Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - KHỦNG BỐ

Daech tấn công "tám phương bốn hướng"

Lại thêm một lần nữa châu Âu và thế giới rúng động trước loạt đánh bom khủng bố diễn ra ngày 22/03/2016 tại sân bay quốc tế và tại trạm tàu điện ngầm của Bruxelles, Bỉ. Các báo Pháp ra ngày 23/03 dành khá nhiều giấy mực về đề tài liên quan đến khủng bố. Libération có bài viết với tựa : « Những vụ tấn công bốn phương tám hướng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo »

Quảng trường La Bourse, Bruxelles: Người dân đặt nến tưởng niệm các nạn nhân sau loạt khủng bốngày 23/03/2016.
Quảng trường La Bourse, Bruxelles: Người dân đặt nến tưởng niệm các nạn nhân sau loạt khủng bốngày 23/03/2016. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Hình ảnh minh họa cho bài viết khiến ai cũng phải xót xa : một con phố tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) xơ xác sau vụ tấn công ngày 19/03/2016, với những người bị thương đầy máu me vẫn đang nằm ngổn ngang trên hè phố và chờ được hỗ trợ y tế.

Bài viết đề cập đến việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, sau khi gặp nhiều khó khăn, thậm chí thất bại ở Syria và Irak do bị liên minh quốc tế tấn công, đã tiến hành liên tiếp các vụ đánh bom khủng bố hoặc tấn công tại nhiều nước trên thế giới.

Tác giả bài viết tổng kết sơ qua các vụ tấn công, số người chết hoặc bị thương do khủng bố từ ba năm trở lại đây trên toàn thế giới. Những con số khiến nhiều người phải bàng hoàng : năm 2014 với gần 33.000 người chết, tức là tăng gần gấp đôi năm trước đó ; năm 2015 với những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris ; và mới đầu năm 2016 cũng đã có nhiều thiệt hại về người và của.

Tác giả lật ngược dòng thời gian với các vụ tấn công mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự nhận trách nhiệm. Ngay hôm qua, tại Bruxelles là vụ tấn công kép : một vụ tại sân bay quốc tế Zaventem và một vụ tại ga điện ngầm Maalbeek. Vào thứ Hai ngày 21/03/2016 là vụ tấn công phái đoàn quân sự của Liên Hiệp Châu Âu tại Bamako (Mali). Tuần trước, thứ Bảy ngày 19/03/2016 là vụ tấn công tự sát trên con phố buôn bán sầm uất đông người đi bộ tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Xa hơn, vào ngày 13/03/2016 là vụ xả súng của ba người đàn ông trên bãi biển Grand-Bassam tại Côte-d’Ivoire (Bờ Biển Ngà). Đó là chưa kể đến các vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại Ai Cập, Indonesia và Tunisia.

Tác giả bài viết nhận định : « Nếu các hình thức tiến hành có khác nhau thì những cuộc tấn công này đều có điểm chung, đó là đều do Al-Qaeda hoặc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thực hiện ». Chính sách chung của những tổ chức khủng bố này là tấn công bất kể ở nơi nào, từ châu Âu tới châu Á hay ở Trung Đông, với các kỹ thuật khá đa dạng : đặt bom tự chế trong máy bay của Nga cất cánh từ Ai Cập, hay gửi các nhóm thành phần Hồi Giáo cực đoan để xả súng AK trước khi tiến hành các vụ nổ bom tự sát tại trung tâm thủ đô một số nước châu Âu.

Bên cạnh tấm bản đồ các vùng đất mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã và đang có mặt, bài báo nhận định rằng các vùng đất do các nhóm Hồi Giáo cực đoan chiếm đóng cũng đang dần bị thu hẹp. Lực lượng này cũng ngày càng suy yếu về khả năng quân sự, cũng như ngân sách tài chính. Tuy nhiên, các nhóm này vẫn không ngừng tiến hành các cuộc tấn công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Châu Âu tiếp tục oằn mình gánh bom

Trang nhất của các báo Pháp đều bao trùm một màu sắc tang thương sau vụ đánh bom khủng bố ngày 22/03 tại Bruxelles, Bỉ, với ít nhất 30 người chết và hơn 200 người bị thương.

Báo Le Monde để độc giả chứng kiến cảnh tan hoang của sân bay quốc tế Bruxelles-Zaventem sau vụ đánh bom và ngay phía dưới là hình ảnh minh họa một người dân Pháp và một người Bỉ đang khoác vai động viên lẫn nhau sau sự kiện khủng khiếp 13/11 tại Paris và 22/03 tại Bruxelles.

Báo Les Echos chọn đăng trên trang nhất hình ảnh người dân Bỉ nhốn nháo và hoảng loạn trong bến tàu điện ngầm Maalbeek với dòng tựa « Châu Âu bị tấn công ». Còn báo Le Figaro thì chọn đăng tấm ảnh bên ngoài của sân bay Bruxelles vẫn đang bị những cột khói đen khổng lồ bao trùm và lẫn trong đó là một người bị thương nặng đang được những người dân khác hỗ trợ, và chạy tựa « Trung tâm của châu Âu bị đánh bom ».

Báo La Croix thì gói gọn bài viết với tựa « Cú sốc », cùng hình ảnh những người dân sau khi được sơ tán khỏi khu vực bị đánh bom ở sân bay, đôi mắt vẫn nhắm nghiền, bàng hoàng tột độ.

Đây chắc hẳn không chỉ là cú sốc của riêng người dân Bỉ mà là của cả châu Âu và thế giới. Bởi lẽ đó, các nhật báo Pháp dành rất nhiều thời gian và bài viết để nói về loạt khủng bố diễn ra tại Bruxelles, cũng như hậu quả và thiệt hại do vụ tấn công kép gây ra.

Bên cạnh đó, các nhật báo cũng đưa tin rằng lực lượng an ninh tại tất cả các nhà ga và sân bay tại châu Âu đều được tăng cường đáng kể. Tại thủ đô Paris và các vùng phụ cận, tất cả các bến tàu điện ngầm, nhà ga xe lửa hay sân bay đều được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng an ninh và vẫn luôn nằm trong sự cảnh giác ở mức cao nhất.

Quan hệ Mỹ-Cuba chưa thể thay đổi một sớm một chiều

Ngoài chủ đề liên quan đến đánh bom khủng bố, báo chí Pháp ra hôm nay cũng dành thời gian cho chuyến viếng thăm lịch sử của tổng thống Mỹ Obama tới quốc đảo Cuba từ hôm Chủ nhật 20/03/2016. Mỗi tờ báo chọn đăng các hình ảnh hay các bài phân tích liên quan đến chuyến thăm lịch sử này một cách khác nhau.

Nhật báo Le Monde đăng bài viết với tựa : « Giữa Obama và Castro, hòa bình không mấy dạt dào ». Bài viết nhận định rằng sự xích lại gần nhau giữa hai quốc gia này vẫn chưa thể lấp đầy được những khác biệt về khái niệm dân chủ và nhân quyền giữa hai bên.

Trong khi đó, nhật báo Le Figaro có bài viết « Obama đang chôn vùi Chiến Tranh Lạnh tại Cuba ». Bài viết đề cập khá chi tiết các nội dung trao đổi giữa hai nguyên thủ và kết thúc với lời phát biểu của tổng thống Mỹ Obama « Sau gần hơn năm thập kỉ vô cùng khó khăn, mối quan hệ giữa hai chính phủ chúng ta sẽ không thể thay đổi ngay một sớm một chiều được ».

Còn báo Libération thì có bài viết có dòng tựa khá hóm hỉnh : « Obama bắt tay người dân Cuba và bẻ tay Castro ». Trên tấm hình minh họa của bài viết, độc giả có thể nhìn thấy rõ hình ảnh của vị lãnh đạo Cuba Castro đang nắm lấy cổ tay trái của người đồng nhiệm Mỹ Obama và giơ lên, « giống như cử chỉ của vị trọng tài trong một trận đấu boxe », theo liên tưởng hóm hỉnh của Libération. Liên quan đến cử chỉ này, nhật báo này cũng bình luận đây là « một hành động khó hiểu » của ông Castro.

Bài viết cũng nêu bật những phát biểu của ông Obama khiến người dân Cuba rất hài lòng, như : « Tương lai của người dân Cuba nằm trong tay của chính người dân Cuba ». Ông cũng không ngại nhấn mạnh với người dân nơi đây quan điểm của mình : « Tôi nghĩ rằng tất cả công dân phải được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không phải sợ sệt gì cả, phải được phép đưa ra nhận xét về chính phủ của họ và được phép biểu tình ôn hòa. Tôi cho rằng các cử tri phải được lựa chọn chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và dân chủ ».

Nữ phi công Ukraina và bản án đầy tranh cãi

Liên quan đến số phận của nữ phi công người Ukraina mà thời gian qua thường xuyên được báo chí nhắc đến như một nữ anh hùng của đất nước này, nhật báo Le Figaro đưa thêm tin chi tiết.

Nadia Savtchenko, phi công người Ukraina, đã bị Nga tuyên án 22 năm tù về tội đồng lõa trong vụ giết chết hai nhà báo Nga. Trong khi đó, cô vẫn luôn khẳng định vô tội. Đích thân tổng thống Ukraina đã đề xuất việc trả tự do cho công dân của mình, đổi lại, ông sẽ trả lại cho phía Nga hai tù nhân đang bị Ukraina giam giữ.

Apple với Iphone SE vừa mới, vừa rẻ

Trên lĩnh vực công nghệ, phụ trang kinh tế của nhật báo Le Monde có bài viết với tựa : « Apple tìm được lời giải cho mình bằng việc cho ra đời Iphone rẻ hơn trước ».

Bài báo cho biết, tập đoàn Apple mới đây đã giới thiệu chiếc Iphone SE, tuy rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo hầu hết các chức năng như của Iphone 6. Điều đáng nói ở đây là về giá cả. Cụ thể iphone SE 16 giga tại Pháp, chưa tính thuê bảo thì vào khoảng 489 euro (399 đô la ở Mỹ), tức là ít hơn Iphone 6, đời mới nhất cũng của hãng này là 150 euro.

Thanh thiếu niên cần được lắng nghe hơn

Trên nhật báo công giáo La Croix ra hôm nay, có một bài viết khá thu hút các bậc phụ huynh, liên quan đến cách xử lý đối với trường hợp con cái đang trong độ tuổi thiếu niên và gặp phải những vấn đề tâm lý.

Thông qua một ví dụ cụ thể về các hoạt động của « ngôi nhà dành cho thanh thiếu niên » tại thành phố Rouen của Pháp, tác giả nhận định rằng việc tạo cho con cái có cơ hội bày tỏ cảm xúc thông qua những cuộc trò chuyện, hay thông qua các hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo của các em là rất quan trọng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng đang rất cần những nơi mà họ có thể được lắng nghe hoặc chia sẻ quan điểm trong cách giáo dục con cái.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.