Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Tài chính, ngân hàng lại thách thức kinh tế thế giới

Đăng ngày:

Liệu một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008 có đe dọa thế giới ? Chỉ số chứng khoán trên toàn cầu trồi sụt thất thường, mất giá mạnh từ đầu năm 2016. Bên cạnh lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc và dầu hỏa, biện pháp bơm tiền vào hệ thống kinh tế để kích thích tiêu thụ và đầu tư được áp dụng từ Âu sang Á chưa đem lại kết quả mong muốn. Cùng lúc, nợ khó đòi của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng.

Trung tâm tài chính, ngân hàng ở phía đông Luân Đôn. (Ảnh chụp ngày 15/02/2016)
Trung tâm tài chính, ngân hàng ở phía đông Luân Đôn. (Ảnh chụp ngày 15/02/2016) REUTERS/Hannah McKay
Quảng cáo

Tính từ đầu năm 2016 chỉ số chứng khoán CAC40 của Paris đã mất giá 16 %, tại New York là 8% và Thượng Hải rơi 23 %. Còn trên thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei đã tuột xuống mức thấp nhất từ tháng 10/2014. Có ít nhất ba nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này.

Thứ nhất là giá dầu trên thế giới đã giảm mất 70 % so với hồi tháng 6/2014. Thứ hai là trị giá cổ phiếu các ngân hàng trên thế giới tuột giá mạnh và thứ ba là đà phục hồi quá chậm, quá yếu của kinh tế toàn cầu- mà đứng đầu là những khó khăn của kinh tế Trung Quốc và kèm theo đó là những nghi vấn về chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Tạp chí hôm nay tập trung vào yếu tố tài chính, ngân hàng.

Ngân hàng, mối đe dọa sắp tới ?

Cổ phiếu của các tập đoàn ngân hàng từ Pháp đến Đức, từ Ý đến Tây Ban Nha đều mất giá mạnh trong những tuần lễ đầu năm. Société Générale của Pháp rơi mạnh nhất, mất giá đến gần 15 %, tương tự như đối tác Ý, Ubi Banka hay Deutsche Bank của Đức. Chỉ số StoxxEuro600 quan tâm tới 600 ngân hàng của châu Âu trong 6 tuần lễ đầu 2016 đã trượt giá 28 % và nếu so với thời điểm của tháng 4/2015 thì chỉ số này đã mất giá đến 42 %.

Lo ngại của giới đầu tư xuất phát từ chỗ khả năng sinh lời của các ngân hàng dự phóng cho năm 2016 bị thu hẹp lại vì hai lý do. Một là các ngân hàng châu Âu đã cấp đến 3.500 tỷ euro tín dụng cho các tập đoàn dầu khí. Trong bối cảnh giá dầu chỉ còn chưa đầy 30 đô la một thùng như hiện tại, nhiều người đặt câu hỏi : liệu các các công ty dầu khí cỡ nhỏ và trung bình có đủ sức hoàn lại vốn cho ngân hàng hay không.

Đây chính là lo ngại được kinh tế trưởng cơ quan tư vấn tài chính Oddo Securities, Bruno Cavalier, nêu ra. Theo chuyên gia này, nếu kịch bản đen tối đó xảy ra, những thành quả còn èo uột về tăng trưởng và một vài tia hy vọng vừa lóe lên trên thị trường lao động châu Âu sẽ bị cuốn trôi.

Lý do thứ nhì những lo ngại về tăng trưởng mà càng lớn thì mức độ rủi ro đối với các ngân hàng càng cao. Liên tiếp cả Quỹ tiền tệ Quốc tế lẫn Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cùng đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016. Kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi cho dù chính quyền Tokyo đã « bắn đi » cả ba mũi tên trong chính sách vực dậy kinh tế mang tên thủ tướng Shinzo Abe.

Trung Quốc đang chuyển hướng mô hình kinh tế với hậu quả trực tiếp là tỷ lệ tăng trưởng không còn ở mức từ 8 đến 10 % một năm như mong đợi. Thêm vào đó Bắc Kinh đang phải cấp bách giải quyết những bất cập của một mô hình tăng trưởng chạy theo thành tích với kết quả kèm theo là nợ công chồng chất.Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Mỹ McKinsey Global Institut, tổng nợ công của Trung Quốc vào quý 2/2014 tương đương với 282 % GDP của nền kinh tế thứ nhì trên toàn cầu.

Lo ngại về tăng trưởng

Nhìn sang các quốc gia đang phát triển khác, đầu máy tăng trưởng đang bị hỏng từ Brazil tới Nga. Ấn Độ là một ngoại lệ. Nhưng một con én không đem lại mùa xuân.

Trong khi đó tại khu vực đồng euro, trong cả năm 2015 tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng có 1,5 %. Đó là chưa kể tỷ lệ thất nghiệp tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu còn là một vấn đề cần được giải quyết gấp rút. Thêm vào đó là đe dọa Anh rút lui khỏi Liên Hiệp Châu Âu và khủng hoảng nhập cư kéo dài, khủng hoảng Hy Lạp mới chỉ tạm ổn định nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Gần đây, các ngân hàng của Ý, Bồ Đào Nha đã trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ, vì các tập đoàn này đang « bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ », nắm giữ quá nhiều công trái phiếu nhà nước và cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí.

Đe dọa có cận kề hay chưa ?

Trở lại với bất ổn trên các sàn chứng khoán từ Âu sang Á từ đầu năm tới nay và câu hỏi đặt ra là liệu những dao động mạnh đó có tác động gì tới các hoạt động kinh tế hay chưa. Chuyên gia về tài chính, Bruno Colmant, giảng dậy tại đại học Bỉ Louvain thận trọng phân biệt những tác động trong ngắn và dài hạn :

“Sự trồi sụt thất thường trên các thị trường tài chính trên thế giới, trước mắt chưa đe dọa đến các hoạt động kinh tế của toàn cầu. Bởi vì chưa tác động đến mức tiền lời của các doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu như hiện tượng này kéo dài, tăng trưởng bị đe dọa, bởi vì khi mà chỉ số chứng khoán dao động thất thường như vậy, tạo ra hoang mang. Không ai ‘yên ổn’ để tính toán những kế hoạch lâu dài.

Thứ nữa là nếu chứng khoán cứ liên tục mất giá như hiện nay, thì các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lây. Họ sẽ cắt giảm đầu tư, hay ít ra là cũng hoãn lại các dự án đầu tư, để đợi tình hình sáng sủa hơn. Đó là chưa kể, nếu tình hình còn xấu đi thêm, thì bước kế tiếp là các công ty sẽ phải sa thải nhân viên.

Nhưng tôi nhắc lại, hiện thời, tình hình chưa đến nỗi nguy kịch như vậy.

Về câu hỏi các sàn chứng khoán trên thế giới vì sao lại sụt giá, một trong những yếu tố trả lời nghi vấn đó là lo ngại từ phía các ngân hàng. Như đã biết trong bảy năm qua, lãi suất ngân hàng liên tục giảm. Đó là chính sách chung trên cả thế giới để hỗ trợ kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Khi lãi suất xuống thấp như vậy, ngân hàng không dễ kiếm lời nhờ các dịch vụ cho vay. Vì vậy họ đã phải tính đến những phương án khác, chẳng hạn như là đầu tư vào những lĩnh vực có rủi ro cao để dễ kiếm lời, hay là mở rộng các dịch vụ ngân hàng trên mạng và có phần dễ dãi hơn khi cấp tín dụng cho khách hàng … Có điều gần đây, ngành ngân hàng bị ‘tấn công’, người ta lo ngại nợ xấu của nhiều ngân hàng bắt đầu tăng cao, đặc biệt là các ngân hàng của Ý, của Bồ Đào Nha và Hy Lạp".

Khác biệt với khủng hoảng 2008

Câu hỏi mà mọi người muốn biết là liệu kịch bản một cuộc đại khủng hoảng như hồi năm 2008 có đang nhen nhúm hay không ? Trên điểm này có nhiều quan điểm rất khác nhau. Theo chuyên gia tài chính người Bỉ, Bruno Colmant thì câu trả lời là không :

" Tôi không nghĩ là kịch bản của năm 2008 sẽ xảy ra. Bởi vì vào năm 2008-2009, khủng hoảng tài chính đã bắt nguồn từ Hoa Kỳ sau vụ ngân hàng Lehmanbrothers tuyên bố phá sản vì nợ xấu. Khi đó, các ngân hàng châu Âu và Pháp đều cầm trong tay nợ xấu của các ngân hàng Mỹ. Thế rồi ngành ngân hàng cũng chiếm một trọng lượng rất lớn trong các hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ.

Ngược lại ngày nay, các ngân hàng châu Âu và Pháp đang nắm giữ rất nhiều tiền. Thực lực tài chính của các ngân hàng trên thế giới nhìn chung cũng rất vững chắc.

Thêm vào đó, châu Âu trong 7 năm qua đã thành lập một hệ thống lá chắn chống khủng hoảng tài chính. Nếu như có xảy ra khủng hoảng, tôi nghĩ tác động cũng không đến nỗi thảm hại như hồi năm 2008. Dù vậy, sự phục hồi kinh tế trên thế ngày nay chưa thực sự là vững chắc và chỉ cần một cơn sóng lớn một chút là cũng có thể đe dọa đến những tia hy vọng vừa chớm nở ".

Lo ngại vỡ bóng nợ công

Về phần kinh tế trưởng tập đoàn ngân hàng Saxo Bank, Christopher Dembik lo ngại khủng hoảng nợ công. Chuyên gia này không loại trừ khả năng một số các nền kinh tế rơi vào tầm ngắm của các nhà đầu cơ. Trong quá khứ giới này đã tấn công vào đồng bảng Anh và dường như đang nhòm ngó đến đồng bạc Trung Quốc. Thế rồi từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha và trong một chừng mực nào đó là cả Ý và Tây Ban Nha cũng đã trở thành những con mồi của giới này.

Đe dọa « vỡ bong bóng nợ công » cũng là mối ưu tư của nhà tài chính Bruno Colmant, đại học Louvain, Bỉ.

" Đúng như vậy. Nợ công không phải là đề tài đập vào mắt mọi người. Nhưng cần lưu ý là từ năm 2008, nợ của nhà nước ở mọi nơi đều tăng lên rất nhanh, chủ yếu do chính phủ đứng ra bảo lãnh nợ của một số công ty. Như đã biết, nợ của tư nhân hay các doanh nghiệp thì nguy hiểm vì đe dọa đến khả năng tiêu thụ và đầu tư.

Còn nợ công thì có nghĩa là nợ của các thế hệ ngày hôm nay đùn sang cho các thế hệ mai sau.

Theo tôi, điều đáng quan ngại hơn cả, là các ngân hàng trung ương, từ Mỹ đến Nhật, từ Trung Quốc tới châu Âu đều đã mặc nhiên trao quyền cho các cơ quan công quyền bơm tiền vào hệ thống kinh tế. Chưa bao giờ lãi suất chỉ đạo trên thế giới lại thấp như hiện nay. Chưa bao giờ chúng ta trong cảnh dư thừa tiền bạc như hiện nay. Cũng chính nhờ thế mà các chính phủ dễ dàng huy động vốn, dễ đi vay mà lãi phí ngân hàng không tăng thêm.

Nếu như trong tương lai, lãi suất tăng lên một chút thôi là thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công. Đó mới là mối đe dọa thực sự treo lơ lửng trên đầu chúng ta ".

Bóng chưa vỡ, nhưng nếu vỡ thì đại họa

Trả lời trên tuần báo L’Obs, kinh tế trưởng ngân hàng Natixis của Pháp và cũng là một chuyên gia tài chính và tiền tệ hàng đầu của Pháp ông Patrick Artus cho rằng đe dọa khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa cận kề, nhưng đợt sóng thần sắp tới, một khi bùng lên, sẽ vô cùng tai hại.

Thứ nhất theo kinh tế gia Artus, những trồi sụt thất thường trên thị trường tài chính quốc tế ở thời điểm này là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bị khủng hoảng hồi năm 2008-2009 ám ảnh.

Thứ hai, dù là ngành dầu khí đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng những ông khổng lồ như Exxon hay Total sẽ không mất khả năng thanh toán.

Nhưng điều đáng lo ngại là khối lượng tiền tệ khổng lồ đang lưu hành trên thế giới : số tiền này hiện cao gấp 10 lần so với thời điểm của năm 1996, tương đương với 30 % GDP toàn cầu. Đây là hậu quả trực tiếp từ các biện pháp bơm tiền mặt vào hệ thống kinh tế để « kích cầu » được các ngân hàng trung ương thế giới cùng áp dụng một lúc.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Patrick Artus nêu lên câu hỏi : Điều gì sẽ xảy tới nếu luồng tư bản đó được ồ ạt « chuyển dịch » từ một thị trường này tới thị trường khác ?

Để so sánh, trong cuộc khủng hoảng tài chính Á châu 1997-1998 các nước liên quan đã khốn khổ khi trông thấy từ 20 đến 30 tỷ đô la vốn rút khỏi các điểm nóng để được đầu tư vào những thị trường an toàn hơn.

Giờ đây, khi Hoa Kỳ tăng lãi suất chỉ đạo và các nền kinh tế đang phát triển bị hạ điểm tín nhiệm thì hàng tháng đã có tới 300 tỷ đô la từ các nước đang trỗi dậy đội nón ra đi. Khoản tiền khổng lồ đó góp phần thổi phồng thêm quả bóng địa ốc, tin học và cả nợ công.

Chính vì vậy chuyên gia kinh tế Artus của ngân hàng Natixis, cực lực lên án chính sách tiền tệ vô trách nhiệm của các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay. Điều mà ông Patrick Artus gọi là " sự điên rồ của các ngân hàng trung ương ".

Ông Patrick Artus kết luận : Khủng hoảng chưa cận kề nhưng trận sóng thần tài chính lần tới sẽ rất thảm khốc. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.