Vào nội dung chính
NGA - CHÂU ÂU

Nga khiến châu Âu phải xem lại chính sách quốc phòng

Vụ bê bối "Panama Papers" bắt đầu mở ra các chương mới với những hệ lụy khác nhau ở từng nước, nước Pháp vẫn sôi sục với làn sóng phản đối cải cách luật lao động vẫn là những chủ đề thời sự bao trùm của các báo Pháp hôm nay. Tuy nhiên, trang quốc tế nhật báo Le Monde chú ý đến vấn đề tái vũ trang của Liên Hiệp Châu Âu nhân dịp Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm ( SIPRI) vừa công bố bản báo cáo về tình hình chi tiêu quân sự của thế giới trong năm qua.

Chiến đấu cơ đầu đàn của Pháp Rafale. Ảnh do bộ Quốc Phòng Pháp cung cấp trước lúc Paris quyết định can thiệp vào Syria, tháng 09/2015..
Chiến đấu cơ đầu đàn của Pháp Rafale. Ảnh do bộ Quốc Phòng Pháp cung cấp trước lúc Paris quyết định can thiệp vào Syria, tháng 09/2015.. AFP PHOTO / ECPAD
Quảng cáo

Le Monde đặt câu hỏi : Trước những nảy sinh đe dọa của Nga phải chăng châu Âu đang tái vũ trang ? Bởi vì sau một thập kỷ các cường quốc châu Âu liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng, năm ngoái đánh dấu một bước ngoặt mới của lục địa này. Trong nghiên cứu về chi tiêu quân sự toàn cầu của SIPRI ghi nhận trong năm 2015, chi phí quân sự của châu Âu tăng 1,7%, đạt 328 tỷ đô la Mỹ, trong tổng số chi tiêu của toàn cầu là 1676 tỷ đô la.

Trong con số trên các cường quốc chính như Anh Quốc, Pháp và Đức, sau nhiều năm cắt giảm mạnh chi tiêu Quốc phòng, nay cũng bắt đầu nhúc nhắc đầu tư lại vào lĩnh vực này. Trong khi đó các nước đồng minh của họ ở trung và đông Âu có nhiều lo ngại về mối đe dọa của Nga lại tăng rất mạnh chi tiêu quân sự : 22% đối với Ba Lan, 6% với Estonia, 14% với Latvia và 33% với Litva. Các quốc gia như Rumani, Slovakia hay Ukraina, được các nước phương Tây tiếp sức cũng đã đầu tư thêm nhiều cho quân đội.

Thực tế này nói lên điều gì ? Xã luận Le Monde khẳng định : « diễn tiến này phản ánh một khung cảnh chiến lược ngày càng mất ổn định trong sự vận hành của Liên Hiệp Châu Âu (EU). Đó là trường hợp Ukraina, là việc Nga diễu võ dương oai bên đường biên của các quốc gia vùng Baltic, là một khu vực Trung Đông chìm trong các cuộc hỗn chiến… »

Nhưng theo Le Monde, mối nguy hiểm vẫn là từ bên trong lòng EU, với khủng bố không chỉ là mối đe dọa thường trực mà còn là một thực tế đang diễn muôn hình vạn trạng.

Vụ bê bối Panama Papers : Cuốn phim dài mới chỉ bắt đầu

Quả thực hàng triệu trang tài liệu vụ Panama Papers được phổ biến đang là những chất liệu để cho mỗi nước dựng lên những kịch bản khác nhau cho cuốn phim dài nhiều tập về đề tài tiền bạc, quyền lực với những tình huống hứa hẹn bất ngờ và sẽ còn thu hút dư luận lâu dài.

Diễn tiến đầu tiên đã nhanh chóng xảy ra ở thượng tầng chính trường Iceland. Trước sự phẫn nộ của dân chúng, hơn 48 giờ sau những tiết lộ của Liên Minh Quốc Tế Các Nhà Báo Điều Tra được tung ra cho thấy thủ tướng Iceland  Sigmundur David Gunnlaugsson cất giấu hàng triệu đô la trong một công ty bình phong ở thiên đường thuế, người đứng đầu chính phủ đảo quốc này đã phải từ chức. Libération chạy tựa : « Panama papers : Thủ tướng Iceland đầu hàng ». Chưa hết đảo quốc chỉ có 329 nghìn dân này vẫn tiếp tục sôi sục phẫn nộ với các nhà chính trị đòi bầu cử lại.

Còn ở Pháp, màn hệ lụy của vụ Panama Papers cũng mở màn. Nhật báo Le Monde bắt đầu mổ xẻ các thông tin liên quan đến các tài khoản đặt ở thiên đường thuế của những nhân vật thân cận với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia ( FN). Bên cạnh đó ngân hàng Société Générale bị chỉ mặt là ngân hàng nằm trong tâm điểm của hiện tượng trốn thuế.

Tờ báo cho biết ngân hàng Pháp này thông qua công ty luật Panama Mossack Fonseca đã lập ra gần một nghìn công ty bình phong cho các khách hàng để che giấu các giao dịch tài chính.

Le Monde cho biết, ở công ty luật Mosack Fonseca, ngân hàng Société Générale là khách hàng cưng. Dẫn nội dung một thư điện tử của Mossack gửi Société Générale cho biết : « Chỉ cần 660 đô la để mở tại Panama một công ty, trong đó bao gồm cả lệ phí mượn tên thuê giám đốc ! Giảm 10% đặc biệt cho các thủ tục pháp lý khác ». Không phải trụ sở chính của Société Générale ở Paris mà là các chi nhánh đóng ở những thiên đường thuế như Thụy Sĩ, Luxembourg, Bahamas điều hành công việc làm ăn của ngân hàng này.

Ngân hàng mở đường cho trốn thuế

Về vai trò của của các ngân hàng trong hoạt động trốn thuế, Le Monde có bài : « Các ngân hàng lớn, nguồn nhiên liệu và tác nhân của hệ thống công ty bình phong hải ngoại ».

Le Monde khẳng định, hơn bao giờ hết, các ngân hàng lớn là trung tâm của hệ thống công ty bình phong. Mặc cho cuộc tấn công vào các thiên đường thuế được nhóm nước G 20 phát động năm 2009, mặc cho các vụ bê bối lặp đi lặp lại nhiều lần, khu vực ngân hàng vẫn là đối tác tích cực được ưu ái của các trung tâm tài chính bình phong, trong đó có nhiều trung tâm có hoạt động mờ ám như Panama .

Trong số 214.488 công ty bình phong do công ty luật Mossack Fonseca dựng lên từ năm 1977 thì có 15.579 công ty do các ngân hàng yêu cầu lập cho các khách hàng giàu có của họ.

Vẫn theo Le Monde, tổng số có 365 tập đoàn ngân hàng của đủ các nước đã nhờ cậy đến dịch vụ của công ty luật Mossack Fonseca. Trong số đó có các ông lớn như ngân hàng HSBC của Anh, UBS và Crédit Suisse của Thụy Sĩ, Deutsche Bank của Đức và Société Générale của Pháp. Ngoài ra còn có rất đông các ngân hàng nhỏ chủ yếu đặt tại Thụy Sĩ, Luxembourg, ở Jersey và Monaco cũng đã tìm đến công ty luật của Panama .

Pháp : Mua dâm là thủ phạm

Chuyển qua nhật báo le Figaro với chủ đề xã hội liên quan đến nước Pháp. Quốc hội Pháp hôm nay thông qua dự luật về mại dâm, theo đó khách hàng mua dâm sẽ bị phạt nặng.

Le Figaro nhận định : « Nước Pháp sắp sửa đảo lộn chính sách về mại dâm », đánh mạnh vào khách mua dâm. Sau hai năm rưỡi thảo luận tại nghị viện với nhiều tranh cãi bất đồng tại hai viện, hôm nay dự luật tăng cường đấu tranh chống nạn mại dâm (06/04/2016) được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc Hội. Nếu được thông qua, luật mới quy định mức phạt 1500 euro đối với hành vi mua dâm và 3750 euro trong trường hợp tái phạm.

Nội dung căn bản của dự luật này có thể tóm tắt ngắn gọn : Phạt tiền khách mua dâm, thừa nhận người bán dâm là nạn nhân và giúp đỡ người làm nghề mại dâm hội nhập lại vào đời sống xã hội.

Với những gái mại dâm muốn bỏ nghề, họ có thể được cấp nhà ở và tiền trợ cấp 400 euro mỗi tháng. Le Figaro dẫn lời bà Danielle Boussquet, chủ tịch Hội đồng về bình đẳng giới thì dự luật đánh dấu sự tiến bộ vì : « 70 năm sau khi cho đóng cửa các nhà chứa , tháng 4/1946, nước Pháp như vậy đã thừa nhận những người bán dâm là nạn nhân của vũ lực chứ không còn coi họ là người phạm pháp ».

Tuy nhiên Le Figaro nhấn mạnh, việc bỏ phiếu thông qua luật hôm nay không đủ để khép lại những tranh luận cũng như chấm dứt các chỉ trích từ nhiều phía hiệp hội bảo vệ nhân quyền. Trước tiên là những vướng mắc khó khăn trong việc áp dụng luật sẽ rất nhiều.

Paris Saint Germain- Manchester City : Trận cầu sốc của 2 nhà giàu mới

Cuối mục điểm báo hôm nay là sự kiện thể thể thao được hầu hết các báo Pháp chú ý đó là trận cầu tứ kết Cúp C1 châu Âu, câu lạc bộ Paris Saint Germain của Pháp đối mặt với Manchester City của Anh tối nay.

Điểm khiến báo chí chú ý nhiều đến trận cầu này không phải về chất lượng chuyên môn của hai đội bóng mà chủ yếu bởi đó là hai câu lạc bộ được coi những kẻ « mới giầu » lên trong làng bóng tròn châu Âu bằng những nguồn tiền vô tận của các ông chủ dầu mỏ Ả Rập. Cả hai đều được các ông chủ Qatar mới mua về cách đây vài mùa bóng và đã được đầu tư những khoản khổng lồ để kéo về những ngôi sao sáng giá nhất làng bóng thế giới. Cả hai câu lạc bộ đều đang rất thành công trong giải vô địch quốc gia. Giờ đây Paris Saint Germain có giá trị 558,5 triệu euro, bên kia là Manchester city có giá 1,035 tỷ euros.

Các báo đều nhận định đây là trận cầu sốc của hai anh nhà giầu mới nổi và hơn nữa đó còn là « cuộc chiến huynh đệ » trong vùng Vịnh. Điểm chung là cả hai đều ôm mộng rất lớn ở đấu trường danh giá nhất châu Âu và chắc chắn họ sẽ còn không tiếc tiền của cho cuộc chạy đua trong những mùa bóng tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.