Vào nội dung chính
NGA-XÃ HỘI

Nga : Một tổ chức phi chính phủ đầu tiên bị tuyên bố giải thể

Tại Nga, lần đầu tiên kể từ khi luật về các « cơ quan làm việc cho ngoại quốc » được ban hành, một tổ chức phi chính phủ có nguy cơ bị giải tán sau phán quyết của một tòa án địa phương ngày 10/02/2016. Theo yêu cầu của bộ Nội Vụ Nga, Tòa Án Tối Cao vùng Tatarstan, nơi đặt trụ sở của Hiệp hội bảo vệ nhân quyền Agora, đã ra lệnh giải thể tổ chức này trên toàn bộ lãnh thổ Nga. Hiệp hội này đã đệ đơn kháng án.

Igor Kalyapin, chủ tịch Ủy ban liên vùng chống tra tấn tại Nga.
Igor Kalyapin, chủ tịch Ủy ban liên vùng chống tra tấn tại Nga. AFP PHOTO / YURI KADOBNOV
Quảng cáo

 

Từ Mátxcơva, thông tín viên RFI phân tích :

Agora là một hiệp hội của các luật gia, luật sư, đã dấn thân rất tích cực vào các vụ kiện mang tính chất chính trị, chẳng hạn như vụ kiện các nhà đấu tranh Bolotnaya, nhóm nhạc Pussy Riots, hay gần đây hơn là nhà làm phim Oleg Sentsov hoặc nghệ sĩ Petr Pavlensky.

Tổ chức này ra đời từ năm 2005. Trong năm 2013, chính quyền đã ra lệnh cho Agora đăng ký thành một cơ quan «làm việc cho ngoại quốc», và vào tháng Bảy năm 2014, bộ Tư Pháp đã tự động đưa tên tên của Agora vào danh sách đó.

Theo Agora, họ bị bộ Tư Pháp chỉ trích là đã tìm cách gây ảnh hưởng trên dư luận và chính sách của chính phủ. Theo chính quyền, những hành động bị coi là « chính trị » đó đã được phát hiện trong các cuộc phỏng vấn các nhà lãnh đạo của Hiệp hội, và những lời khuyên trong các khóa tập huấn các luật sư, do hiệp hội tổ chức.

Điều đáng nói là phán quyết giải tán tổ chức Agora được đưa ra cùng một ngày với việc Hội Đồng Nhân Quyền bên cạnh tổng thống Nga, đã lên tiếng đả kích một dự thảo sửa đổi bộ luật về các cơ quan làm việc cho nước ngoài, định nghĩa thế nào là hoạt động chính trị.

Hội đồng này lưu ý rằng định nghĩa do chính phủ đề xuất, thay vì làm rõ và hạn chế diện « cơ quan làm việc cho ngoại quốc », đã mở rộng phạm vi áp dụng bộ luật để bao trùm gần như tất cả các hoạt động. Hội đồng đã đề nghị chính phủ xem xét lại nội dung dự thảo văn kiện.

Trong vòng bốn năm qua, đã có 116 tổ chức phi chính phủ tại Nga bị liệt vào diện «cơ quan làm việc cho ngoại quốc».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.