Vào nội dung chính
HOA KỲ - HẠT NHÂN

Nỗi sợ Daech chế bom phóng xạ phủ bóng Thượng Đỉnh Hạt Nhân

Tổng thống Mỹ Barack Obama triệu tập Thượng Đỉnh An Toàn Hạt Nhân lần thứ tư tại Hoa Kỳ vào ngày 31/03. Viễn tượng khủng bố chiếm đọat chất phóng xạ để chế tạo « bom dơ » là một trong những kịch bản ám ảnh các nhà lãnh đạo thế giới trong bối cảnh xẩy ra những cuộc tấn công đẫm máu tại Pháp và Bỉ.

Tháp làm nguội tại nhà máy điện hạt nhân Doel tại Bỉ. Ảnh chụp hôm 12/01/2016.
Tháp làm nguội tại nhà máy điện hạt nhân Doel tại Bỉ. Ảnh chụp hôm 12/01/2016. EMMANUEL DUNAND / AFP
Quảng cáo

Thượng đỉnh quốc tế về an toàn hạt nhân diễn ra trong hai ngày kể từ thứ năm 31/03/2016 tại Washington với khoảng 50 quốc gia tham dự. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra sáng kiến này vào tháng 04/2010.

Trong thông điệp để đời đọc tại Praha năm 2009 về ước vọng « một thế giới phi hạt nhân », tổng thống vừa mới nhậm chức của Mỹ báo động nguy cơ « tấn công hạt nhân » là mối đe dọa « gần nhất và nguy hiểm nhất » cho an ninh thế giới. Gần 8 năm sau, Thượng đỉnh lần thứ tư diễn ra trong hoàn cảnh bi thảm, 10 ngày sau đợt khủng bố tại Bruxelles (34 người chết, 340 người bị thương) mà thủ phạm là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.

Điếu đáng lo ngại hơn nữa là có thông tin tổ chiến binh Daech ở Bruxelles dự kiến chế tạo « bom bẩn », pha chất phóng xạ với chất nổ để gây thiệt hại nhiều hơn với hậu quả lâu dài hơn. Cảnh sát Bỉ nắm được tin này từ một đoạn băng theo dõi một chuyên gia hạt nhân người Bỉ do anh em khủng bố Bakraoui thực hiện.

Tháng 09/2015, nhà báo Đức Jürgen Todenhöfer trong quyển sách « Inside IS-10 jours avec Daech » (10 ngày với thánh chiến) đã cho biết Daech có âm mưu « giết hàng triệu người châu Âu ».

Hai ngày sau khủng bố ở Bruxelles, điều phối viên Liên Hiệp Châu Âu chống khủng bố, Gilles de Kerchove, cảnh báo trên nhật báo La Libre Belgique, một vụ tấn công bằng tin tặc, khống chế cơ quan vận hành một lò hạt nhân « có thể xảy ra trước năm năm tới đây ».

Washington không dấu lo ngại. Nhà Trắng đã đề nghị giúp Bruxelles bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân của Bỉ trong khi quân đội Bỉ đã được bố trí phòng ngừa các điểm trọng yếu.

Thượng Đỉnh An Toàn Hạt Nhân là cơ hội để các quốc gia trong liên minh quốc tế chống khủng bố xem xét tình hình mới và biện pháp đối phó.

Iran, Bắc Tiều Tiên và Nga vắng mặt

Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ Peter Cook, Hoa Kỳ lo sợ vũ khí sát hại hàng loạt có thể rơi vào tay khủng bố. Trợ lý cố vấn An ninh Quốc Gia Benjamin Rhodes cũng xác nhận là nhiều tổ chức khủng bố có tham vọng chế tạo bom hạt nhân. Tuy ít có chuyên gia quốc tế tin rằng Daech có khả năng kỷ thuật chế tạo bom hạt nhân nhưng tất cả đều nghĩ rằng tổ chức này có thể chiếm đoạt chất uranium hay plutonium phế thải để pha với chất nổ gây ra một vùng nhiểm phóng xạ rộng lớn.

Dự liệu của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế AIEA nói đến 2.800 vụ buôn lậu, đánh cắp hay thất thoát vật liệu hạt nhân trong 20 năm qua.

Còn theo giới chuyên gia Mỹ, kho dự trữ uranium tinh lọc cao trên thế giới lên đến 1.370 tấn vào cuối năm 2014, nhiều nhất là ở nước Nga.

Theo James Levis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS được AFP trích dẫn thì một trong những giải pháp chống khủng bố hạt nhân là « phải có sự hợp tác và phân công quốc tế ».

Tại Thượng đỉnh Washington năm nay vắng mặt đại diện của Iran, Bắc Triều Tiên và tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.