Vào nội dung chính
ĐỨC - HẠT NHÂN

Đức : Nhiều thách đố cho việc từ bỏ hạt nhân

Tai nạn hạt nhân Fukushima xảy ra cách đây 5 năm đã buộc thủ tướng Angela Merkel thay đổi hoàn toàn lập trường về hạt nhân, chuyển nước Đức sang sử dụng các năng lượng thay thế. Thế nhưng, cho tới nay, nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn chưa thể từ bỏ hoàn toàn năng lượng nguyên tử.

Thủ tướng Merkel thanh tra một lò phản ứng của nhà máy Greifswald, miền Đông Bắc Đức ngày 03/02/2016.
Thủ tướng Merkel thanh tra một lò phản ứng của nhà máy Greifswald, miền Đông Bắc Đức ngày 03/02/2016. AFP/Bernd Wüstneck / dpa
Quảng cáo

Thật ra thì ngay từ thập niên 1990, thủ tướng Xã hội Dân chủ Gerhard Schroder và đảng Xanh đồng minh đã tính đến chuyện dẹp bỏ các nhà máy điện hạt nhân, chuyển sang sử dụng các năng lượng tái tạo, nhưng chính phủ bảo thủ của thủ tướng Angela Merkel vào cuối năm 2010 đã quyết định duy trì các lò phản ứng nguyên tử.

Thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 đã buộc bà Merkel phải thay đổi lập trường hoàn toàn. Berlin đã ra lệnh đóng cửa ngay lập tức các lò phản ứng hạt nhân cũ nhất và đề ra kế hoạch đóng cửa dần dần các nhà máy điện nguyên tử từ đây cho đến năm 2022. Bên cạnh đó, chính phủ Merkel đã đề ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng, chẳng hạn như đến năm 2050, 80% lượng điện tiêu thụ ở Đức phải đến từ các năng lượng sạch.

Cho tới nay, Đức là quốc gia duy nhất trên thế giới quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân, nhưng nhiều thách đố đang chờ đón nước này. Thứ nhất là vấn đề trợ giá cho các năng lượng tái tạo. Thứ hai là phát triển mạng lưới điện để chuyển tải năng lượng từ các máy điện gió ở các vùng bờ biển phía Bắc xuống các vùng phía Nam và phía Tây của Đức. Phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng này, nhưng không làm cho giá điện tăng lên.

Đến năm ngoái, một phần ba lượng điện tiêu thụ ở Đức là đến từ các nguồn năng lượng sạch và nguồn cung cấp năng lượng này hiện giờ được bảo đảm chắc chắn. Đó là một thành quả tích cực. Nhưng về hiệu quả sử dụng năng lượng và các mạng lưới phân phối điện thì vẫn còn nhiều điểm cần phải cải thiện.

Trong những điểm đó, đầu tiên phải kể đến việc kềm chế giá điện. Hiện giờ, người dân Đức trả tiền điện đắt hơn 41% so với người dân các nước châu Âu khác. Thứ hai là mặc dù tỷ lệ năng lượng sạch ngày càng tăng, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Đức vẫn chưa giảm. Lý do là vì chính phủ Merkel cho tới nay chỉ lo tập trung vào ngành điện, không quan tâm nhiều đến những ngành phát nhiều khí thải khác như ngành giao thông.

Mặt khác, cho tới nay, than đá vẫn chiếm tỷ lệ lớn ( 42% ) trong ngành sản xuất điện ở Đức, mà than đá thì ai cũng biết là một trong những nguồn phát khí thải gây hiệu ứng lồng kính nhiều nhất.

Nhưng thách đố to lớn nhất đối với nước Đức bây giờ đó là tìm đủ nguồn tài chính cho việc tháo dỡ 8 nhà máy điện nguyên tử còn đang hoạt động, để có thể thực hiện được mục tiêu từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.