Vào nội dung chính
HUNGARY - TỊ NẠN

Hungary: Thủ tướng Orban trưng cầu dân ý để củng cố vị thế

Vào hồi 13h chiều hôm qua, thứ Tư 24/2, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor đã cho triệu tập một cuộc họp báo bất thường mà không cho biết trước nội dung. Tuy nhiên báo chí Hungary có tìm hiểu, là nội dung sẽ về làn sóng di dân hiện tại. Việc tổ chức trưng cầu dân ý được báo giới nước này nhận định là nhằm củng cố vị thế cho đảng cầm quyền của thủ tướng đương nhiệm trước những khó khăn trong nước.

Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban tại buổi họp báo ngày 24/02/2016.
Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban tại buổi họp báo ngày 24/02/2016. REUTERS
Quảng cáo

Trong họp báo, ông Orbán cho hay, trước đó nội các Hungary đã có phiên họp về việc sẽ đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến chương trình phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch của Châu Âu, mà chính phủ Hungary vẫn phản đối bấy nay.

Trưng cầu để phản đối sự “lạm quyền” của EU

Phiên họp của chính phủ đã thống nhất quyết định về việc đưa ra trưng cầu cử tri Hungary, rằng người dân nước này có muốn phải bắt buộc tiếp nhận người tỵ nạn trong đề án tái định cư của Liên Âu, mà không thông qua Quốc hội nước này hay không. Ông Orbán nhấn mạnh, đây là một vấn đề nhất thiết phải được Quốc hội Hung thông qua, chứ không ai có thể quyết định thay, bởi lẽ nó là một quyết định liên quan đến tính độc lập của đất nước, “làm thay đổi nghiêm trọng cuộc sống người dân”.

Hơn thế nữa, Thủ tướng Hungary còn coi việc tiếp nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch của EU “sẽ thay đổi cuộc sống của những thế hệ trong tương lai”, “làm thay đổi bản đồ văn hóa và tôn giáo Châu Âu”, và bởi vậy không một cơ quan nào của Châu Âu có quyền quyết định như vậy. Ông Orbán cho rằng “chính phủ đã thỏa mãn tâm trạng của người dân” khi quyết định trưng cầu dân ý, bởi lẽ theo ông, chấp thuận kế hoạch tái định cư người tỵ nạn của EU là sự “lạm dụng quyền hành”, cho nên cần để người dân được nói lên ý kiến của mình.

Trả lời câu hỏi của báo chí, theo đó nếu cử tri Hung nói “không” với dự án của EU thì sẽ có hậu quả gì, Thủ tướng Hung đáp đó là điều thứ yếu, ông chỉ quan tâm tới vấn đề quan trọng nhất: người Hung cần được quyết định họ sẽ sống với ai, và không sống với ai. “Làm sao công dân Hung có thể trung thành với đất nước của chính họ, nếu trong những vấn đề quan trọng nhất người khác lại quyết định thay họ”, ông Orbán hỏi lại, và cho rằng quyết định của cuộc trưng cầu sẽ củng cố “liên minh các dân tộc tự do” tại Châu Âu.

Được biết, câu hỏi mà chính phủ Hung đưa ra để trưng cầu sẽ được Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hung chứng thực trong vòng 30 ngày và sau khi xong mọi thủ tục theo luật định, nhanh nhất là mùa thu năm nay sẽ diễn ra cuộc trưng cầu, nếu điều đó không bị bác bỏ.

Đỉnh cao của chuỗi hành động phản đối chính sách tỵ nạn EU

Một điểm cần nhắc lại, kể từ khi Nghị viện Châu Âu thông qua kế hoạch phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch vào trung tuần tháng 9 năm 2015, Hungary là quốc gia phản đối “trước sau như một” và dứt khoát nhất dự án tái định cư này, cùng một vài nước trong khu vực Đông - Trung Âu. Kế hoạch của EU cho phép chừng 160 ngàn người tỵ nạn ở Ý và Hy Lạp được phân bổ sang các nước thành viên EU tùy khả năng của từng nước. Trong số đó, Hung được phân tối đa hai ngàn người trong vòng hai năm, và đây là điều nội các Orbán phản đối gay gắt.

Không chỉ bỏ phiếu chống, Hungary (cùng Slovakia) còn đưa vụ việc lên Tòa án Công lý Châu Âu, vì cho rằng quyết định phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch bắt buộc này vi phạm sự độc lập của đất nước. Trước đó, Quốc hội Hung đã ra nghị quyết về việc kiện tụng này. Ở trong nước, từ mùa thu năm ngoái, khi đại đa số người tỵ nạn đã rời Hungary và trong các trại tỵ nạn của Hung chỉ còn bất quá vài trăm người, chính quyền Hung vẫn tiếp tục các chiến dịch bêu xấu và chỉ trích người tỵ nạn, giờ là hướng vào chương trình tái định cư của EU.

Người tỵ nạn (mà chính quyền Hung cố tình gọi bằng cái tên “nhập cư bất hợp pháp”) tiếp tục bị coi là “mối nguy khủng bộ”, tội phạm, là những kẻ phá hoại nền văn hóa và truyền thống Hungary, do đó kế hoạch của EU bị coi là “chỉ làm gia tăng nguy cơ khủng bố”, theo Budapest. “Cứ trung bình 12 phút lại có một người nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu, chúng ta không biết họ là ai, có ý đồ gì, và bao nhiêu trong số họ là những kẻ khủng bố trá hình”, đó là một phần chiến dịch quảng cáo của chính quyền trên báo chí và ngoài đường phố, nơi công cộng.

Chính quyền Hung còn không từ việc đưa ra những thông tin dối trá mang tính kích động, theo phát hiện của báo chí nước này, như hù dọa rằng trong vòng 5 năm, có thể Hung sẽ buộc phải nhận một lượng người tỵ nạn bằng cư dân một thành phố lớn của nước này là Szeged. Liên minh cầm quyền Hung còn cử giới lãnh đạo đi khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc để vận động cử tri ký phản đối dự án của EU. Chính phủ Hung cũng gửi sẵn “mẫu nghị quyết” cho các chính quyền tự quản địa phương, để họ thông qua quyết định chỉ trích chính sách tỵ nạn EU.

Ván bài chưa ngã ngũ của giới cầm quyền

Liên minh cầm quyền Hung quyết định đề xuất trưng cầu dân ý khi đang gặp phải rắc rối không nhỏ trước làn sóng phản đối của giới Giáo dục về những vấn nạn trong ngành này, và được nhiều ngành nghề khác hưởng ứng, có thể dẫn tới những cuộc biểu tình và đình công lớn. Như nhận xét của báo giới Hung, con bài về người tỵ nạn được chính quyền theo chủ nghĩa dân túy duy trì suốt một năm nay, tưởng chừng đã hết thời. Tuy nhiên, trước một số diễn biến mới của làn sóng tỵ nạn, nội các Hungary quyết định vẫn tiếp tục dùng nó trong cuộc chiến chính trị.

Kể từ giữa tháng 9 năm 2015, khi Hungary xây xong hàng rào ngăn biên giới phía Nam và đưa vào thực thi những đạo luật rất hà khắc, hầu như nước này không tiếp nhận người tỵ nạn nào, nhưng thông qua hệ thống tuyên truyền, ác cảm và nỗ lo âu trong người dân Hung đã được duy trì. Một cuộc trưng cầu dân ý nếu được tổ chức về chính sách hạn ngạch của EU, thoạt tiên có vẻ rất có lợi cho chính quyền, vì tỷ lệ cử tri bác bỏ việc nhận người tỵ nạn tái định cư tại Hung là cao. Tuy nhiên, phân tích của báo giới Hung cho thấy, không phải FIDESZ không có những mạo hiểm.

Đầu tiên là việc đưa một vấn đề thực ra không thuộc thẩm quyền của Quốc hội Hungary - và liên quan tới các hiệp định, cam kết quốc tế - ra trưng cầu dân ý, là một điều trái với Hiến pháp Hung hiện tại. Trước hết, phải sửa đổi Hiến pháp mới có thể làm điều đó một cách hợp hiến. Thứ hai, để cuộc trưng cầu có hiệu lực, cần tối thiểu hơn 4 triệu người đi bỏ phiếu, và đây là điều rất khó hiện tại, theo nhận định của giới bình luận. Trong vòng 27 năm qua, chỉ có hai trên tổng số sáu cuộc trưng cầu dân ý của Hung đạt được con số cử tri đi bỏ phiếu như vậy.

Bên cạnh đó, một cuộc trưng cầu dân ý khi đã được khởi động thì khó có thể lẩn tránh được nó. Tình hình tỵ nạn có thể thay đổi rất nhiều trong vòng vài tuần hay vài tháng, và rất có khả năng là khi dân Hung đi bỏ phiếu vào mùa thu năm nay, thì câu hỏi đặt ra đã không còn ý nghĩa gì nữa. Mạo hiểm lớn nhất như giới bình luận nhận định là về tương lai. Kết quả một cuộc trưng cầu của Hung không có tác động gì đến các định chế Châu Âu, như trong trường hợp này là Hội đồng Châu Âu. Chỉ có phán quyết của Tòa án Châu Âu là mang tính chủ đạo trong dự án tái định cư.

Tuy nhiên, Tòa án Châu Âu sẽ không để tâm tới việc cử tri Hung có ý kiến thế nào, và chính quyền Hung sẽ rất khó khăn khi phải thanh minh với dân Hung, rằng trong thực tế, lá phiếu của họ không có ý nghĩa gì trong việc họ muốn khước từ những bổn phận quốc tế đã cam kết. Do đó, ích lợi lớn nhất của nội các Orbán trong dịp trưng cầu lần này, theo báo giới Hungary, là củng cố vị thế của họ ở trong nước, để người dân chú tâm đến người tỵ nạn - cho dù không xuất hiện ở Hung - và quên đi tình trạng tệ hại của ngành Giáo, dục, hay Y tế, và những vấn đề khác...

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.