Vào nội dung chính
HOA KỲ - SYRIA

Syria: Mỹ chuẩn bị phương án quân sự

Kế hoạch ngừng bắn tại Syria theo sáng kiến của Mỹ và Nga, dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 27/02/2016, được các quốc gia trong khu vực và quốc tế hưởng ứng. Ngoại trừ đối lập còn lưỡng lự, các bên liên quan đều chính thức ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về khả năng ngừng bắn trở thành hiện thực. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một « kế hoạch B », trong trường hợp các giải pháp ngoại giao và chính trị thất bại.

Một góc phố phía nam thành phố Bosra al-Sham, Deraa, Syria (ảnh chụp ngày 23/02/2016)
Một góc phố phía nam thành phố Bosra al-Sham, Deraa, Syria (ảnh chụp ngày 23/02/2016) REUTERS/Alaa Al-Faqir
Quảng cáo

Hôm qua, 23/02/2016, lãnh đạo bốn nước Pháp, Mỹ, Đức và Anh đã có cuộc điện thoại viễn liên, kéo dài gần một giờ, về dự án ngừng bắn tại Syria. Sau cuộc điện đàm, theo điện Elysée, tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố thỏa thuận sẽ phải được tôn trọng « tuyệt đối », và cần được thực thi « sớm nhất ».

Về phần mình, tổng thống Nga Vladimir Putin có các cuộc điện thoại riêng với vua Ả Rập Xê Út Salmane, quốc gia hậu thuẫn chính cho phe nổi dậy Syria, và tổng thống Iran Rohani, đồng minh của chính quyền Damas. Theo điện Kremli, Ả Rập Xê Út hoan nghênh thỏa thuận và « sẵn sàng phối hợp » với Matxcơva để thực thi.

Tình hình phức tạp trên thực địa Syria khiến Washington dự trù một phương án B, tức khả năng sử dụng các biện pháp quân sự. Thông tin về phương án B, đã được rò rỉ từ đầu tháng Hai trong giới ngoại giao và báo giới nhân một chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới châu Âu, như vậy đã được chính thức khẳng định.

Phát biểu trước ủy ban đối ngoại Thượng Viện hôm qua, ngoại trưởng John Kerry cho rằng việc Nga và tất cả các bên liên quan đến xung đột Syria không tôn trọng thỏa thuận ngừng các hoạt động thù địch, có thể dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngoại trưởng Kerry không đưa ra chi tiết cụ thể nào về phương pháp này. Ông John Kerry vốn là người không ưa can thiệp quân sự, và kiên trì giải pháp ngoại giao, nhưng theo ngoại trưởng Mỹ, « nếu không có tiến bộ nào, nếu không có gì thay đổi, sẽ rất khó để tiếp tục thương lượng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.