Vào nội dung chính
HOA KỲ -BẦU CỬ

Bầu sơ bộ tại Hoa Kỳ : Donald Trump « bất khả chiến bại » ?

Bầu cử sơ bộ tại Hoa Kỳ là chủ đề thời sự nổi cộm nhất trên các trang báo Pháp sáng nay 01/03/2016. Ngày hôm nay là một ngày cực kỳ quan trọng cho các cuộc bầu sơ bộ tại hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Les Echos trên trang nhất chạy tít lớn : « Vòng xoáy đầu tiên cho bầu cử Hoa Kỳ » .

Ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump trong cuộc mít tinh tại tiểu bang Géorgia, ngày 29/02/ 2016.
Ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump trong cuộc mít tinh tại tiểu bang Géorgia, ngày 29/02/ 2016. REUTERS/ Philip Sears
Quảng cáo

Theo cách gọi của người Mỹ, ngày thứ Ba này là một ngày « Super Tuesday », bởi vì, đây là ngày diễn ra bầu cử sơ bộ tại 12 bang chủ yếu nằm ở phía nam Hoa Kỳ, đi từ Texas cho đến Alabama, đi ngang qua Massachusetts và Virginia.

Le Monde và Le Figaro hiếm khi nào có cùng quan điểm, lần này đều cho rằng « Tại Hoa Kỳ : Trump và Clinton chiếm ưu thế trong ngày ‘Super Tuesday’». Nhưng có lẽ điều thu hút sự chú ý báo giới Pháp nhất là « hiện tượng Donald Trump ».

« Nước Mỹ này bỏ phiếu cho Trump » là hàng tít lớn trên Le Figaro. Hay như « Thời khắc Trump » tựa trang nhất của La Croix. Hầu hết các tờ báo lớn của Pháp đều dành từ 2 - 3 trang để bàn luận về chủ đề này.

Ông Donald Trump lên như diều gặp gió. Có vẻ như không một đối thủ nào trong đảng Cộng hòa giờ có thể cản đường ông được. Một hiện tượng khiến tờ Le Parisien, trên trang nhất không khỏi lo âu khi đặt câu hỏi : « Giả như đó là Trump thì sao ». Tờ báo dự đoán, lá phiếu của 12 bang tối nay « sẽ phải khẳng định lợi thế của ông Trump trước các đối thủ trong đảng Cộng hòa » , đến mức tờ báo phải chạy tựa khác cho rằng « Trận cuồng phong Trump ».

Donald Trump : Ứng viên của sự cay đắng

Một trận cuồng phong là vì cách đây có vài tháng, không ai dám bỏ ra một đô la để đánh cược cho Donald Trump thắng cuộc trong cuộc đua sơ bộ này. Một con người ăn nói « thô thiển », tỷ phú ngành bất động sản chuyển sang thành người dẫn chương trình truyền hình nghiệp dư và chẳng có chút gì kinh nghiệm chính trường mà trước đó được xem như là chẳng có chút cơ may thắng cuộc.

Vậy mà giờ đây ông lại được đánh giá là có nhiều ưu thế nhất trong ngày « Super Tuesday ». Có thể nói đây là « Một sự đi lên gây bất ngờ của Donald Trump » như nhận xét của La Croix . Vì sao ? Theo bài xã luận của La Croix, có nhiều lý do để giải thích. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây cho thấy người dân Mỹ đang mất dần niềm tin vào giới chính trị gia truyền thống. Họ phê phán mối liên kết chặt chẽ giữa các chính khách với giới doanh nhân, vốn chỉ chiếm có 1% dân số, nhưng nắm giữ gần như toàn bộ nền kinh tế đất nước trong những thập niên gần đây.

Tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ giờ cảm thấy họ như là nạn nhân của tình trạng bất công. Chính vì đã nắm bắt được cảm giá đó của người dân mà ông Donald Trump có thể dẫn trước xa các đối thủ. Có thể nói, Donald Trump chính là « ứng viên của sự cay đắng » như tựa đề bài xã luận của La Croix.

Một quan điểm cũng được Le Figaro đồng tán thành. Bởi vì, « Trump, giờ là người báo động », tựa bài xã luận của tờ báo thiên hữu. Bằng cách riêng của mình, ông Trump trở thành người đưa ra báo động. Tờ báo còn cho rằng các chính trị gia châu Âu nên lấy đó làm bài học. Sự việc nhắc nhở rằng cơn phẫn nộ của người dân không dễ gì tan biến trong sự mầu nhiệm của các bài diễn văn sáo mòn.

Mặt trận chống Trump vô hiệu quả

Có một điểm hầu như tất cả các báo Pháp đều công nhận chính việc quá xem thường đối thủ của các ứng viên khác trong đảng Cộng hòa đã mở rộng đường cho Trump tiến lên. Để rồi giờ đây trong sự « Hoảng hốt, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa muốn gạt kẻ quấy rối bằng mọi giá », Le Figaro viết.

Một điều khó có thể thực hiện được. Các ứng viên trong cuộc bầu sơ bộ đã từ lâu nay luôn nuôi ảo tưởng là rồi Donald Trump sẽ tự bỏ cuộc vì có những lời lẽ quá khiêu khích và mang đầy tư tưởng phân biệt chủng tộc. Họ bỏ mặc Trump và chỉ chăm chăm đánh lẫn nhau, với hy vọng cuối cùng rồi cũng tự cho mình như là ứng viên « hợp lý » duy nhất trước nhà tỷ phú này.

Khó « hạ gục » được Trump là vì lá phiếu chống Trump, vốn chiếm tổng cộng đến 65% lá phiếu của đảng lại nằm rải rác trong số 15 ứng viên ban đầu và giờ là 5 ứng viên, theo như bài giải mã của Les Echos. Do đó, chừng nào 65% lá phiếu đó chưa hợp nhất được, thì chừng ấy ông Trump vẫn sẽ thắng cuộc.

Thế nhưng theo tờ nhật báo kinh tế này, đảng Cộng hòa khó mà hình thành được một mặt trận chống Trump do chính sự ích kỷ và chủ nghĩa cơ hội của các ứng viên đó. Điển hình là việc ứng viên Chris Christie, được cho là ôn hòa, đã ngả theo Trump với hy vọng có được một ghế bộ trưởng.

Về phần mình, giới chủ hầu như vắng bóng một cách khó tin trong các cuộc tranh luận. Vốn trung thành với thị trường tự do, giới chủ nước này phần lớn phản đối ý tưởng chặn bớt dòng người tị nạn và việc tuyên chiến thương mại với Trung Quốc và Mêhico như ông Trump đề xuất.

Pháp : Khó cải cách luật lao động

Một thời sự khác không kém phần nóng bỏng trên các báo Pháp hôm nay liên quan đến dự luật cải cách luật lao động tại Pháp. Do bị phản đối gay gắt, chính phủ của thủ tướng Manuel Valls chấp nhận dời buổi thảo luận.

« Luật El Khomri : Bị áp lực, chính phủ bắt đầu lùi bước » là hàng tít nhỏ trên Le Figaro. Trước mức độ của làn sóng phản đối, chính phủ quyết định hoãn cuộc tranh luận thêm hai tuần nữa. Nếu như phần đông các nghiệp đoàn và phe tả trong cánh tả tỏ ra đồng tình với việc hoãn lại này thì giới chủ cảnh báo rủi ro dự thảo trở nên « nhạt vị ».

Đối với Libération, « sự trì hoãn này nhằm để tránh thoái lui ».Tờ báo cho rằng cần phải phục hồi lại thực tế của đạo luật này. Phải dỡ bỏ những điểm không rõ ràng, giải thích, trả lời các thông tin sai lệch. Cũng như dự luật tước quốc tịch hồi tháng Giêng, bộ máy điều hành dường như đã đánh giá thấp phản ứng của cánh tả về văn bản này ảnh hưởng đến một số nền tảng xã hội cơ bản.

Les Echos tỏ ra ngạc nhiên khi thấy thủ tướng Manuel Valls điều chỉnh và thay đổi giọng điệu, đó không phải là thiên hướng tự nhiên của ông. Người đứng đầu chính phủ chấp nhận dời cuộc tranh luận đến ngày 24/03, « bàn tính với các đối tác xã hội trong tuần tới », gặp gỡ « các nhân vật hàng đầu trong đảng xã hội tại Quốc hội ». Nhất là, ông kêu gọi một cuộc cải cách nhưng cũng sẵn sàng « cải thiện » các điểm.

Nói tóm lại, theo bài xã luận của Les Echos, tất cả các động thái trên của thủ tướng Pháp là nhằm để : phá vỡ mặt trận chống đối từ các nghiệp đoàn khi tìm cách liên kết với CFDT, trấn an các nghị sĩ đảng xã hội nhưng không làm cho các nghị sĩ cánh hữu, những người ủng hộ dự luật phải bỏ chạy. Trên lý thuyết, ván cờ này vẫn còn có nhiều cơ may chơi được.

Trung Quốc giám sát chặt người Tây Tạng

Về thời sự châu Á, tờ La Croix có bài phóng sự cho biết : « Người Tây Tạng ở Tứ Xuyên bị giám sát chặt chẽ ». Theo đặc phái viên của tờ báo La Croix, chính quyền Trung Quốc vừa thông báo đóng tất cả các lối đi vào vùng tự trị Tứ Xuyên trong vòng một tháng đối với du khách nước ngoài.

Chính quyền không cho biết rõ lý do nhưng lệnh cấm này đều được đưa ra hằng năm vào thời điểm trùng khớp với ngày kỷ niệm sự nổi dậy của người Tây Tạng chống lại chính sách đàn áp của Bắc Kinh, xảy ra hồi tháng 3/2008. Vụ trấn áp lần đó đã làm thiệt mạng 150 người.

Không chỉ đóng cửa biên giới, tác giả bài viết còn ghi nhận, tại nhiều ngôi làng giáp giới với khu tự trị, cổng truy cập Internet thường xuyên bị cúp, khiến cho mối quan hệ giữa người Tây Tạng và người Hán, chiếm đa số tại Trung Quốc càng thêm phức tạp.

Đối với nhiều người Tây Tạng, « người Hán đã giết chết nhiều người Tây Tạng ». Họ nghi ngờ chính quyền Trung Quốc đã sát hại một vị Lạt Ma rất được tôn kính, ngài Tenzin Delek Rinpoché, chết trong ngục cách đây không lâu. Theo giải thích của chính quyền thì ông Tenzin chết vì « tuổi cao », nhưng theo các lời đồn đoán thì ông đã « bị đầu độc ».

Hơn nữa, cuộc sống của người dân Tây Tạng tại đây cũng cực kỳ khó khăn. Ngoài du lịch, người dân xứ này chỉ sống nhờ vào nguồn nông nghiệp như chăn nuôi bò hay ngựa. Việc phải làm việc cho chính quyền là một điều chẳng dễ chịu chút nào. Phần đông người dân tại đây không che dấu ác cảm của họ đối với người Hán.

Iran : Nhọc nhằn sự đổi mới

Kết quả bầu cử tại Iran tiếp tục thu hút sự chú ý của Libération. « Phe bảo thủ mất một phần lãnh địa, nhưng không mất quyền kiểm soát » là tựa nhận định bài viết.

Phe chủ trương cải cách đã có được sự ủng hộ của cử tri, nhưng vẫn chưa đủ để có thể tự do hành động. Một loạt các câu hỏi được đặt ra giúp độc giả hiểu rõ hơn vì sao tổng thống Rohani vẫn khó đẩy xa hơn nữa các chương trình cải cách và mở cửa tại nước này.

Than đá: Còn lâu mới bỏ được

« Liệu con người có từ bỏ được than đá ? » là câu hỏi lớn trên mục Quan điểm của Le Figaro. 60% nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến từ nhiên liệu than. Nguồn nhiên liệu này cũng đang bắt đầu được bỏ dần tại nhiều nước châu Âu, hiện đang chuyển sang nguồn nhiên liệu tái tạo. Tuy nhiên, tại các nước như Trung Quốc và Ấn Độ nhiên liệu than vẫn còn là một trong những động lực cho sự tăng trưởng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.