiên

RFI : Xin chào nhà thơ Trịnh Y Thư, “Huyền thoại mùa thu”, ông yêu thích tác phẩm này ở chỗ nào ?

Trịnh Y Thư : Kính chào quý thính giả của đài RFI, xin chào chị Thanh Hà. Thú thật với chị là tôi tìm đọc cuốn truyện này của nhà văn Jim Harrrison sau khi thưởng thức cuốn phim dựa trên tác phẩm. Cuốn phim thật hay, hình ảnh đẹp, nhiều cảm xúc, nhưng đọc truyện tôi mới thấy thấm thía ý nghĩa và thông điệp tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta. Bối cảnh không gian của truyện là miền đồi núi trùng điệp bao la của bang Montana, Bắc Mĩ. Bối cảnh thời gian khởi đi từ những năm cuối của cuộc Đệ Nhất Thế Chiến và trải dài nhiều thập niên. Cốt truyện xoay quanh gia đình Đại tá William Ludlow.

Ông là một điền chủ có ba người con trai : con cả Alfred, con trai thứ Tristan và cậu út là Samuel. Cả ba xung phong đầu quân sang châu Âu chiến đấu và chẳng may Samuel tử thương trong một công tác thám báo. Alfred bị thương chân, trở về quê nhà theo đuổi sự nghiệp chính trị và trở thành một Thượng nghị sĩ. Tristan với bản chất nổi loạn, tính khí liều lĩnh không ai bằng, đã trải qua nhiều năm tháng sóng gió ba đào.

Cái chết của người em trai chỉ khiến Tristan thêm phẫn uất. Anh kết hôn với Susannah, con gái một gia đình thượng lưu và là hôn thê của Samuel, nhưng chưa kịp làm đám cưới thì Samuel đã tử trận.

Alfred tỏ tình với Susannah nhưng nàng không chịu vì nàng trót yêu Tristan rồi. Nhưng Tristan như bị thôi thúc bởi một xung động không kìm chế nổi, anh chỉ ở với vợ mới cưới chưa đầy ba tháng là bỏ nhà ra đi và suốt bảy năm trời ròng rã anh vượt hết đại dương này sang đại dương khác. Anh chỉ quay về nhà khi nghe tin cha mình bị đột quỵ.

Trở về nhà ở điền trại Montana, lúc này Susannah đã kết hôn với Alfred.

Tristan chấp nhận chuyện đó và lấy Isabel Two, cô con gái người quản gia, làm vợ. Susannah tuy đã lấy Alfred nhưng vẫn yêu Tristan tha thiết. Vì chuyện này anh em suýt đi đến chỗ giết nhau. Tristan có hai con với Isabel Two.

Thời kì Prohibition cấm rượu, Tristan đi buôn rượu lậu và trong một chuyến buôn có Isabel Two đi theo, anh bị cảnh sát chận bắt. Chẳng may Isabel Two trúng đạn chết ngay tại chỗ. Cái chết của Isabel Two càng khiến Tristan điên cuồng và anh thẳng tay giết bất kì kẻ nào cản bước chân của anh, trong đó có hai anh em người Ái Nhĩ Lan. Người em thứ ba tìm đến tận nhà anh để trả thù nhưng chưa giết được anh thì đã bị Đại tá Ludlow bắn chết.

Vào thời điểm này, Susannah bị chứng trầm cảm. Mối tình tuyệt vọng với Tristan không thể xóa nhòa trong tâm tư cô, và cuối cùng cô tự tử. Alfred liệm xác Susannah vào hòm rồi gửi về nhà để chôn cất bên cạnh trái tim của Samuel và Isabel Two. Sau vụ này, gia cảnh tan nát, Tristan một nữa phải bỏ xứ ra đi. Anh lưu lạc nhiều năm ở Cuba và cuối cùng chết già ở Alberta, Canada.

Thế giới truyện của “Huyền thoại mùa thu” tàn bạo, đen tối, nhiều người chết, những cái chết oan khiên, nhiều chi tiết khiếp đảm, như đoạn Tristan bò ra chiến trường tìm xác chết Samuel đoạn mổ ngực móc quả tim kẻ xấu số để đem về chôn tại đất quê nhà.

Gấp lại cuốn sách, ấn tượng trong lòng tôi, là cuộc sống này là một bi kịch, bi kịch lịch sử và cả bi kịch do chính con người gây nên. Những quan hệ yêu thương, thù hận thường được sai khiến bởi một xung lực mà kết cuộc thường đi đến chỗ gãy đổ, tang thương thay vì hàn gắn và hòa hợp.

Sống là mưu tìm hạnh phúc, nhưng hình như chúng ta lao đầu vào khổ đau nhiều hơn. Cuốn sách của nhà văn Harrison, tuy chỉ vỏn vẹn hơn 80 trang giấy, nhưng theo tôi đã là một thông điệp yêu thương đầy ý nghĩa cho cuộc nhân sinh.

Jim Harrison, tiếng nói từ lòng đất

RFI : Vì sao “Huyền thoại mùa thu” lại đi vào lòng người để có được dấu ấn trên văn đàn quốc tế ?

Trịnh Y Thư : Trước hết, Jim Harrison ở đây là một người thuật chuyện. Ông thuật bằng một bút pháp đặc biệt hiếm có. Giọng văn ông giản dị, giữa mạch văn không hề chen vào những ý niệm siêu hình hay trừu tượng, mà mạnh mẽ như những nhát búa chém lên mặt đá. Thứ hai, cốt chuyện lôi cuốn, đã đọc vài trang đầu rồi thì không thể buông sách ra được. Và thứ ba, quan trọng hơn cả, là cái thông điệp nhân sinh mà ông gửi gắm đến người đọc.

RFI : Không thể nói về “Huyền thoại mùa thu” mà không nói đến tác giả Jim Harrison và vị trí của ông trên văn đàn Mỹ. Nhờ đâu ông được xem là một đại thụ của văn học Mỹ và thế giới, ngang tầm với Hemingway hay Faulkner ?

Trịnh Y Thư : Vâng, đúng vậy, thưa chị. Cùng với Saul Bellow, John Updike, Philip Roth, Toni Morrison, Joyce Carol Oates, Tim O’Brien và nhiều nhà văn danh tiếng khác, Jim Harrison đã định hình cho một diện mạo phong phú, đa dạng của nền văn học Mĩ vào nửa sau thế kỉ XX.

Điểm vượt trội của ông là chỗ ông đã kiên trì theo đuổi tiếng nói của mình trong suốt bấy nhiêu năm viết. Tiếng nói ấy là gì ? Nó chính là tiếng nói từ lòng đất của quê hương ông và lòng yêu thương vô bờ bến của ông đối với đất nước ấy, nhất là phong cảnh thiên nhiên mà ông cho là không nơi nào đẹp bằng, đã giúp ông dốc hết năng lực và tâm tư mình vào những trang viết.

Jim Harrison còn là một thi sĩ và ông đã sống trọn vẹn kiếp người cho văn chương. Chừng đó thôi cũng đủ cho chúng ta ngưỡng mộ và kính phục ông rồi.

Trong tập thơ cuối cùng vừa xuất bản cuối năm 2015 “Dead Man’s Float” – Chiếc phao của người đàn ông đang ngả vào vòng tay tử thần, Jim Harrison chua xót trước tuổi già về bệnh tật qua bài thơ “Where is Jim Harrison ? ” và câu trả lời được gói trọn trong bốn câu :

«He fell off the cliff of a seven-inch zafu.
He couldn’t get up because of his surgery.
He believes in the Resurrection mostly
because he was never taught how not to».

Jim Harrison trở về với cát bụi một ngày trước lễ Phục Sinh 2016. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.