Vào nội dung chính
HUNGARY

Chính quyền Hungary gắn liền khủng hoảng di dân với nguy cơ khủng bố

Hungary tiếp tục đọ sức với Châu Âu trên hồ sơ nhập cư. Chuỗi tấn công khủng bố diễn ra tại Bruxelles, Bỉ ngày 22/03/2016 được chính quyền Budapest coi như sự xác nhận cho quan điểm không tiếp nhận người tỵ nạn của họ, theo đó, “khủng hoảng tỵ nạn làm gia tăng nguy cơ khủng bố”. Điều đó được thể hiện tương đối rõ ràng qua những phát biểu, và động thái cụ thể của nội các Orbán Viktor.

Thủ tướng Hungary phát biểu nhân ngày quốc khánh 15/03/2016, tại Budapest.
Thủ tướng Hungary phát biểu nhân ngày quốc khánh 15/03/2016, tại Budapest.
Quảng cáo

Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường thuật từ Budapest:

'' Hungary cũng có hai nạn nhân bị thương trong vụ tấn công khủng bố tại Bruxelles, do hiện trường vụ nổ bom tại bến tàu điện ngầm rất gần trụ sở của đại diện ngoại giao nước này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung của chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sádor cho rằng những cuộc khủng bố diễn ra tại Paris và Bruxelles đã cho thấy rõ ràng có mối quan hệ giữa khủng bố và nhập cư, và nhập cư làm tăng nguy cơ khủng bố.

Đây là điều chính quyền Hungary đã nhấn mạnh từ 1 năm nay. Ông Pintér cũng nói rằng, công việc tổ chức khủng bố nằm trong tay những kẻ sinh ra trong các gia đình di cư, và thống kê cho thấy 1% số dân nhập cư sẵn sàng tham gia các hành vi khủng bố.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, ông Kósa Lajos, cũng là một yếu nhân đảng cầm quyền FIDESZ, trong phát biểu trong Nghị viện Hung, thì tiếp tục lặp lại những tuyên truyền bài xích tỵ nạn, cho rằng cái hại do họ gây ra đã “rõ như ban ngày”.

“Việc những kẻ nhập cư bất hợp pháp tràn vào lãnh thổ Châu Âu từ hơn 100 nước trên thế giới mà không bị kiểm soát và ghi danh làm giảm an ninh của cư dân Châu Âu, giảm chất lượng sống của Châu Âu, gây nguy hiểm cho đời sống thường nhật” - ông này nói.

Thủ tướng Orbán Viktor thì coi cuộc tấn công tại Bruxelles cũng là tấn công nhằm vào Hungary, tuy không xảy ra trên đất Hung, vì Hung cũng là một phần của Liên Âu.

Những phát biểu trên cho thấy, giới lãnh đạo Hungary cho rằng sự kiện ở Bỉ đã chứng tỏ và xác nhận phần lý của họ, trong việc dựng hàng rào biên giới, cương quyết không tiếp nhận người tỵ nạn, và có cái nhìn rất định kiến với người nhập cư từ hơn một năm nay.

Diễu võ giương oai

Không chỉ phát biểu, lãnh đạo Hungary còn nhanh chóng có những hành động mà báo chí nước này nhận xét là mang tính “diễu võ giương oai”, như ngay lập tức đặt nước này vào tình trạng báo động cấp hai chừng nào “nội tình” cuộc khủng bố ở Bruxelles còn mù mờ.

Đây là mức báo động cao thứ nhì, chỉ đứng sau cấp 1, nếu Hungary trực tiếp bị tấn công khủng bố. Xe tuần tra và thiết giáp đã được điều động ra Phi trường Quốc tế Budapest, và cảnh sát trực chiến và chống khủng bố cũng xuất hiện tại các bến metro và quảng trường chính.

Đồng thời, Thủ tướng Orbán Viktor trở lại một đề xuất cũ, vốn đã bị tất cả các đảng đối lập bác bỏ, là sửa đổi Hiến pháp lần thứ 6 trong vòng mấy năm để có thể thâu tóm trong tay quyền hành vô độ và tự ý thực hiện một số biện pháp mà không cần phải thông qua Quốc hội.

Bằng việc đề ra khái niệm “tình trạng nguy hiểm do khủng bố”, Chính phủ Hungary sẽ được rảnh tay, nghĩa là không cần quyết định của Quốc hội, để có thể đóng biên giới, sửa đổi dự toán ngân sách, đưa ra lệnh giới nghiêm, tái lập hệ thống tem phiếu thực phẩm, xăng dầu...

Đồng thời, Chính phủ Hung cũng có thể hạn chế những quyền tự do, dân chủ căn bản của cư dân khi ban bố trạng thái này, như hạn chế hoạt động của truyền thông, kiểm tra mạng Internet, thư tín, bưu phẩm, cấm các tụ họp đông người, những cuộc họp hành công khai, v.v...

Bình luận về những động thái trên, báo chí Hung cho rằng, đây vẫn là cách đưa ra vấn đề đao to búa lớn, phần để người dân bị cuốn vào chuyện của người tỵ nạn (hiện không có ở Hung) và khủng bố (xác suất xảy ra ở Hung không cao) để họ lơi là những vấn nạn cấp thiết khác.

Đây cũng được coi là lý do khiến hai tuần trước, chính quyền Hung đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì khủng hoảng di cư trên toàn quốc, mặc dù không hề có gì bất thường xảy ra. Không có lý do gì đặc biệc, nhưng nhiều ngàn quân nhân và cảnh sát vẫn bị điều đi “bảo vệ biên giới”.

Truyền thông Hung còn vạch ra rằng, lẽ ra nên trấn an để công luận khỏi bị hoảng hốt vì những cái không đâu, thì chính quyền lại cho “biểu dương lực lượng” ngoài đường phố, với những nhân viên công lực có thể giỏi bắt bớ, nhưng không hề có kinh nghiệm trinh sát, lùng khủng bố.

Tiếp tục đi theo “con đường riêng”

Những động thái trên cho thấy, chính quyền Hung vẫn đeo đuổi con đường riêng mà họ chủ trương, và gần đây đã tìm được sự đồng thuận trong khối các nước cộng sản cũ trong vùng Trung Âu, với phương châm “Thà hành động riêng rẽ còn hơn cùng nhau bó gối” của ông Orbán.

Thủ tướng Hung đã vẽ nên hình ảnh một Liên Âu thúc thủ, bất lực, trong khi Hungary tích cực bảo vệ đất nước và bảo vệ Châu Âu khỏi những kẻ tỵ nạn, như câu nói ông ưa thích: “Ở đây sẽ không có trò vượt rào, những băng đảng này nọ sẽ không tấn công săn đuổi vợ con chúng ta”.

Đỉnh cao của những ngôn từ kỳ thị người tỵ nạn và đả kích Châu Âu tập chung trong bài phát biểu cách đây chục ngày, nhân dịp 15-3, một trong ba đại lễ thường niên của Hungary, khi Thủ tướng Hungary cho rằng “nếu muốn chặn đứng làn sóng di cư, đầu tiên phải phanh Bruxelles lại”.

Trong phát biểu đó, ông Orbán khẳng định “Châu Âu hiện không tự do”, và “người ta muốn cưỡng bức chúng ta phải phục vụ những kẻ xa lạ ngay tại Tổ quốc chúng ta”, và nói thêm rằng “chúng ta sẽ không chấp nhận bạo lực và sự dọa nạt”, và không chấp nhận nô lệ từ Bruxelles.

Thủ tuớng Orbán diễn giải khái niệm tự do hay nô lệ trong tương quan mối quan hệ giữa Hungary và Bruxelles trong nhiều vấn đề, mà cấp thời nhất hiện là khủng hoảng tỵ nạn. Tái nhấn mạnh quan điểm bài ngoại, ông Orbán nói rằng những người tới Châu Âu không phải là tỵ nạn.

Theo ông Orbán, đó là hàng chục triệu người mang theo khủng bố và tội phạm tới Châu Âu, là nguy cơ đe dọa dân tộc Hung, lối sống Công giáo của Hung, truyền thống Hung, mối nguy hiểm tới “vợ con chúng ta”, vì họ, thay vì hội nhập, lại áp đặt thế giới của họ cho người Hung.

Chuyện người tỵ nạn tới Châu Âu được ông Orbán cho là một chiến dịch được mưu toan và chỉ đạo. Theo ông, các nhà lãnh đạo EU đã làm tất cả để những kẻ xa lạ có thể tới và định cư nhanh chóng ở Châu Âu, do đó, chính Bruxelles hiện đang đe dọa nền độc lập dân tộc Hungary.

Như thế, để bảo vệ Tổ quốc trước Châu Âu, Thủ tướng Hung cho rằng “đã đến lúc phải gióng chuông báo động”, “phải tập hợp đồng minh”. “Tất cả công dân Hung, và tất cả mọi dân tộc Châu Âu” cần tập trung vào một mặt trận thống nhất, theo hiệu triệu của ông Orbán Viktor hôm 15/3.

Nội các Hung liệu có thành công?

Một thăm dò dư luận vừa được Viện Quan Điểm công bố một phần cách đây một hôm cho thấy, chính sách bài ngoại của chính quyền Hungary đã đặt được kết quả nhất định, chẳng hạn, đa số cư dân Hung ủng hộ việc dựng hàng rào viên giới vào mùa thu năm ngoái để ngăn dân tỵ nạn.

Tuy nhiên, trong một nỗ lực khác đã nói tới ở trên, là vin vào lý do khủng bố để sửa Hiến pháp và trao cho chính phủ những quyền hành vô độ, thì nội các Hungary đã không nhận được sự đồng tình. Bên cạnh đó, chính quyền thua đậm trong những vấn đề nội trị, như giáo dục và chính sách thuế má.

Có lẽ đây là lần đầu trong thời gian dài, liên minh cầm quyền với đa số áp đảo gần 2/3 số ghế trong Quốc hội đã bị cử tri bác bỏ trong nhiều vấn đề quan trọng. Điều đó cũng cho thấy, không chắc là chính sách bài ngoại và đi ngược đường EU sẽ thành công trong thời gian sau này.

Bởi lẽ như cuộc thăm dò trên cho thấy, không ít cử tri đã nhận ra dụng ý của chính quyền trong việc lấy nhập cư, tỵ nạn và khủng bố làm đề tài trung tâm, để xí xóa những vấn đề nan giải mà xã hội nước này đang gặp phải trong đời sống người dân, hoặc y tế, giáo dục...''

08:23

Thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.