Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về di dân, Đức lại dắt mũi châu Âu

Dù bị sự kiện bắt sống Salah Abdeslam làm lu mờ, nhưng hồ sơ khủng hoảng di dân với thỏa thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được hôm qua tại Bruxelles vẫn là quan tâm lớn của các báo Pháp ngày cuối tuần 19/03/2016.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đến dự thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người nhập cư, Bruxelles ngày 17/3/2016.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đến dự thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người nhập cư, Bruxelles ngày 17/3/2016. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Hôm qua, sau các cuộc đàm phán khá vất vả, một thỏa thuận nhằm ngăn chặn làn sóng di dân đổ vào châu Âu đã được ký giữa Bruxelles và Ankara. Nội dung cơ bản của thỏa thuận là kể từ ngày mai (20/3), di dân tị nạn đến các đảo của Hy Lạp sẽ bị đưa trả ngay về Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, ngoài khoản tiền hỗ trợ 3 tỷ euro, Liên Hiệp Châu Âu cho miễn visa nhập cảnh đối với kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời hứa khởi động lại tiến trình thương lượng để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Như vậy là theo Le Figaro, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc châu Âu phải trả giá cho sự gánh vác cuộc khủng hoảng di dân. Trong khi đó Libération thì nhận định không úp mở rằng đó là « thỏa thuận xấu hổ » bởi vì theo tờ báo thì như vậy 28 nước trong Liên Hiệp đã từ bỏ quyền cư trú tị nạn, một quyền con người được ghi nhận trong Công ước quốc tế.

Libération chú ý đặc biệt đến vai trò của Đức trong thỏa thuận vừa đạt được. Tờ báo ghi nhận, trước sự im lặng của tổng thống Pháp François Hollande về người tị nạn, thủ tướng Đức Angela Merkel đã một mình soạn thảo thỏa thuận, dắt mũi cả Liên Hiệp.

Trong một bài phân tích mang tiêu đề : « Đức mặc nhiên dẫn dắt châu Âu », Libération viết : « Cuộc khủng hoảng tị nạn đã khẳng định vai trò thống trị của Berlin trong Liên Hiệp Châu Âu, luôn chia rẽ và bất lực. Lâu nay vốn được coi là thủ lĩnh trong lĩnh vực kinh tế, giờ đây Đức lại trở thành thủ lĩnh chính trị và cả đạo đức ».

Tờ báo nhắc lại, chỉ mới mùa hè vừa qua thôi, chính bà Merkel là người đã kích thích làn sóng người tị nạn Syria ùn ùn đổ về châu Âu khi bà khẳng định quyết tâm đón nhận người tị nạn, nhân danh các giá trị nhân đạo của châu Âu. Đến khi làn sóng di dân trở nên quá tải, lại vẫn chính bà Merkel, gần như đơn độc, năng nổ tìm giải pháp cho một cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ làm phá vỡ không gian Schengen và xa hơn nữa là làm tan rã cả khối.

Giờ đây khi cả châu Âu bất lực trước khủng hoảng di dân, thủ tướng Đức lại là người chủ động đưa 28 nước tới một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết hồ sơ khủng hoảng một cách rất thực dụng. Lý giải cho vai trò chủ đạo của Đức trong khủng hoảng tị nạn là vì các nước trong Liên Hiệp không thống nhất, ngay cả Pháp, cặp bài trùng của Đức trong việc giải quyết các vấn đề chung, cũng tỏ ra mờ nhạt.

Ở trong nước, cuộc khủng hoảng nhập cư đã làm cho uy tín của thủ tướng Angela Merkel sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo đà gia tăng của các đảng phái cực hữu bài ngoại, một tiền lệ rất xấu mà nước Đức luôn tránh bởi vết nhơ của quá khứ phát-xít. Vì thế Đức buộc phải xem xét lại chính sách đón nhận người tị nạn. Nhưng trong một Liên Hiệp Châu Âu không ai nghe ai, Đức một lần nữa lại một mình tự quyết vấn đề mà các nước trong Liên Hiệp muốn né tránh trách nhiệm.

Cũng liên quan đến thỏa thuận EU và Thổ Nhĩ Kỳ, trang quốc tế báo Le Monde chú ý đến vấn đề nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ với ghi nhận : Ankara đang mạnh tay tấn công vào báo chí và các luật sư. Việc vi phạm các quyền tự do đó không khỏi gây lúng túng cho châu Âu khi đặt bút ký thỏa thuận về người tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng đang trong thế mạnh, Ankara vẫn áp đặt được các điều kiện cho châu Âu chứ không phải ngược lại. Như vậy là chính châu Âu đang xích lại gần Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc mà nước này đang xa rời các giá trị của châu Âu về tự do báo chí, nhân quyền….

Pháp thở phào với vụ bắt sống Salah Abdeslam

Thông tin nghi phạm cuối cùng của loạt vụ khủng bố Paris hôm 13/11, Salah Abdeslam bị bắt giữ chiều qua tại khu Molenbeek, Bỉ sau 4 tháng lẩn trốn, đã chiếm trang nhất các tờ báo Pháp ra hôm nay. Nhật báo Libération chạy tựa : « Salah Abdeslam bị tóm ». Tờ báo dành bốn trang cho sự kiện mà không chỉ nước Pháp mà cả châu Âu rất quan tâm này. « Nỗi kinh hoàng của Paris kết thúc tại Bruxelles », Liberation như trút thở phào nhẹ nhõm.

Nhật báo Le Parisien cũng chạy tựa một cách súc tích nhất có thể « Bị bắt sống » trên trang nhất cùng bức ảnh cảnh sát Bỉ đang bắt giữ một nghi phạm mặc đồ trắng được cho là Salah Abdeslam, kẻ bị săn lùng gắt gao nhất châu Âu.

Vẫn trên một bức ảnh tương tự tại hiện trường cuộc truy bắt chiều qua tại Mokenbek, Bỉ, nhật báo Le Figaro chạy hàng tựa : « Abdeslam bị bắt : Một thắng lợi chống khủng bố ». Tất nhiên đó là « thắng lợi » nhưng Le Figaro vẫn khẳng định « trận chiến chống khủng bố tiếp tục ». Xã luận tờ báo nhận định « cho dù coi việc bắt giữ nghi phạm cuối cùng của vụ khủng bố Paris là một thắng lợi, thế nhưng cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn rất lâu mới kết thúc ».

Le Figaro tỏ hài lòng ghi nhận, vụ bắt sống Salah Abdeslam là « phần thưởng cho công việc bền bỉ và khó khăn của lực lượng an ninh và tình báo, hai ngành vốn vẫn bị coi là không phối hợp tốt được với nhau bao giờ. Các nhân viên Pháp và Bỉ bắt tay nhau và họ đã chứng minh ngược lại ». Tờ báo hy vọng phiên tòa xử Salah Abdeslam « chắc chắn sẽ giúp hiểu thêm được nhiều điều về những kẻ Hồi giáo cực đoan cuồng tín, được trang bị đầy đủ vũ khí, có tổ chức và rất quyết tâm này ».

Tờ báo cũng khẳng định với việc Abdaslam hành động ở Paris hôm 13/11/2015 rồi quay trở lại Bỉ, lẩn trốn suốt 4 tháng trời trong sự săn tìm gắt gao của cả châu Âu thì điều đó chứng tỏ những kẻ khủng bố giờ đây không còn là « những con sói đơn độc » mà trái lại chúng có một "hậu cứ vững mạnh giúp chuẩn bị phạm tội, hoàn thành tội ác rồi che giấu tội phạm".

Dù hầu hết đều đón nhận thông tin vụ bắt giữ Abeslam như là một thắng lợi, nhưng các báo cũng không khỏi băn khoăn với nhiều câu hỏi : làm sao mà một kẻ bị săn lùng ráo riết nhất nước Pháp, châu Âu thậm chí cả thế giới , lại có thể thoát khỏi cuộc truy lùng trên quy mô lớn như vậy suốt 4 tháng trời? Vụ bắt giữ này có phải là kết quả của một quá trình điều tra kỹ lưỡng hay chỉ là ăn may ? Salah Abdeslam đã làm gì từ ngày 14/11 đến ngày 18/3 ? Những nghi phạm nào trong vụ này đang còn lẩn trốn ?

Chính trường Brazil chao đảo vì tham nhũng

Tiếp tục mục điểm báo với tuần báo L’Obs. Tờ báo đề cập đến thời sự chính trường Brazil đang nóng bỏng. Bê bối tham nhũng ở tập đoàn dầu lửa Petrobras đang làm đổ sụp ngôi nhà Brazil, đó là nhận định của l’Obs.

Tuần báo cho biết, người dân Brazil trong những ngày qua liên tục xuống đường tố cáo tệ nạn tham nhũng đang làm bại hoại nền chính trị và suy sụp kinh tế đất nước. Tâm điểm của khủng hoảng là tập đoàn dầu lửa khổng lồ Petrobras đang rơi vào tầm ngắm của tư pháp. Tệ hại hơn, cả cựu tổng thống Lula và người kế nhiệm ông là bà Dilma Rousseff cũng đang cuốn vào vòng xoáy của vụ bê bối.

Tờ báo cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế đang được nhân lên gấp đôi bằng cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở đất nước. Nguyên nhân bắt nguồn từ một đại công ty, Petrobras, không chỉ là tập đoàn lớn nhất Brazil mà còn nhất Nam Mỹ. Tờ báo đặt câu hỏi : Làm sao mà một tập đoàn lớn lại có thể làm suy sụp nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới ?

Câu trả lời là một câu chuyện dài phức tạp nhưng có thể tóm tắt bằng vài cụm từ mô tả hoạt động của công ty : đấu thầu gian lận, đội giá thành, rót tiền mờ ám cho các đảng phái chính trị…. Ngắn gọn hơn gọi là tham nhũng và tất nhiên đứng đằng sau đó là một số chính khách trong chính phủ hiện nay cũng như tiền nhiệm mà nhân vật trung tâm hiện nay là hai vị cựu và đương kim tổng thống.

Người Hàn ham đọc sách nhất thế giới

Chuyển qua với tuần báo l’Express đến với trang văn hóa, tờ báo có bài « Triều Tiên, xứ sở của những người có học thức ».

Nhân sự kiện từ ngày 17 đến 20 tháng 3 này, 30 tác giả Hàn Quốc được mời là khách đặc biệt tham gia triển lãm sách tại Paris. L’Express có bài phỏng vấn chuyên gia về văn hóa Hàn Quốc Martine Prost. Bà giới thiệu Triều Tiên là một đất nước châu Á có truyền thống sâu đậm. Với người Hàn Quốc thì tiêu chí tuổi tác được đặt lên hàng đầu. Người lớn tuổi phải được tôn trọng, một biểu hiện của sự tôn trọng đó là không được đặt người lớn tuổi hơn mình vào việc đã rồi.

Trong gia đình người ông được xếp ở vị trí thứ bậc cao nhất, phải là người được biết tất cả, là tất cả và là người che chở cả gia đình. Tuy vậy, theo bà Martine Prost, mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ đã có nhiều thay đổi cùng với quá trình dân chủ hóa xã hội vào thập niên 1980. Người chồng vẫn giữ vai trò là người quan hệ với bên ngoài, nhưng về nhà vợ là người có tiếng nói cuối cùng.

Về đời sống văn hóa, bà Martine Prost cho biết người Hàn Quốc chịu khó đọc sách nhất thế giới. Nếu không muốn mất mặt hay xấu hổ trong khi giao tiếp với người hàng xóm thì một người Hàn Quốc phải biết ít nhất một vài cuốn sách. Ngay cả những người nghèo nhất cũng rất chịu đọc sách báo.

Chính vì thế mà đời sống văn học ở Hàn Quốc rất sôi động, phong phú. Nghề viết lách ở xứ Hàn này cũng được trọng dụng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.