Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Búp bê Barbie, hình mẫu phụ nữ qua từng thời đại

Đăng ngày:

Sinh năm 1959 nhưng nhan sắc và tuổi thanh xuân của Barbie không hề bị thời gian tàn phá. Barbie có mặt tại 150 nước với 14 khuôn mặt, 8 mầu da, 4 hình dáng, 18 mầu mắt, 23 mầu tóc, cùng với hơn 7.000 bộ quần áo và phụ kiện. Búp bê có dáng người “thắt đáy lưng ong” là biểu tượng phản ánh những biến chuyển văn hoá-xã hội, cũng như vai trò của người phụ nữ qua từng thời đại.

Bốn mẫu Barbie mới của công ty Mattel.
Bốn mẫu Barbie mới của công ty Mattel. Mattel
Quảng cáo

Barbie trở thành ngôi sao của cuộc triển lãm cùng tên diễn ra từ ngày 10/03 đến 18/09/2016, tại bảo tàng Nghệ Thuật Trang Trí (Musée des Arts décoratifs, Paris), nổi tiếng với những bộ sưu tập thời trang, đồ chơi và quảng cáo. 700 mẫu búp bê được trưng bày trên diện tích 1.500 m2 giúp khách tham quan "giải mã" thành công của Barbie, sau hơn nửa thế kỷ vẫn là một trong những đồ chơi ưa thích nhất của các bé gái.

Barbie sinh năm 1959

Barbie ra đời nhờ sự gặp gỡ tình cờ giữa hai luồng ý tưởng tại Đức và Mỹ. Ngày 24/06/1952, họa sĩ người Đức Reinhard Beuthien hình dung ra một nhân vật để lấp chỗ trống trên bản maquette của tờ Bild, nhật báo rất nổi tiếng tại Đức. Ông tạo ra Lilli, một cô gái thành thị trẻ đẹp mang phong cách pin-up và biết cách "dắt mũi" các anh chàng theo ý mình. Câu chuyện của Lilli thu hút được sự quan tâm của độc giả và kéo dài tới năm 1961. Búp bê Lilli lần đầu tiên được tung ra thị trường vào năm 1955 với mục đích tặng kèm với nhật báo Bild. 

Barbie và trang phục đầu tiên năm 1959.
Barbie và trang phục đầu tiên năm 1959. CC / Mattel

Câu chuyện về Barbie cũng gắn liền với chuyện của Ruth và Elliot Handler. Họ gặp nhau tại Denver năm 1932, kết hôn vào năm 1938 trước khi chuyển tới sống tại Los Angeles. Là con út trong một gia đình người nhập cư Ba Lan có 10 người con, bà Ruth là một phụ nữ bền bỉ và can đảm. Tính cách quyết đoán của bà bổ trợ cho phong cách nghệ sĩ của Elliot, thời đó vẫn còn là sinh viên. Sau khi kết hôn, bà khuyến khích chồng sáng tạo đồ chơi từ nguyên vật liệu hiện đại, còn bà phụ trách việc kinh doanh.

Năm 1945, Elliot Handler thành lập công ty Mattel với Harold Matson, một đồng nghiệp cũ. Hai năm sau, Ruth thay vị trí của Harold. Nhờ óc sáng tạo của Elliot và khiếu kinh doanh của Ruth, công ty Mattel nhanh chóng trở thành một trong những nhà thiết kế đồ chơi tiên tiến nhất thời kỳ đó. Để các mặt hàng của mình, như đàn Ukulele, dương cầm thu nhỏ, hộp nhạc cho trẻ em hay súng lục giả, không bị làm nhái, Elliot chau chuốt về mặt kỹ thuật và đăng ký bằng sáng chế.

Barbie là ý tưởng của nữ doanh nhân khi bà quan sát cô con gái Barbara chơi với những con búp bê bằng giấy. Cô bé và các bạn của mình không thích chơi với những con búp bê bằng giấy có khuôn mặt trẻ em, mà chỉ chú ý tới những con búp bê có khuôn mặt phụ nữ. Ruth Handler bắt đầu hình dung ra một kiểu búp bê thời trang ba chiều, một cô búp bê có thân hình người mẫu với bộ ngực căng tròn.

Cho dù công ty Mattel đang tìm một mẫu sáng tạo và độc đáo để thâm nhập thị trường búp bê trong thập niên 1950, song Ruth Handler không tài nào thuyết phục được nhóm làm việc thực hiện ý tưởng của bà. Lý do chính được nêu ra là một món đồ chơi như vậy sẽ có chi phí cao và phải sản xuất tại châu Á, trong khi đó, công ty Mattel chưa sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, lý do thật sự là bộ ngực đẫy đà của mẫu búp bê giống phụ nữ khiến nhóm làm việc, hầu hết là nam giới, khó xử.

Barbie có hơn 150 nghề. Triển lãm "Barbie" tại bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris.
Barbie có hơn 150 nghề. Triển lãm "Barbie" tại bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris. RFI / Tiếng Việt

Trong một chuyến công tác tại Thụy Sĩ vào năm 1956, Ruth Handler vô tình gặp búp bê Lilli của nhật báo Bild cùng với bộ sưu tập quần áo đáng ngưỡng mộ.Từ châu Âu trở về, bà giao con búp bê mà bà mua cho Jack Ryan, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Mattel, để tìm một nhà máy tại Nhật Bản có thể sản xuất được kiểu búp bê này với loại nhựa mềm hơn và dễ sử dụng hơn.

Barbie, được đặt theo tên của Barbara Handler, xuất hiện lần đầu tiên tại hội chợ đồ chơi New York ngày 09/03/1959. Thế nhưng, Barbie chưa hấp dẫn ngay được các nhà kinh doanh đồ chơi, vẫn cảm thấy khó xử vì bộ ngực của Barbie, giống như đồng nghiệp nam ở công ty Mattel.

Ngược lại, ngay khi xuất hiện trong các cửa hàng đồ chơi cùng năm đó, búp bê Barbie bán chạy đến nỗi Mattel không cần tới chiến dịch quảng cáo được lên kế hoạch từ trước. Ruth Handler dự tính sản xuất 20.000 sản phẩm mỗi tuần, cuối cùng bà phải tăng số lượng lên ba lần.

Barbie trở thành một cuộc cách mạng và là thành công của một nữ doanh nhân trong thế giới vẫn còn dành riêng cho đàn ông. Khác với những búp bê được bày bán tại Mỹ mà trẻ em có thể cưng nựng hay ru ngủ như một người mẹ, Barbie lại là một đồ chơi giúp các em hình dung tương lai của một người phụ nữ và có thể tưởng tượng ra nhiều cách sống khác nhau.

Barbie, hình mẫu phụ nữ đa năng sang trọng

Barbie và bạn trai Ken. Triển lãm "Barbie" tại bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris.
Barbie và bạn trai Ken. Triển lãm "Barbie" tại bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris. RFI / Tiếng Việt

Trang phục đầu tiên của Barbie rất đơn giản : bộ áo bơi một mảnh màu trắng kẻ đen với đôi giầy hở gót mầu đen. Các đường kẻ ngang đen chỉ nhằm một mục đích giúp Barbie ăn hình hơn khi quảng cáo trên truyền hình trong thập niên 1960. Mái tóc của Barbie được túm kiểu đuôi ngựa, đơn giản nhưng không bao giờ lỗi mốt, để lộ đôi khuyên tai và làm nổi bật chiếc kính mát mầu đen. Lý do Barbie chỉ mặc mỗi bộ áo bơi là để khách hàng mua bộ sưu tập thời trang của Barbie.

Các nhà thiết kế cải thiện khả năng của Barbie và tung ra nhiều cách chơi mới biến trẻ em thành những khách hàng thực thụ. Khả năng di động là yếu tố đầu tiên giúp Barbie thành công trên thị trường, như Barbie biết đi, biết cử động như một vũ nữ hay một vận động viên. Thành công của búp bê Barbie còn nhờ vào khả năng tương tác với trẻ nhỏ, như Barbie biết nói và cuộc sống vô cùng phong phú.

Tiểu sử và tuổi của Barbie không bao giờ được tiết lộ để tránh hạn chế trí tưởng tượng của người chơi. Mattel nhanh chóng đưa ra ý tưởng Barbie là một phụ nữ độc lập và tự do, chứ không còn là một người vợ, một người mẹ truyền thống như hình ảnh người phụ nữ trong thập niên 1960. Nhờ vậy, Barbie có tới hơn 150 nghề nghiệp, từ giáo viên, bác sĩ, đến chính trị gia, phi hành gia hay người mẫu, ca sĩ…

Trang phục của Barbie cũng thay đổi theo xu hướng thời trang : từ juyp ngắn vào cuối những năm 1960 đến trang phục kiểu hip-pi trong những năm 1970 hay trang phục vest và áo liền quần trong thập niên 1980. Barbie còn trở thành hiện thân của vẻ đẹp đa dạng. Bên cạnh một Barbie tóc vàng, tóc nâu hay tóc đỏ, những cô bạn của Barbie có nhiều mầu da và kiểu tóc khác nhau. Mattel đưa ra loại búp bê lai châu Phi và Mỹ ngay năm 1968, khi cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc lên tới cao trào tại Mỹ.

Mọi câu chuyện về Barbie đều được thể hiện một cách rất tự nhiên. Duy trì thế giới của Barbie còn là vấn đề quan trọng với Mattel để phát triển kinh doanh. Ngay từ năm 1959, công ty Mattel biến Barbie thành một ngôi sao thực thụ thông qua loạt chuyện về thiếu nữ Barbara Millicent Roberts, sống tại Wisconsin, và là một người mẫu có tên tuổi. Hiện nay, bộ phim hoạt hình Life in the Dreamhouse tiếp tục kể về cuộc sống của Barbie, của gia đình và bạn bè ở Malibu.

Ngoài ra còn phải nhắc đến sự ra đời của Ken để trở thành bạn trai của Barbie, đúng theo mong muốn của các bé gái. Ken là nhân vật phụ, nhưng đóng vai trò quan trọng, để giúp các bé tưởng tượng câu chuyện tình giữa Barbie và Ken. Cuộc tình “đẹp như mơ” của họ kéo dài tới năm 2004 khi Barbie quyết định chia tay để đến với Blaine, một vận động viên lướt ván người Úc. Tới năm 2011, sau khi được chỉnh sửa và trở nên hiện đại hơn, Ken đã chinh phục lại được trái tim của Barbie. Ngoài Ken và Blaine, Barbie còn có nhiều người thân và bạn bè, trong đó một số người xuất hiện rồi biến mất, hay một só khác được điều chỉnh lại.

Chân dung Barbie, họa sĩ Andy Warhol. Triển lãm "Barbie" tại bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris.
Chân dung Barbie, họa sĩ Andy Warhol. Triển lãm "Barbie" tại bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris. RFI / Tiếng Việt

Vẻ đẹp vượt thời gian của Barbie là kết quả của quá trình thiết kế, sản xuất vô cùng công phu và tỉ mỉ bằng công nghệ in ba chiều. Không chỉ khiến các bé gái ngẩn ngơ, Barbie còn trở thành “nàng thơ” của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Họa sĩ Andy Warhol vẽ chân dung Barbie ít lâu trước khi ông qua đời và biến “cô” thành một biểu tượng như Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor. Barbie xuất hiện nhiều lần trong bộ phim truyền hình Mỹ Mad Men, X-Files, Star Trek…

Sau Oscar de la Renta, ngay từ những năm 2000, nhiều nhà thiết kế nổi tiếng như Karl Lagerfeld, Sophia Webster, Jeremy Scott, Diane von Furstenberg hay Burberry cũng hợp tác với Mattel để thiết kế trang phục, với số lượng có hạn, dành riêng cho các fan sưu tập Barbie. Ngoài ra, nhiều mẫu “độc” Barbie được sản xuất cho những sự kiện đặc biệt của Christian Lacroix, Jean-Paul Gaultier, Sonia Rykiel hay Paco Rabanne. Cuối cùng, phải kể tới bài hát Barbie Girl (1997) giúp ban nhạc Aqua nổi tiếng khắp thế giới với hơn 8 triệu bản được bán ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.