Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Lễ Phục Sinh : Từ ý nghĩa tôn giáo đến ngày hội của trẻ em

Đăng ngày:

Lễ Phục Sinh được coi là ngày quan trọng nhất theo nghi lễ Kitô giáo để tưởng niệm sự kiện chúa Giêsu chết và phục sinh sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá. Lễ thường diễn ra vào mùa Xuân và không có ngày cụ thể.

Những quả trứng Phục Sinh bằng sôcôla của nhà sản xuất Bỉ Dominique Personne.
Những quả trứng Phục Sinh bằng sôcôla của nhà sản xuất Bỉ Dominique Personne. Ảnh : Thierry Roge/Reuters
Quảng cáo

Trong Kitô giáo Tây phương, ngày lễ Phục Sinh được Công Đồng Nicea I ấn định vào năm 325 rơi vào ngày Chủ Nhật sau ngày trăng tròn Xuân phân (ngày 21/03). Các ngày lễ khác trong năm cũng được tính theo mốc Phục Sinh này, đặc biệt là Mùa Chay (Carême) hay ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Pentecôte).

Sau ngày Phục Sinh rơi vào Chủ Nhật, ngày thứ Hai liền kề được công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức của hầu hết các quốc gia có truyền thống Kitô giáo, trong đó có Pháp. Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông, như đài phát thanh quốc tế RFI, vẫn hoạt động như bình thường để phục vụ khán thính giả.

Chị Thu Thủy, một giáo dân sống tại Paris giải thích với ban tiếng Việt đài RFI về ý nghĩa của ngày lễ trọng đại đối với cộng đồng Kitô giáo :

« Lễ Phục Sinh thường đánh dấu sau 40 ngày chay tịnh bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro và chấm dứt vào khuya thứ Bẩy Tuần Thánh, vào tối thứ Bẩy tới đây, là kết thúc Mùa Thương Khó của Tuần Thánh đó.

Bốn mươi ngày Lễ Tro thường là giai đoạn để mọi người ăn kiêng và sám hối để chuẩn bị cho lễ Phục Sinh. Và lễ Phục Sinh là đại lễ của người Kitô hữu. Thường người ta ăn kiêng từ ngày thứ Tư Lễ Tro cho đến ngày thứ Sáu Chúa chết và cầu nguyện cho đến ngày thứ Bẩy.

Người phương Tây lấy ngày thứ ba sau ngày Chúa chết, cho nên ngày Chủ Nhật là ngày Chúa Phục Sinh, có nghĩa là ngày Chúa sống lại. Trong truyền thống của Kitô giáo, Tuần Thánh có ý nghĩa rất đặc biệt.

Tại sao có sự tích lễ Phục Sinh ? Và tại sao Chúa phải chịu chết ? Vì Chúa chịu chết để cứu chuộc nhân loại, cứu chuộc những lỗi lầm của con người tạo ra. Chiến thắng của Chúa Giêsu là được sống lại, chứ không phải chết mãi mãi ».

Người Pháp tiêu thụ hơn 15.180 tấn sôcôla dịp lễ Phục Sinh

Ngoài ý nghĩa tôn giáo, lễ Phục Sinh còn là ngày lễ gia đình tại Pháp. Giống như lễ Giáng Sinh, trẻ em rất ngóng đợi ngày này vì được thoải mái ăn sôcôla và đập trứng bằng sôcôla. Theo Nghiệp đoàn Sôcôla Pháp, trong dịp lễ Phục Sinh năm 2015, người Pháp tiêu thụ khoảng 15.180 tấn sôcôla được tạo thành các loại hình thù khác nhau như trứng, gà, thỏ hay các loại quả chuông. Số lượng này nhiều hơn hẳn so với năm 2014 là 14.960 tấn.

Thành công trên có được là nhờ các dịp lễ hội ngày càng được tổ chức tưng bừng hơn và được mọi người hưởng ứng. Ngoài ra, cũng phải kể tới óc sáng tạo của các nhà thiết kế sôcôla. Thay vì chỉ sản xuất những mẫu mã thông thường, sản phẩm của họ ngày càng tinh tế hơn, độc đáo hơn và khiến người xem phải "nuốt nước miếng". Sôcôla giành cho lễ Phục Sinh không chỉ còn được bày bán tại các cửa hàng thông thường hay tiệm bánh mì, ngay cả các trung tâm thương mại nổi tiếng như La Fayette, Printemps, BHV hay le Bon Marché tại Paris và nhà hàng của các khách sạn hạng sang cũng đầu tư vào các mẫu mã sôcôla độc đáo với giá dao động từ 10 euro đến gần 100 euro.

Tại Bỉ và tại Pháp, tặng trứng bằng sôcôla trở thành phong tục truyền thống vào sáng Chủ Nhật Phục Sinh. Còn tại Thụy Sĩ, Anh hay Mỹ, biểu tượng của lễ Phục Sinh là chú thỏ. Riêng tại các nước Đông Âu, những quả trứng hay những chú thỏ bằng sôcôla phải được trang trí đầy mầu sắc rực rỡ.

« Về ý nghĩa của trứng Phục Sinh, theo phong tục cổ của người Ai Cập thời xưa, ngày Xuân Phân (ngày 21/03) bắt đầu một năm mới. Bạn bè thường hay trao tặng nhau các quả trứng tô điểm các mầu sắc. Và họ coi đó là một điều tốt lành. Và từ trứng, xuất hiện sự sống. Đó là ý nghĩa của quả trứng.

Ngoài ra, các huyền thoại về tạo dựng Trời và Đất của thời xưa cũng cho rằng Vũ Trụ được sinh ra từ một trái trứng nên trứng là biểu tượng của thiên nhiên, của tái sinh. Vì thế, các Kitô hữu tiên khởi xem trứng như là biểu tượng của sự phục sinh của Chúa Giêsu. Và người Kitô hữu xem vỏ trứng là tượng trưng cho ngôi mộ để tượng niệm phong mộ của Chúa Giêsu.

Còn việc đập vỏ trứng biểu tượng cho sự phục sinh của Ngài từ cõi chết. Từ đó, người ta lấy quả trứng để biểu tượng cho mùa Phục Sinh. Đó là sự đổi mới và chúng ta có thể dùng cách thức đó để cầu chúc cho nhau sự đổi mới và chan hòa sự sống của đức Kitô phục sinh. Đó là ý nghĩa của quả trứng phục sinh ».

Trò chơi tìm trứng Phục Sinh

Lễ Phục Sinh ở Pháp dần trở thành ngày hội của các em nhỏ với trò chơi “tìm trứng” (la chasse aux oeufs). Đây là trò chơi mang tính cộng đồng nhiều hơn là tôn giáo, giúp thắt chặt mối quan hệ trong gia đình hay mở rộng giao lưu giữa các em nhỏ và các bậc phụ huynh. Và điều quan trọng nhất là tất cả mọi người, từ trẻ em đến người lớn, đều có những giây phút thư giãn và vui chơi thoải mái.

Chính vì vậy, lúc đầu trò chơi này thường phổ biến trong phạm vi gia đình và bạn bè. Có nghĩa là, các gia đình có con nhỏ, là bạn cũng trường hay bạn cùng khu phố, cùng nhau tổ chức trò chơi này. Thế nhưng, trong những năm gần đây, trò chơi “tìm trứng” được nhiều thành phố lớn của Pháp tổ chức. Riêng tại thủ đô Paris, có ít nhất khoảng 10 sự kiện với quy mô khá lớn nhân dịp này cùng với sự tham gia của một số khách sạn và cửa hiệu lớn, các hiệp hội hay các khu di tích. Tổ chức Secours populaire cũng tranh thủ ngày lễ Phục Sinh để gây quỹ tổ chức những kỳ nghỉ hè ngắn ngày cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

02:34

KI NIEM TRO CHOI TIM TRUNG CUA BE DAN ANH

Bé Đan Anh, 12 tuổi, sống tại thành phố Bourg la Reine, ở phía nam thủ đô Paris, kể lại với RFI kỷ niệm của em về những lần cùng đi “tìm trứng Phục Sinh” với các bạn.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.