Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Cuba : Chuyến công du của Obama tạo áp lực cải cách ?

Đăng ngày:

Từ ngày 21 đến 22/03/2016, tổng thống Mỹ có chuyến công du « lịch sử » tới Cuba. Chuyến đi này có ảnh hưởng như thế nào tới tình trạng nhân quyền ở Cuba, đặc biệt là khả năng cải tổ chính trị, thiết lập một chế độ dân chủ, đa nguyên ở đảo quốc Trung Mỹ ?

Tổng thống Obama (thứ ba phải sang), cùng gia đình, và chủ tịch Cuba Raul Castro (thứ hai phải sang) xem trận bóng chày giữa đội tuyển Cuba và một đội bóng Mỹ, ngày 22/03/2016.
Tổng thống Obama (thứ ba phải sang), cùng gia đình, và chủ tịch Cuba Raul Castro (thứ hai phải sang) xem trận bóng chày giữa đội tuyển Cuba và một đội bóng Mỹ, ngày 22/03/2016. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Trong khi nhiều người kỳ vọng ở một chuyến đi khẳng định xu hướng xích lại gần nhau « không thể đảo ngược » giữa Cuba – Hoa Kỳ, sẽ thúc đẩy các thay đổi tích cực, thì không ít người dè dặt trước viễn cảnh thay đổi, với lo ngại chính quyền La Habana lợi dụng chuyến đi của tổng thống Mỹ để đánh bóng hình ảnh của một chế độ độc tài đang trong tình trạng bế tắc.

Công du Cuba trong bối cảnh tình hình nhân quyền tại đảo quốc cộng sản liên tục bị lên án là một lựa chọn không dễ dàng với tổng thống Mỹ. Tạp chí tiêu điểm thời sự tuần này xin chuyển tới quý vị một số góc nhìn khác nhau về vấn đề này.

Ngay trước chuyến công du của Barack Obama, từ phía chính quyền Cuba liên tục có các thông điệp khẳng định sẽ không có nhân nhượng nào về chính trị với tổng thống Mỹ (nhật báo Granma của đảng Cộng Sản Cuba, ngày 09/03), « các thay đổi nội bộ tại Cuba sẽ không có trong chương trình đàm phán » (ngoại trưởng Cuba trả lời báo giới ngày 17/03). Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nhấn mạnh đến « nhiều khác biệt lớn giữa hai chính quyền Hoa Kỳ và Cuba về phương diện hệ thống chính trị, nền dân chủ, quyền con người, việc áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế ».

Còn ở bên kia eo biển Florida, rất nhiều chính trị gia đối lập đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ liên tục lên án chính sách sáp gần lại với đảo quốc cộng sản của tổng thống đảng Dân Chủ, và yêu cầu Cuba phải thay đổi chế độ hay đạt được những tiến bộ đáng kể về nhân quyền trước khi Washington chấp nhận bình thường hóa quan hệ.

Chuyến đi của tổng thống Mỹ, được quyết định vào giữa tháng 2/2016, cũng nhận được những phản ứng trái ngược trong nội bộ giới ly khai Cuba. Bà Berta Soler, lãnh đạo phong trào Phụ Nữ Áo Trắng, đòi chính quyền trả tự do cho toàn bộ tù nhân lương tâm, rất bất ngờ với quyết định của tổng thống Mỹ, khi cho rằng trước đó Barack Obama tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận tới Cuba một khi tình hình nhân quyền tại đây được cải thiện. Nhà ly khai nổi tiếng Guillermo Farinas, giải Sakharov của Nghị Viện Châu Âu năm 2010, khẳng định sẽ là « sai lầm » khi Obama chấp nhận đặt mình ngang hàng với lãnh đạo Cuba Raul Castro, « một chủ tịch không được bầu lên bằng con đường dân chủ ».

Tuy nhiên, nhiều nhà ly khai kỳ cựu khác, như ông Manuel Cuesta Morua, lãnh đạo một nhóm chính trị đối lập hay Elizardo Sanchez, chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Cuba – một tổ chức bị chính quyền cấm nhưng nhắm mắt làm ngơ, đặt hy vọng chuyến đi của tổng thống Mỹ sẽ cổ vũ cho sự thức tỉnh của người dân Cuba.

Bình thường hóa buộc chính quyền phải nhận trách nhiệm

Về ý nghĩa của chuyến công du của tổng thống Mỹ với tư cách là một cái mốc quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, nhà xã hội học Mỹ Ted Henken, trường Baruch College, đại học New York, nhận xét trên nhật báo tiếng Tây Ban Nha « El Nuevo Herald » (được tuần báo Le Courrier International số 1324, 17-23/03/2016, dẫn lại với tiêu đề « Cuba. Obama không phải là đấng Cứu thế ») :

« Với chính sách cải thiện quan hệ mới này, Obama đã công khai phủ nhận mục tiêu thay đổi chế độ Cuba và yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận với nước này. Bên cạnh đó, khi nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba và mở sứ quán vào mùa hè năm ngoái, Obama đã hàm ý thừa nhận chủ quyền quốc gia của đảo quốc (cho dù anh em nhà Castro nắm quyền hay không).

Tuy nhiên sự đổi hướng quan trọng trong chính sách của nước Mỹ với Cuba hoàn toàn chỉ là điểm khởi đầu : với việc bãi bỏ cấm vận, chúng ta ngày càng tập trung vào mối quan hệ giữa chính quyền Cuba và người dân của quốc gia này, với thành phần rất đa dạng và đang bị ngược đãi.

Trong khi Washington phải thừa nhận và tôn trọng chủ quyền của dân tộc Cuba để đạt được tình trạng ‘‘bình thường hóa’’ quan hệ với đảo quốc, thì về phần mình, chính quyền La Habana phải thừa nhận chủ quyền quốc gia – giống như bất cứ quốc gia nào khác – cũng cần được dựa trên chủ quyền của mỗi công dân, mà chế độ cộng sản Cuba vốn coi như là các thần dân từ nhiều thập niên nay ».

Cũng về vấn đề này, hãng thông tấn AFP tổng hợp nhận định của nhiều nhà phân tích. Theo đó chuyến đi của tổng thống Mỹ mang lại một sức mạnh biểu tượng lớn, có thể tác động đến chế độ cộng sản, « một cục diện mới sẽ hình thành trong những tháng tới tại đảo quốc, khi chuyến công du của Obama khiến dân chúng càng thêm nghi ngờ về lập trường của chế độ Castro, từ hơn nửa thế kỷ nay tập trung vào những hậu quả của chủ nghĩa đế quốc Mỹ (mà Cuba phải gánh chịu) ».

AFP dẫn lời ông Paul Webster Hare, giảng viên môn quan hệ quốc tế, Đại học Boston, Hoa Kỳ, theo đó, « hiệu ứng quan trọng nhất của chuyến công du của tổng thống Mỹ là khía cạnh gây ngạc nhiên – như kiểu : tôi không tin vào mắt mình - đang xuất hiện », « lối tuyên truyền cách mạng cũ kỹ và việc lên án cấm vận Mỹ như là thủ phạm của mọi cái xấu xa trên đời không còn đủ nữa ». Chuyên gia Mỹ nhận xét : « Chuyến đi này làm lớn lên ở mỗi người dân Cuba niềm hy vọng vào một thay đổi nhanh chóng, và rất cần thiết về phương diện kinh tế và về việc kiểm soát hệ thống quyền lực chính trị, hiện đang trong giai đoạn kiệt sức (…) ».

Khi dân tộc không còn là một đội quân

Một khi cấm vận dần dần được dỡ bỏ, nước Mỹ không còn bị quy kết là kẻ thù, chính quyền Cuba buộc phải đối diện với những chỉ trích của dân chúng. Nhà xã hội học Mỹ Ted Henken đại học New York giải thích :

« Nói một cách khác, để trở thành một quốc gia ‘‘bình thường’’, chính quyền Cuba cần phải thừa nhận ‘‘quyền của những người Cuba khác (bên cạnh những người được coi là trung thành với chế độ)’’. Điều này không phải bởi vì ông Obama hay bất cứ một tổng thống Hoa Kỳ nào đòi hỏi, mà bởi vì chính người dân Cuba đòi hỏi điều này và xứng đáng được như vậy.

Thực sự là, trong lá thư cuối cùng được viết trước khi chết trong một trận chiến chống lại quân đội Tây Ban Nha, nhà tiên phong trong cuộc chiến giành độc lập cho Cuba – người anh hùng Jose Marti - đã mô tả Cuba như là chàng David nhỏ bé chống lại nước Mỹ đế quốc khổng lồ. Tuy nhiên, chính Jose Marti cũng bác bỏ quan điểm của những người lãnh đạo Cuba phi dân chủ thời đó, khi ông viết những dòng dưới đây cho viên tướng Maximo Gomez vào năm 1884 : ‘‘Thưa tướng quân, một dân tộc không thể được lập nên giống như người ta chỉ huy một đội quân’’.

(…) Cho dù chuyến công du của tổng thống Obama có thể giúp một chế độ phi dân chủ tăng thêm uy tín, thì đồng thời nó cũng mang lại cho tổng thống Mỹ một cơ hội chưa từng có, đó là có dịp để nói rõ và nói trực tiếp với nhân dân Cuba cũng như cộng đồng quốc tế rằng : Hoa Kỳ không còn tiếp tục chính sách phong tỏa kinh tế với Cuba và ngăn chặn người Cuba tiếp cận với cuộc cách mạng kỹ thuật số toàn cầu.

Người dân Cuba sẽ hiểu rằng mục tiêu duy nhất của Obama – tổng thống của một đất nước bị coi là ‘‘kẻ thù’’ của nước này – chỉ là mang đến cho họ những chiếc cầu nối về kinh tế, về viễn thông, trong lúc người dân Cuba vẫn còn đang tiếp tục phải sống trong nghèo khó, cô lập, là nạn nhân của tình trạng bị phong tỏa ngay trong nước, vào thời điểm mà chính sách cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ đã bắt đầu từ hơn 14 tháng nay. Thực tế đó sẽ khiến người dân Cuba hiểu ra bản chất thực của chính quyền nước mình. Chính cái chính sách cứng nhắc và độc đoán của tầng lớp lãnh đạo tại Cuba cản trở dân chúng làm việc, để có được một cuộc sống tốt hơn trong hiện tại và tương lai.

Như vậy, điều ngày một trở nên rõ ràng là : giải pháp cho các vấn đề nội bộ của Cuba, vốn rất nhiều và phức tạp, phải xuất phát từ chính dân tộc này, xuất phát từ một cuộc đối thoại giữa người Cuba với nhau ».

Đối thoại chân thành xua bớt nghi ngại

Bà Janette Habel, một chuyên gia hàng đầu về Cuba, Viện nghiên cứu cao cấp về châu Mỹ Latinh (Paris), trong bài trả lời phỏng vấn đài France Culture (ngày 22/03/2016), lưu ý đến không khí nghi ngại Mỹ-Cuba bất chấp những thay đổi nhanh chóng trong quan hệ song phương từ hơn một năm qua :

« Xét về quan điểm chính trị, theo tôi, bất chấp nhiều thay đổi, chế độ hiện hành tại Cuba vẫn còn rất nhiều uy thế đối với dân chúng, đặc biệt do vấn đề chủ quyền quốc gia. Đây là điều mà những người ở bên ngoài thường không hiểu rõ. Chủ quyền quốc gia vẫn là một vấn đề mang tính quyết định. Tổng thống Hoa Kỳ được đón tiếp một cách nồng nhiệt, thậm chí rất tự nhiên, như chúng ta bắt đầu chứng kiến hôm qua, nhưng cùng lúc đó là một thái độ dè dặt, ngại ngùng. Điều này gắn với một thời kỳ lịch sử kéo dài, rất nặng nề, nhiều xung khắc với nước láng giềng khổng lồ phía bắc ».

Trong bài diễn văn trước công chúng Cuba tại nhà hát lớn Alicia-Alonso, thủ đô La Habana, ngày 22/03, với sự chứng kiến của chủ tịch Cuba Raoul Castro, tổng thống Mỹ nhấn mạnh « Cuba không nên sợ nước Mỹ » và ông khẳng định : « tôi tin tưởng các công dân cần được quyền bày tỏ quan điểm riêng của mình mà không phải sợ hãi, được tự do phê phán chính phủ và biểu tình một cách ôn hòa… và các cử tri có thể chọn lựa cho mình ê kíp cầm quyền, qua các cuộc bầu cử tự do và dân chủ ». Phát biểu của Barack Obama được truyền hình nhà nước Cuba trực tiếp phát đi.

Trả lời đài France Info, chủ tịch hiệp hội châu Âu Cuba Tự do, Laurent Muller, hoan hỉ : « Lần đầu tiên tổng thống Obama đã trực tiếp chìa bàn tay với dân chúng Cuba trên đầu của các lãnh đạo, và kêu gọi thiết lập nền dân chủ », « Obama đã lên án sự mất tự do hoàn toàn (…) tình trạng đàn áp liên tục, từ một chế độ toàn trị thực sự. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm nay đã có khoảng 5.000 vụ bắt bớ ».

Trên thực tế, trong phát biểu hướng tới chủ tịch Cuba tại nhà hát lớn La Habana, tổng thống Mỹ cố gắng đưa ra một tiếp cận thẳng thắn và cân bằng. Một mặt khẳng định sứ mạng « chôn vùi tàn tích cuối cùng của thời Chiến tranh lạnh tại châu Mỹ », Hoa Kỳ không có ý định áp đặt các nguyên tắc kinh tế hay chính trị của mình đối với Cuba, và thừa nhận tính chất không hiệu quả của chính sách cấm vận kinh tế kéo dài hàng thập kỷ, mặt khác ông kêu gọi Raul Castro « đừng sợ hãi những tiếng nói của người dân Cuba », dỡ bỏ việc kiểm soát đối với nền kinh tế và để ngỏ cánh cửa cho những quan điểm chính trị khác biệt, và quyền lựa chọn chính trị của người dân (theo New York Times, ngày 23/03/2016).

Để xua tan những định kiến, ngộ nhận, tổng thống Mỹ nhấn mạnh ông đến đây không phải để kêu gọi giới trẻ Cuba lật đổ, mà khuyến khích họ kiến thiết xã hội Cuba. Báo chí cũng thuật lại những phát biểu của tổng thống Barack Obama thừa nhận nhiều mặt trái của xã hội Mỹ, đặc biệt là nạn phân biệt chủng tộc, án tử hình, khi nhắc đến nhận định của cựu lãnh đạo Fidel Castro.

Sau chuyến công du của tổng thống Mỹ da màu, nhiều người Cuba có thể chợt nhận ra, hoặc một lần nữa nhận ra rằng nạn phân biệt chủng tộc không chỉ ở Hoa Kỳ, mà cũng nặng nề tại Cuba, khi người da đen rất ít có cơ hội được tham gia vào bộ máy nhà nước, hay đảm nhiệm những vị trí cao trong xã hội (theo New York Times, ngày 23/03/2016). Nhiều người hiểu rằng chính nền dân chủ Hoa Kỳ là mảnh đất nơi những con người thuộc các thành phần xã hội bị coi là thấp trong xã hội có cơ hội được thăng tiến, mà một ví dụ bằng xương bằng thịt là Barack Obama.

Khả năng cải tổ chính trị rất thấp

Chuyến công du của tổng thống Mỹ diễn ra đúng vào lúc chính quyền Cuba đang chuẩn bị Đại hội lần thứ VII của đảng Cộng Sản, dự kiến diễn ra vào tháng 4/2016. Theo một số nhà quan sát, chọn thời điểm đi Cuba sớm ngay trước thềm sự kiện quan trọng này, tổng thống Barack Obama (bên cạnh việc khẳng định với chính giới Mỹ chính sách bình thường hóa quan hệ với Cuba là không thể trở lui) muốn thúc đẩy chính giới Cuba tăng tốc cải cách.

Về viễn cảnh thay đổi của Cuba trong thời gian tới, trả lời phỏng vấn AFP, ông Jorge Duany, thuộc Viện nghiên cứu Cuba/Cuban Research Institut, đại học Florida, cho rằng khả năng mở cửa kinh tế của quốc gia này chắc chắn sẽ cao, nhưng sẽ không có việc thay đổi chế độ chính trị, khả năng cải cách bầu cử là « rất thấp ». Ông Sebastian Arcos thuộc một viện nghiên cứu quốc tế về Cuba cũng tại Florida ghi nhận (AFP, ngày 13/02) một thực tế là những thành công trong ngoại giao của Cuba hồi năm ngoái đi liền với việc các cải cách trong nước bị đình lại. Bài xã luận của báo Le Monde, ngày 21/03/2016, lo ngại Cuba sẽ chọn con đường « tự do hóa kinh tế », nhưng duy trì hệ thống đàn áp chính trị, như mô hình Trung Quốc.

Về nội tình chính trị Cuba, chuyên gia Janette Habel đưa ra thêm một số nhận xét đáng chú ý khác :

« Phó chủ tịch thứ nhất của Cuba, ông Miguel Mario Díaz-Canel, khoảng 50 tuổi, đã ở cương vị nắm quyền. Ông được coi là người sẽ thay thế Raoul Castro vào năm 2018. Tôi cho rằng điều này sẽ xảy ra. Vấn đề là một trong những mục tiêu chính của Đại hội lần thứ VII của đảng Cộng Sản Cuba sẽ là tách Đảng với Nhà nước. Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử chế độ độc đảng. Vấn đề bây giờ là phân chia vai trò. Từ nửa thế kỷ nay, Fidel Castro rồi Raul Castro cùng một lúc kiểm soát Đảng và Nhà nước. Điều không rõ ràng trong hiện tại là ai sẽ thay thế Raul Castro ở cương vị đứng đầu đảng Cộng Sản ».

(…) Năm 2018, như chúng ta đã nói, sẽ là năm kết thúc của một thế hệ ‘‘làm nên lịch sử’’, một năm mang tính bản lề rất quan trọng. Thế hệ này cho dù có bị phê phán, nhưng vẫn có được nhiều uy tín trong xã hội Cuba, uy tín vốn gắn liền với thời kỳ ‘‘cách mạng’’. Còn kể từ giờ, thế hệ nắm quyền mới phải tạo dựng uy tín trên bình diện định chế quốc gia. Đây là vấn đề đang được thảo luận trong nội bộ đảng và sẽ được thảo luận tại Đại hội tới. Cuba sẽ chọn thể chế nào, hệ thống chính trị nào, các cải cách chính trị nào, hiện tại chúng tôi biết có những quan điểm rất khác nhau. Như vậy, chúng ta đang ở trong tình trạng ‘‘không còn như trước, nhưng cái mới chưa được khẳng định’’. Đây là một tình trạng khá là nhạy cảm đối với chính quyền Cuba ».

***

Quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Hoa Kỳ được cải thiện với tốc độ nhanh chóng từ hơn một năm qua, và điều này ắt hẳn có những tác động tích cực đến một số tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền tại Cuba theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát (xem thêm : Từ Kennedy tới Obama, một nửa thế kỷ liên lạc ngầm với Cuba). Tuy nhiên để đi đến được một xã hội dân chủ, cởi mở, tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân, đặc biệt là quyền tự quyết về chính trị, chắc chắn Cuba sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Tại Đông Nam Á, Miến Điện - quốc gia vốn từng nằm dưới sự thống trị của tầng lớp quân phiệt - đã phần nào hoàn tất lộ trình đầy chông gai và bất trắc này trong khoảng thời gian 6 năm, với các nỗ lực theo dõi sát sao của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, trong đó vai trò quyết định vẫn là sự trỗi dậy của người dân, của xã hội dân sự trong nước và khả năng duy trì đối thoại giữa chính quyền và đối lập (xem thêm : Lớp kế thừa tập đoàn quân sự Miến Điện chấp nhận đổi mới chính trị).

Tin bài khác

Chính sách xuyên suốt của Barack Obama : Đối thoại hiệu quả hơn quân sự

Cuba cộng sản đón tiếp Đức Giáo hoàng « tả khuynh »

Tổng thống Mỹ khởi đầu chuyến thăm lịch sử Cuba sau hơn nửa thế kỷ đối đầu

Cuba-Mỹ: Obama còn nổi tiếng hơn cả anh em Castro

Tổng thống Mỹ và Rolling Stones, hai "ác quỷ" được chào đón tại Cuba

Dư luận Mỹ đa phần đánh giá cao chuyến thăm Cuba của Obama  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.