Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Dầu hỏa rẻ vẫn không tạo đà cho tăng trưởng thế giới

Đăng ngày:

Thế giới dư dầu hỏa nhưng vẫn mỏi mòn đi tìm « tăng trưởng ». Trong chưa đầy 2 năm, dầu hỏa mất giá gần 75 %, gây khó khăn cho các nhà sản xuất. Giá xăng dầu rẻ, mãi lực của người tiêu dùng có tăng, nhưng tiêu thụ và đầu tư tại các nước nhập khẩu năng lượng vẫn không khởi sắc.

Một dàn khoan dầu tại Bắc Hải, Trung Quốc
Một dàn khoan dầu tại Bắc Hải, Trung Quốc REUTERS/Andy Buchanan/Pool/Files
Quảng cáo

Thống kê về tăng trưởng toàn cầu được công bố vào cuối năm 2015 đã làm mọi người thất vọng. Giá dầu đang từ 115 đô la một thùng vào tháng 6/2014 đã rơi xuống còn 45 đô la/thùng vào cuối tháng 11/2015. Tại sao tỷ lệ tăng trưởng của thế giới trong quý 4/2015 chỉ là 0,5 % để chỉ đạt 2 % cho cả năm ? Đây là mức thấp hơn nhiều so với mong đợi.

Thiếu vắng tiêu thụ và đầu tư

Có bốn nguyên nhân trả lời cho câu hỏi này : Thứ nhất mỗi lần giá dầu tuột dốc mạnh và hiện tượng đó được kéo dài như trong trường hợp đang xảy ra từ gần 2 năm nay, các nước sản xuất và xuất khẩu điêu đứng. Đây là trường hợp của Nga, Brazil, của khối OPEC và những nước nhỏ hơn trên thị trường dầu lửa như Venezuela hay Algeri, Nigeria ... Ngày nay, các quốc gia này ngày càng chiếm một trọng lượng lớn hơn trong các hoạt động kinh tế toàn cầu.

Lý do thứ hai do các dòng tư bản hàng ngàn tỷ đô la mà lẽ ra các nước nhập khẩu dùng để thanh toán nhập khẩu dầu hỏa, thì lại được đem ký gửi vào quỹ tiết kiệm thay vì chi cho tiêu thụ và đầu tư. Trong trường hợp của Nhật Bản, cho dù hóa đơn tiền điện của nền kinh tế thứ ba trên thế giới này đã giảm đi hơn 50 %, nhưng GDP của Nhật vẫn không « cất cánh ».

Yếu tố thứ ba giải thích vì tăng trưởng tại các nước tiêu thụ dầu hỏa chưa khởi sắc, có lẽ là vai trò của Mỹ trên bàn cờ năng lượng quốc tế. Sau 4 thập niên đóng vai trò nhạt mờ, nhờ công nghệ khai thác dầu đá phiến, Hoa Kỳ đã trở thành nguồn cung cấp số 1 trên hành tinh, qua mặt luôn cả Ả Rập Xê Út. Dầu hỏa mất giá kéo theo cả một mảng công nghiệp quan trọng của Mỹ. Đáng lo hơn là từ năm 2011, ngành công nghệ khai thác dầu trở thành một trong những động lực tăng trưởng của Hoa Kỳ nói riêng, của Bắc Mỹ nói chung.

Lý do thứ tư giải thích vì sao dầu rẻ vẫn không đem lại tăng trưởng liên quan đến vấn đề giá cả tại các nước công nghiệp phát triển. Khác với những năm 1980, lạm phát giờ đây trên thế giới đang ở mức cực thấp. Nhật Bản và châu Âu thậm chí đang đứng trước nguy cơ giảm phát. Thêm vào đó, từ Âu châu đến Hoa Kỳ và Nhật Bản lãi suất ngân hàng đã rơi xuống mức trên dưới 0 %, thậm chí là còn ở số âm. Thành thử, giá dầu có giảm sụt, nhưng không khuyến khích tư nhân mua sắm hay các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn.

Tiêu thụ và đầu tư không khởi sắc, không có hy vọng kinh tế được phục hồi, đem lại công việc làm cho người dân.

Họa người phúc ta

Trong một báo cáo được công bố gần đây, Cơ Quan Quan Sát Tình Hình Kinh Tế OFCE của Pháp thẩm định đối với một nền kinh tế chuyên nhập năng lượng như Pháp chẳng hạn, giá một thùng dầu giảm 20 đô la, tạo thêm 0,2 điểm tăng trưởng cho GDP trong năm đầu, và 0,1 điểm tăng trưởng trong năm thứ nhì.

Năm 2015 tập đoàn hàng không dân dụng Air France-KLM đã tiết kiệm được 400 triệu euro xăng dầu cho dù là đồng euro mất giá so với đô la. Giá xăng tại Pháp hiện nay chưa đầy 1,2 euro một lít thay vì 1 euro 40 xu như đúng một năm trước đây.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ chuyên gia kinh tế Thomas Porcher, giảng dậy tại trường Business School of Business Paris và cũng là tác giả cuốn « Le mirage du gaz de schiste- Ảo tưởng về khí đá phiến », nhà xuất bản Max Milo- nêu lên trường hợp của những công ty đang điêu đứng vì dầu mất giá :

« Lợi ích đầu tiên là đối với sức mua của người dân, của những ai phải đổ xăng hàng ngày. Chúng ta thấy là giá xăng dầu giảm từ nhiều tháng nay, và đó là tin vui đối với những người tiêu dùng bình thường. Ở Pháp giá một lít dầu diesel cho dù bị nhà nước đánh thuế nặng, nhưng đã từ 1 đồng 20 xu giảm xuống còn chưa tới 1 euro. Khi xăng dầu rẻ hơn, thì ta để dành được tiền làm những việc khác.

Nhưng liệu rằng hiện tượng tuột giá xăng dầu có lợi cho tất cả các bộ phận kinh tế hay không ? Khó có thể trả lời câu hỏi này. Vì lúc nào cũng có ‘kẻ được, người thua’.

Có những lĩnh vực kinh tế đang khốn khổ vì hiện tượng này. Tôi muốn nói tới các công ty dầu khí, các hãng nhỏ làm gia công hay phụ thuộc vào các hoạt động của ngành dầu khí. Tôi muốn nói tới Vallourec chuyên sản xuất ống dẫn dầu chẳng hạn hay CGG chuyên về nghiên cứu địa chất trong ngành …

Không phải lĩnh vực nào cũng được hưởng lợi khi dầu hỏa mất giá. Vấn đề đặt ra là những lĩnh vực gặp khó khăn thì họ cũng phải cắt giảm chi tiêu, hoãn hay hủy các dự án đầu tư và bước kết tiếp là sa thải nhân viên ».

Vẫn theo nghiên cứu của OFCE trong năm 2015 các tập đoàn dầu hỏa thua lỗ đã sa thải gần 250 ngàn nhân viên. Theo lời tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Total của Pháp, Patrick Pouyanné, nhìn chung doanh thu của các tập đoàn trên thế giới bị giảm mất ba phần tư so với tài khóa 2014. Lãi của hãng xăng dầu Total giảm 18 % và đây thực sự là một tin vui đối với ông Pouyanné khi biết rằng lãi của tập đoàn Mỹ Exxon giảm đi phân nửa. Chevron chỉ còn có 25 % so với một năm trước đó. Khoản tiền lời của hãng Shell thì chỉ còn bằng một phần bẩy so với tài khóa 2014. Tệ hại hơn cả là công ty xăng dầu của Anh BP thua lỗ nặng nề.

Tác động dây chuyền

Nếu như các « đại gia » dầu hỏa trên thế giới đủ sức chống chọi với con bão đang thổi qua hiện nay, thì ngược lại các doanh nghiệp gia công cho các hãng xăng dầu nổi tiếng nói trên đã bắt đầu kiệt sức.

Hãng Vallourec của Pháp chuyên sản xuất ống dẫn dầu và khí đốt thông báo cho 1.000 nhân viên nghỉ việc sau hai năm thua lỗ liên tiếp. Thêm vào đó Petrobras của Brazil, khách hàng lớn nhất của Vallourec trong năm 2015 đã giảm 20 % các khoản đầu tư. Nhìn sang Hoa Kỳ hãng Schlumberger chuyên cung cấp dịch vụ và trang thiết bị cho các công ty dầu khí năm 2015 đã sa thải 11.000 nhân viên, tương đương với 15 % nhân sự.

Chuyên gia dầu hỏa Matthieu Auzanneau thuộc cơ quan tư vấn Shift Project so sánh : khi giá dầu ở mức trên 100 đô la một thùng, toàn bộ ngành công nghiệp dầu khí của thế giới đầu tư đến 600 tỷ một năm chỉ riêng cho khâu sản xuất, lọc dầu. Ngành dầu khí là nguồn đầu tư lớn nhất trong số tất cả các ngành nghề. Ở vào thời điểm trước tháng 6/2014 khi giá dầu còn ở mức từ 110 đến 120 đô la một thùng, tổng đầu tư của khu vực dầu khí cao gấp 5 lần so với ngành công nghệ xe hơi.

Trong năm 2015 tổng đầu tư của ngành công nghệ dầu khí giảm 21,5 % và sẽ còn giảm thêm hơn 10 % trong năm nay. Với cuộc khủng hoảng hiện tại, các hãng gia công cho các tập đoàn dầu khí của thế giới thất thu đến hàng trăm ngàn tỷ đô la một năm.

Chưa có ánh sáng cuối đường hầm

Nhìn đến các nước sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, tổ chức nác nước xuất khẩu dầu OPEC vào tháng 1/2016 chẳng những đã không giảm mà còn tăng mức cung cấp – bơm thêm 280.000 thùng mỗi ngày so với thời điểm tháng 12/2015. Thế giới mỗi ngày phải tìm chỗ tích trữ hơn 1 triệu thùng dầu dư thừa.

Đứng ngoài khối OPEC Nga cũng đã tăng mức sản xuất, thêm vào đó là Iran vừa nhập cuộc, với khả năng cung cấp thêm từ 3 đến 3,6 triệu thùng dầu/ngày. Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE chờ đợi « thị trường dầu hỏa chỉ được ổn định lại vào năm 2017 » nhưng loại trừ kịch bản « cơn sốt dầu » đe dọa thế giới.

Cơ quan tư vấn Shift Project bi quan hơn khi cho rằng, chừng nào mà kinh tế thế giới chưa khởi sắc trở lại thì chưa mong thị trường dầu hỏa phục hồi. Ông David Rigoulet-Roze, một chuyên gia về dầu khí và khu vực Trung Đông giảng dậy tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, dầu hỏa và tăng trưởng là hai yếu tố gắn liền với nhau. Điều đáng quan ngại là khủng hoảng mà càng kéo dài, càng gây thiệt hại cho các nhà sản xuất thì trong tương lai, chính các nước nhập khẩu dầu hỏa cũng phải trả giá càng đắt :

« Hiện tượng giá dầu giảm mạnh như hiện nay là một dấu hiệu đáng quan ngại, bởi vì nó phản ánh nhu cầu tiêu thụ đang tuột dốc của thế giới. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng của toàn cầu đang bị chựng lại. Điển hình là tăng trưởng của Trung Quốc đang bị hụt hơi. Vào năm 2008, trước khi nổ ra khủng hoảng về tín dụng địa ốc subprime, giá dầu trên thế giới ở vào khoảng 50 đô la một thùng. Khi đó con tàu kinh tế của thế giới vận hành ở một nhịp độ rất dồn dập, khác hẳn với hiện tại.

Cũng cần lưu ý rằng các đầu máy tăng trưởng của thế giới hiện nay đều đang bị chựng lại. Ngay cả các nền kinh tế đang trỗi dậy cũng đang gặp khó hăn. Khu vực đồng euro thì vẫn đình trệ. Tăng trưởng của Mỹ khá mong manh. Điều nguy hiểm ở đây là một khi nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa của thế giới tăng lên trở lại, quốc tế sẽ lâm vào cảnh cung thấp hơn cầu. Giá dầu khi đó sẽ lại tăng cao chót vót, ảnh hưởng tới tăng trưởng của các nước nhập dầu thô ».

Thực tế trước mắt là chỉ trong vỏn vẹn hai năm, một trật tự mới về dầu hỏa đã được hình thành. Nhờ công nghệ khai thách dầu, khí đá phiến, Mỹ đã qua mặt Ả Rập Xê Út để trở thành nguồn sản xuất dầu hỏa số 1 của thế giới. Riyad và khối các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC không còn độc quyền làm mưa làm gió.

Ả Rập Xê Út quyết định mở van dầu để cản đường ngành công nghệ khai thác dầu khí đá phiễn của Mỹ, nhưng sau gần hai năm chịu đựng, thất thu khoảng 100 tỷ đô la và dù giá dầu đã rơi xuống dưới ngưỡng 30 đô la một thùng, ngành công nghệ dầu đá phiến của Mỹ chưa bị xóa sổ.

Nga, một đối thủ khác của vương quốc Ả Rập này, rất lao đao nhưng Matxcơva vẫn cầm cự để rồi, trong hậu trường hôm 16/02/2016Ả Rập Xê Út và Nga đã ngầm thỏa thuận với nhau để giới hạn mức cung, với hy vọng đẩy giá dầu lên cao hơn một chút.

Iran thì kể từ khi hội nhập lại với thế giới, không lãng phí thời gian để giành lại thị phần.

Chỉ có những quốc gia sản xuất dầu như Venezuela, Algeri, hay Nigeria … không lo xa, nên đang nghẹt thở khi trông thấy các nguồn thu nhập bị thắt lại và nguy cơ bạo động xã hội mở ra phía trước. Còn đối với những nền kinh tế phải nhập dầu hỏa thì hiện tượng giá dầu sụt mạnh ngày nay là khúc dạo đầu báo trước nhiều cuộc khủng hoảng sắp tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.