Vào nội dung chính
MỸ - CUBA - NGOẠI GIAO

Tổng thống Mỹ và Rolling Stones, hai "ác quỷ" được chào đón tại Cuba

Người dân Cuba vẫn chưa tin được : đất nước họ, quốc gia cộng sản duy nhất tại châu Mỹ, tiếp đón vị tổng thổng Mỹ đương nhiệm đầu tiên kể từ 88 năm qua, từ ngày 20-23/03/2016, và chỉ một ngày sau đó, là ban nhạc rock The Rolling Stones đến biểu diễn ngày 25/03. Đây là hai "ác quỷ" mà đất nước cộng sản ra sức chiến đấu trong vòng nhiều thập kỷ qua.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình cùng xem một trận bóng chày tại thủ đô La Habana, 22/03/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình cùng xem một trận bóng chày tại thủ đô La Habana, 22/03/2016. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Từ khi Cuba và Hoa Kỳ thông báo xích lại gần nhau vào cuối năm 2014, cụm từ "lịch sử" được nhắc lại thường xuyên trên các phương tiện truyền thông để miêu tả quá trình mở cửa chính trị và kinh tế diễn ra chậm chạp trên hòn đảo.

Theo nhiều nhà quan sát, đất nước thực sự chuyển sang một trang sử mới vào tuần này với chuyến công du của tổng thống Mỹ Obama. Đây là cuộc gặp gỡ thứ hai giữa nguyên thủ của hai nước Cuba và Hoa Kỳ sau kỳ họp thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama vào năm 2015.

Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù thời Chiến Tranh Lạnh vẫn bị tạm ngưng do Quốc Hội lưỡng viện Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế được áp dụng với đảo quốc từ năm 1962.

Đạo diễn kiêm blogger người Cuba Eduardo del Llano phát biểu với AFP : « Chúng tôi hy vọng quý nào cũng có một tháng Ba như này, vì đây đúng là sự kiện lịch sử khi một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới La Habana, hơn nữa lại là một vị tổng thống như ông Obama, người luôn cởi mở với Cuba ».

Nhạc rock, vũ khí của đế quốc Mỹ

Chỉ một ngày sau chuyến công du của người đứng đầu Nhà Trắng kết thúc, ban nhạc rock Anh nổi tiếng The Rolling Stones có một buổi biểu diễn miễn phí vào ngày 25/03 tại La Habana. Nhóm nhạc rock huyền thoại bị chính quyền cộng sản Cuba kiểm duyệt một thời gian trong thập niên 1970.

Không chỉ cấm mỗi ban nhạc The Rolling Stones, mà bất kỳ ca sĩ nào hát bằng tiếng Anh cũng bị quy là vũ khí của "đế quốc Mỹ". Guillermo Vilar, biệt danh « Guille », giám đốc một chương trình phát thanh nhạc rock, giải thích với phóng viên của AFP : « Cuba loại bỏ nhạc rock vì nhạc rock xuất phát từ Mỹ và đất nước này lại có thái độ thù nghịch đối với hòn đảo ».

Dù không có bất kỳ sắc lệnh nào cấm đích danh nhạc rock bằng tiếng Anh, nhưng người dân Cuba vẫn nhớ vào thời kỳ đó phải cắm tai nghe trong nhà để nghe lén nhạc của The Beatles hay The Rolling Stones hay được giấu giếm truyền tay nhau. Loại nhạc này dần được "nương tay" cho đến khi được phát trên các phương tiện truyền thông Nhà nước vào thập kỷ vừa qua. Thậm chí, cựu chủ tịch Fidel Castro công khai xin lỗi vì đã kiểm duyệt nhạc rock.

Về phần mình, Mick Jagger đã đến Cuba vào tháng 10/2015 và đã tham dự một buổi trình diễn nhạc timba (thể loại nhạc gần với salsa) của nhóm Bamboleo ở La Habana.

Tuy nhiên, việc Cuba mở cửa trở thành chủ đề tranh cãi về tương lai của hòn đảo. Đạo diễn Eduardo del Llano lo ngại : « Về lâu dài, cần phải đặt câu hỏi : Liệu chúng tôi không phải đang trở thành một công viên giải trí về chủ nghĩa cộng sản hay sao ? Nơi người ta tới để xem di tích của một quá khứ xa xôi và chúng tôi phải cải trang để thu hút khách du lịch ? » 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.