Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Lech Walesa : Gặp "thời thế thế thời phải thế" ?

Đăng ngày:

Ông Lech Walesa, lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Solidarnosc đưa đến chiến thắng chế độ cộng sản Ba Lan trong thập niên 1970/1980, đem lại tự do cho đất nước. Thế nhưng, theo những tài liệu của mật vụ cộng sản, ông là một điềm chỉ viên, với mật danh là « Bolek », được trả tiền để phản bội chiến hữu . Hư thực ra sao ? Liệu ai trúng kế của ai ? Vì sao chính phủ bảo thủ Ba Lan đang tìm cách hạ bệ tổng thống đầu tiên của nền dân chủ, khôi nguyên Nobel Hoà bình Lech Walesa ? RFI đặt câu hỏi với nhà báo độc lập Tôn Vân Anh từ Vacxava.

Người biểu tình giương cờ Ba Lan, trong một cuộc biểu tình ủng hộ Lech Walesa, tại Gdansk, ngày 28/02/2016.
Người biểu tình giương cờ Ba Lan, trong một cuộc biểu tình ủng hộ Lech Walesa, tại Gdansk, ngày 28/02/2016. REUTERS/Rafal Malko/Agencja Gazeta
Quảng cáo

« Tôi có phạm sai lầm nhưng không như người ta nói. Tôi không để cho (công an) hủy diệt tôi vào tháng 12/1970. Tôi không bao giờ nhận tiền và báo cáo. Tôi đã cam kết giữ bí mật nhưng kẻ chủ mưu vẫn còn sống. Ông ta phải nói sự thật ».

Trên đây là những lời biện giải của cựu lãnh đạo công đoàn Đoàn kết Ba Lan, Lech Walesa, trước những lời kết tội ông chỉ là một tên phản bội không hơn không kém của chính phủ hiện nay mà tổng thống là ông Jaroslaw Kaczynski, một trong những chiến hữu của anh thợ điện Lech Walesa trong những ngày gian khó.

Theo Viện Ký Ức Ba Lan, tập tài liệu lưu trữ của mật vụ SB Sluzba Bezpieczenstwa mà bộ trưởng nội vụ Czeslaw Kisezak giữ lại và được phát hiện tại nhà bà vợ góa sau khi ông này qua đời ghi rõ Lech Walesa đã hợp tác với mật vụ từ thập niên 1970, sau khi bị bắt vào đồn công an lần đầu tiên. Lúc đó phong trào tranh đấu của công nhân đang bị công an đàn áp đẫm máu và anh thợ điện trong hãng đóng tàu ở Gdansk, chiếc nôi của cách mạng dân chủ, mới 27 tuổi.

Nhật báo Diennik của Ba Lan trong bài « Walesa trong tầm nhắm của chính phủ » nhìn nhận là trong tài liệu lưu trữ có bút tích của Lech Walesa đồng ý « hợp tác với mật vụ SB để lột mặt nạ những kẻ thủ của chế độ Cộng hoà nhân dân Ba Lan ». Với tuồng chữ của mình, Lech Walesa ký tên « Bolek » trong các bản báo cáo. Thế nhưng, tác giả bài báo là linh mục Grzegorz Osiecki lưu ý, trong suốt quá trình « hợp tác » từ năm 1971 đến 1976 thì số lần « tiếp xúc » với an ninh càng ngày càng thưa dần, cho dù mỗi lần tiếp xúc ông được trả thù lao một số tiền rất lớn từ 500 đến 600 zlotys : 1971 có 157 lần « tiếp xúc », 1972 có 14 lần, 1973 có 13 vụ, 1974 17 vụ, 1975 8 vụ.

Và đến năm 1976, « Bolek » chỉ tiếp xúc có « một lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng » với đại úy an ninh Edward Graczyk, người có nhiệm vụ quản lý công nhân Lech Walesa. « Bolek » kiếm cớ không gặp SB nữa với lý do là « không có thời giờ hoặc tình hình công nhân rất yên tĩnh, không có gì đáng báo cáo ».

Với thời gian, Lech Walesa càng ngày càng tránh tiếp xúc với mật vụ SB. Báo cáo của các điểm chỉ viên khác cho biết ông « không còn đi đúng đường lối » của chính phủ. Cụ thể, trong một cuộc mít-tinh, Lech Walesa kêu gọi lập bia tưởng niệm công nhân bị thảm sát vào tháng 12 năm 1970 để mọi người đều biết. Một sĩ quan mật vụ đề nghị « phải triệu Walesa tới giải thích ».

Trong các bản phúc trình liên quan đến Lech Walesa tìm thấy trong bộ Nội Vụ cũng không có một báo cáo nào của ông vào năm 1980. Thế mà, năm 1980 là năm « bản lề » khai sinh công đoàn Đoàn kết mà chế độ rất cần thông tin để đối phó.

Câu hỏi đặt ra là thủ đoạn của mật vụ Ba Lan ra sao ? Thành công gài bẫy được anh thợ điện nhưng bị tương kế tựu kế đánh lừa ? Vì sau một số nhà họat động Ba Lan trong thời tranh đấu nay tìm mọi cách triệt hạ chiến hữu cũ ?

RFI tìm câu trả lời với nhà báo độc lập Tôn Vân Anh từ Vacxava.

13:42

PHONG VAN NHA BAO VAN ANH TU VACXAVA

Nhà báo Tôn Vân Anh : « An ninh Ba Lan ép buộc, bắt các nhà hoạt động mới chớm chứ không phải là người nổi tiếng. Ông Lech Walesa bị bắt trong một cuộc đình công (21/ 12/1970) vào đồn công an trong tình trạng rất nguy kịch, vợ đang chờ sinh đẻ. Trên đường phố thì công an xả súng bắn. Trong đồn công an, ông thấy máu của đồng đội. Khi ông bị bắt buộc ký thì ông ký để nhanh chóng chở vợ đi đẻ. Lúc đó, ông còn trẻ, chưa nổi tiếng và chưa có kinh nghiệm đối phó với an ninh cộng sản. Đó là cái cạm bẩy đầu tiên trong quá trình hoạt động của ông nhưng chưa bao giờ ông hại ai. Cái mấu chốt không phải là các nhà hoạt động ký gì với chính quyền. Ký gì với chính quyền không phải là quan trọng. Quan trọng là sau đó họ làm gì…»

Về lý do tại sao chính phủ hiện nay muốn hạ bệ Lech Walesa, chủ nhiệm báo Gazeta Wyborcza, nhà báo Jaroslaw Kurski nhận định :

Liệu những lỗi lầm của người công nhân lúc trẻ tuổi phải tiếp tục đè nặng anh suốt cuộc đời ? Đảng cầm quyền hiện nay muốn chứng minh rằng lãnh đạo phong trào đình công năm 1980 là một « điềm chỉ viên » của chế độ độc tài và « điềm chỉ viên » này ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền đi đến mật ước dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản năm 1989. Chứng minh như thế để đảng Pháp Luật và Công lý (bảo thủ) đánh bóng cho thành phần lãnh đạo cánh hữu hiện nay. Nếu Lech Walesa mà làm « điềm chỉ viên » thì những người tầm thường kia mới trở thành anh hùng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.