Vào nội dung chính
CUBA

Cuba, từ cái nôi của cách mạng đến trung tâm hòa giải quốc tế

Tại Cuba, ngày 12/02/2016, đã diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai lãnh đạo giáo hội Thiên chúa giáo lớn nhất, giáo hoàng Phanxicô và thượng phụ Kirill. Sự kiện này đánh dấu một bước mới của Cuba trên con đường chuyển biến từ một cái nôi của cách mạng Castro trở thành một trung tâm của hòa giải quốc tế, theo nhận định của các chuyên gia về Cuba được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, 13/02/2016.

Cờ Vatican sóng đôi bên quốc kỳ Cuba tại thủ đô La Habana ngày 10/02/2016. Cuba, từ cái nôi của cách mạng Castro trở thành trung tâm hòa giải quốc tế
Cờ Vatican sóng đôi bên quốc kỳ Cuba tại thủ đô La Habana ngày 10/02/2016. Cuba, từ cái nôi của cách mạng Castro trở thành trung tâm hòa giải quốc tế REUTERS/Alexandre Meneghini
Quảng cáo

Cho tới những năm gần đây, Cuba vẫn là một quốc gia bị cô lập trên trường quốc tế, bởi lẻ chính quyền Fidel Castro vẫn nuôi mộng « xuất khẩu » cách mạng và vẫn quan hệ với những quốc gia và những tổ chức bị phương Tây lên án. Nay Cuba đang chuyển đổi thành một quốc gia đi theo hướng hợp tác và đối thoại, thậm chí là nơi tổ chức các cuộc gặp gỡ hòa giải.

Chính là với vai trò của người khởi xướng và yểm trợ cho các phong trào du kích cánh tả thời thập niên 1970, chính quyền Castro từ 3 năm nay đã đón tiếp cuộc hòa đàm giữa Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia ( FARC ) với chính phủ Colombia.

Tiến trình hòa đàm theo dự kiến sẽ đạt kết quả trong những tuần tới và như vậy là Cuba đã đóng vai trò trung gian hiệu quả không thua gì Na Uy, quốc gia nổi tiếng về trình độ ngoại giao.

Hôm qua, Cuba lại vừa thành công một đòn ngoại giao ngoạn mục khác khi tổ chức cuộc gặp gỡ lịch sử giữa giáo hoàng Phanxicô với thượng phụ Kirill, một nhân vật thân Nga. Không phải vô cớ mà Vatican chọn La Habana làm nơi gặp gỡ: Cuba dẫu sao cũng có mối quan hệ đặc biệt với điện Kremlin, với tư cách là đồng minh từ thời chiến tranh lạnh. Điều đáng nói, đó là người đứng trung gian cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai Giáo hội Thiên chúa giáo lại là chủ tịch Raul Castro, một người vô thần.

Như nhận định của chuyên gia Brian Fonseca, giám đốc Viện Jack Gordon, trụ sở ở bang Florida, « Cuba đã là nơi diễn ra hai sự kiện vô cùng quan trọng. Điều này rất có thể sẽ tạo thêm chính đáng cho vai trò của ông Raul Castro với tư cách đứng làm trung gian về các hồ sơ quốc tế ».

Sau khi đã đưa Cuba đi theo con đường cải tổ kinh tế, ông Raul Castro đã không ngần ngại chọn con đường hòa giải với kẻ thù không đội trời chung thời chiến tranh lạnh Hoa Kỳ. Hai nước nay đã bình thường hóa bang giao, bây giờ chỉ chờ dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ, được ban hành từ thập niên 1960.

Nhưng điều đáng nói hơn cả, đó là chính quyền Cộng sản ở La Habana đã nối lại đối thoại với Giáo hội Công giáo Cuba, sau nhiều năm xung đột gay gắt. Chính nhờ đối thoại hòa giải này mà nước Cuba vô thần đã đón tiếp đến 3 vị giáo hoàng, ấy là chưa kể thượng phụ Chính thống giáo Nga, các lãnh đạo Tin Lành, Hồi giáo và cả Do Thái giáo.

Nhưng chuyên gia Sebastian Arcos, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế về Cuba, trụ sở ở bang Florida, lo ngại rằng những thành công ngoại giao có thể tô điểm thêm hình ảnh của Cuba trên trường quốc tế, nhưng ngược lại những thành công đó có thể khiến các cải tổ trong nước bị chậm lại, như đã từng xảy ra trong năm qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.