Vào nội dung chính
NGA-SYRIA-QUÂN SỰ

Syria: Nga đề nghị ngưng bắn kể từ tháng Ba

Chiến thuật vừa đánh vừa đàm của Nga trên chiến trường Syria bị Hoa Kỳ và các nước châu âu lên án. Trước áp lực này, qua tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Guennadi Gatilov, Matx cơva cho biết nhân hội nghị quốc tế về an ninh tại Munich, Đức, sẽ đề nghị một thỏa hiệp ngưng bắn kể từ đầu tháng Ba. Tuy nhiên Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận.

Một góc phố ở Maaret al-Numan, tỉnh Idlib, Syria sau đợt oanh kích của không quân Nga, ngày 12/01/2016
Một góc phố ở Maaret al-Numan, tỉnh Idlib, Syria sau đợt oanh kích của không quân Nga, ngày 12/01/2016 REUTERS
Quảng cáo

Từ Matxcơva, thông tín viên Etienne Bouche phân tích:

« Vai trò tích cực của Nga yểm trợ vũ lực cho đồng minh Damas làm các nước Tây phương kềm hãm tức giận từ lâu nay. Tuy nhiên, những đợt oanh kích dồn dập và thành phố Aleppo, lần này đã gây phản ứng rất mạnh từ Washington và các thủ đô châu Âu, lên án hành động quân sự của Nga gây ra thảm nạn cho thường dân.

Thế nhưng, các phản ứng này không làm Matxcơva thay đổi thái độ. Hôm thứ tư 10/02, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitali Tchourkin, chỉ trích Tây phương « khai thác với ý đồ chính trị » thảm nạn nhân đạo tại Syria. Nhà ngoại giao Nga nói : chúng tôi không có ý định xin lỗi vì những việc chúng tôi làm. Chúng tôi hành xử một cách công khai, can thiệp tại Syria trên cơ sở pháp lý, theo yêu cầu của Nhà nước Syria. Trái với Mỹ, hành động vượt lên trên công pháp quốc tế.

Tuy phản ứng như thế, Matxcơva cam kết sẽ thảo luận với Washington. Hôm nay 11/02 tại Munich, Nga đưa ra các đề nghị mà cho đến nay chưa được trình bày rõ ràng. Matxcơva tuyên bố muốn phát huy một giải pháp chính trị qua đàm phán giữa các phe Syria với nhau.

Theo một nguồn tin Tây phương, Nga sẽ đề nghị một lệnh ngưng bắn kể từ ngày 01/03/2016. Trong tình thế chiến trường hiện nay, đề nghị này khó có thể được Mỹ chấp nhận ».

Trên chiến trường, song song với cuộc phản công của quân đội Damas, lực lượng của sắc tộc Kurdistan-Syria cũng thừa cơ hội đánh chiếm phi trường quân sự chiến lược từ tay một tổ chức Hồi Giáo võ trang không thuộc phe Daech. Theo cơ quan nhân quyền độc lập Syria OSDH, các đơn vị « bảo vệ nhân dân » của Kurdistan và đồng minh Ả Rập đã đẩy lui các chiến binh Hồi Giáo ra khỏi phi trường và thành phố Minnigh, ở phía bắc Aleppo . Quân đội Syria bị mất căn cứ không quân và thành phố Minnigh từ năm 2013.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại cho số phận của 120.000 thường dân Syria ở tỉnh Homs, bị chiến dịch oanh kích của Nga cắt đường tiếp tế lương thực.

Theo báo cáo mới nhất của Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Syria, một tổ chức phi chính phủ hoạt động cho Liên Hiệp Quốc, 11,5% dân số Syria là nạn nhân của cuộc chiến tại nước này, trong đó có 400.000 tử vong vì bom đạn, 70.000 chết vì thiếu nước sạch và thuốc men. Số bị thương là 1,9 triệu người. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, trước khi từ chức để nhận nhiệm sở mới, lên án Nga và Iran « đồng lõa với sự bạo tàn » của tổng thống Syria. Ông cũng chỉ trích thái độ « mập mờ » Mỹ trong hồ sơ Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.