Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Bệnh loãng xương : Nguyên nhân và cách đề phòng

Đăng ngày:

Loãng xương là một bệnh lý liên quan đến hiện tượng suy giảm mật độ xương, dẫn đến hệ quả là xương dễ bị vỡ và làm tăng nguy cơ gãy xương. Chứng bệnh phát triển cùng với tuổi tác và chủ yếu ở phụ nữ, nhất là sau thời kỳ mãn kinh. Căn bệnh cũng đôi khi xuất hiện ở nam giới sau 65 tuổi. 

Hình minh họa miêu tả tư thế đứng bình thường và bệnh loãng xương.
Hình minh họa miêu tả tư thế đứng bình thường và bệnh loãng xương. CC / Blausen.com staff
Quảng cáo

Để hiểu rõ hơn về chứng bệnh khá phổ biến này, nhưng ít được đề phòng, RFI Việt ngữ có buổi trao đổi với giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, trường đại học Y khoa Garvan, tại Úc.

RFI : Trước hết, giáo sư có thể giải thích đôi chút bệnh loãng xương là gì? Các triệu chứng để nhận dạng là gì?

GS. Nguyễn Văn Tuấn : Đầu tiên cần phải hiểu đôi chút căn bản về xương. Xương của của chúng ta biến chuyển theo độ tuổi. Thường thường ở độ tuổi thiếu niên, mật độ xương của chúng ta tăng rất nhanh. Đến độ tuổi 20-30, xương đã đạt ở mức độ tối đa, gọi là mức độ đỉnh. Đến độ tuổi khoảng 40, xương bắt đầu giảm chút xíu. Rồi khi vào tuổi 50, tức khi phụ nữ ở vào độ tuổi sau mãn kinh, mật độ xương giảm rất là nhanh.

Loãng xương là một dạng bệnh lý mà đặc điểm của nó là có mật độ xương bị suy giảm so với lúc ở độ tuổi 20-30. Khi mật độ xương bị suy giảm, cấu trúc của xương, cũng bị suy thoái, hay thoái hóa dẫn đến sự gia tăng nguy cơ gãy xương cho một cá nhân.

Loãng xương không có triệu chứng. Đó mới là điều đáng sợ. Người ta hay mệnh danh loãng xương là một bệnh âm thầm, hiểu theo nghĩa là bệnh nhân bị gãy xương, thì lúc đó mình mới biết là bị loãng xương. Do đó, việc nhận dạng ra những cá nhân có nguy cơ cao, đang là hướng nghiên cứu sâu và rất là tích cực hiện nay trên thế giới.

RFI : Giáo sư có thể giải thích rõ hơn là "gãy xương" như thế nào mới được xem là triệu chứng của bệnh loãng xương?

GS. Nguyễn Văn Tuấn : Tức là dạng gãy xương bệnh lý. Ví dụ, tự nhiên, một ngày bị cảm, mình ho, và bị gãy xương, tức là bị gãy xương sườn. Tức là chỉ cần một cái hắt hơi, cũng gãy xương sườn. Hay là, khi đi cầu thang, chỉ bị trượt chân nhẹ, té rồi cũng bị gãy xương. Thường những người té như vậy họ bị gãy cổ xương đùi. 90-95% những người bị gãy cổ xương đùi, là do té ngã. Những trường hợp như vậy mới được xem như là gãy xương do loãng xương.

RFI : Bệnh loãng xương có những cấp độ nào?

GS. Nguyễn Văn Tuấn : Theo định nghĩa hiện nay của tổ chức Y Tế Thế Giới, người ta dùng giá trị của mật độ xương để tính ra các chỉ số, được gọi là chỉ số T. Bệnh loãng xương được định nghĩa khi chỉ số T < -2.5, được coi như là cấp 1 ; T<-3 hay -3.5 gọi là cấp 2 ; nếu mật độ xương thấp hơn nữa cộng thêm tiền sử bị gãy xương được coi là ở cấp độ 3. Đây được xem là cấp độ nguy hiểm cần phải được điều trị. Thậm chí ngay từ cấp độ 1 đã xem xét cho điều trị. Đó là các phân loại bệnh loãng xương dựa vào chỉ số T để điều trị.

RFI : Đâu là các tác nhân gây bệnh? Các đối tượng nào dễ mắc chứng bệnh này?

GS. Nguyễn Văn Tuấn : Cách đây 30 năm, nhiều nghiên cứu khoa học vẫn chưa biết được các yếu tố nguy cơ cũng như các tác nhân gây bệnh. Với sự tiến bộ của khoa học, hai mươi năm sau, các nhà khoa học biết được nhiều điều về bệnh loãng xương. Theo tôi có thể có 4 nhóm tác nhân có liên quan đến loãng xương.

Nhóm thứ nhất là do suy giảm hóc-môn dục tính, đặc biệt là hóc-môn oestrogien ở nữ. Bởi vì, sau thời kỳ mãn kinh, cơ thể người nữ không còn sản xuất ra hóc-môn oestrogien nữa. Nhưng hóc-môn đó rất quan trọng cho việc duy trì cũng như là phát triển xương. Và khi không còn hóc-môn đó nữa thì nó làm giảm mật độ xương.

Yếu tố thứ hai là do di truyền. Hiểu theo nghĩa là khi trong gia đình mình có mẹ từng bị gãy xương thì con gái cũng có nguy cơ gãy xương tăng theo độ tuổi. Nói tóm lại, nếu người thân trong gia đình của mình, người thân ở đây là cha mẹ hoặc là anh chị em có tiền sử gãy xương, thì đó cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng.

Nhóm yếu tố thứ ba có liên quan đến lối sống. Lối sống ở đây hiểu theo nghĩa là thiếu lành mạnh : hút thuốc lá hay bia rượu một cách thái quá, đặc biệt là hút thuốc lá, một trong những yếu tố gây ra loãng xương rất mạnh ở những người cao tuổi.

Nhóm thứ tư có liên quan đến cách luyện tập thể dục. Xương của chúng ta đáp ứng theo thể lực. Nếu chúng ta thường xuyên luyện tập thể lực, thể dục, như bơi lội, đi bộ chừng 30 phút mỗi ngày chẳng hạn, thì điều đó rất là quan trọng. Bởi vì, chúng giúp cho xương chúng ta đáp ứng và làm quen các kiểu vận động, và giúp cho mình duy trì được một bộ xương tốt.

Ngoài bốn yếu tố đó ra, có thể còn có một yếu tố khác, liên quan đến lượng canxi và vitamine D. Những ai bị thiếu canxi hay vitamine D, thường thường là những người có nguy cơ loãng xương rất cao.

RFI : Liệu chúng ta có những biện pháp gì để đề phòng và điều trị hay không?

GS. Nguyễn Văn Tuấn: Trong loãng xương, chúng tôi phân biệt hai biện pháp. Thứ nhất là điều trị và cái thứ hai là phòng ngừa. Nhưng chúng tôi nghiêng về biện pháp phòng ngừa nhiều hơn. Khi đã biết rõ các yếu tố nguy cơ rồi, như thiếu canxi, vitamin D, thiếu vận động thể lực…, tức là những yếu tố nằm trong tầm tay, nghĩa là mình có thể tự phòng ngừa bệnh, theo các chuyên gia về loãng xương, khuyến khích chúng ta nên luyện tập thể lực, mỗi ngày, như bơi lội, đi bộ chừng 30 phút mỗi ngày.

Thứ hai, nếu có hút thuốc lá, hay dùng bia rượu quá nhiều thì nên hạn chế, nếu bỏ được càng tốt. Thứ ba, nên cải thiện chế độ ăn uống của mình sao cho có đầy đủ canxi. Và nếu được thì nên phơi nắng khoảng mười phút đến hai chục phút mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi sáng để có đủ vitamin D và xương của mình được chắc chắn hơn. Đó là một số biện pháp phòng ngừa được giới chuyên gia khuyến cáo.

Còn về điều trị gần đây có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh loãng xương. Chúng được chia thành hai loại : Một loại giúp tăng khả năng tạo xương, làm tăng tế bào tạo xương và loại thứ hai, ức chế quá trình hủy xương. Nhìn chung các loại thuốc này cũng rất có hiệu quả, làm giảm nguy cơ gãy xương từ 30-40%, thậm chí có loại giúp giảm đến 50%. Nhưng việc dùng thuốc để điều trị chỉ là giải pháp sau cùng.

Thứ nhất là tốn kém, thứ hai là nếu dùng trong thời gian dài có nguy cơ gây ra những biến chứng không tốt. Do đó, phòng ngừa vẫn là biện pháp được khuyến cáo nhất hiện nay. Khi ở trong tình trạng nặng, tất nhiên phải điều trị, bởi vì nếu không điều trị, bệnh nhân sẽ gặp nhiều vấn đề khác mà không ai muốn để họ phải trải qua cả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.