Vào nội dung chính
ANH QUỐC

"Brexit" : Thủ tướng Cameron áp lực cả trong lẫn ngoài

 Trong vòng 36 giờ đồng hồ vừa qua, chính trường nước Anh nóng bừng lên với những cuộc tranh luận gay gắt về nội dung của bản thỏa thuận mà thủ tướng Anh David Cameron đã ký sau cuộc thương lượng kéo dài với chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk. Nội dung chính xoay quanh các quyền lợi về thuế và trợ cấp mà nước Anh phải chi trả cho dân nhập cư mang quốc tịch các nước Liên hiệp châu Âu, mà Ba Lan là nhóm chiếm đa số.

Thủ tướng Anh lên truyền hình BBC ngày 10/01/2016 giải thích trước cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở lại Liên hiệp châu Âu .
Thủ tướng Anh lên truyền hình BBC ngày 10/01/2016 giải thích trước cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở lại Liên hiệp châu Âu . REUTERS/Jeff Overs/BBC
Quảng cáo

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm chi tiết: 

Theo thông lệ của quốc hội Anh, thì 12 giờ trưa thứ Tư hàng tuần là buổi điều trần mà thủ tướng phải trả lời tất cả mọi chất vấn của nghị sĩ từ bên phía đối diện là các đảng đối lập, lẫn ngay từ bên cạnh và đằng sau lưng là các nghị sĩ trong chính phủ và từ liên minh đảng cầm quyền của mình. Giới chuyên gia nhận định đây là phiên điều trần có lẽ căng thẳng nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp làm thủ tướng của ông David Cameron. Đó là vì nội dung lẫn thời điểm công bố của bản hiệp ước yêu cầu thay đổi cơ chế vận hành Liên hiệp châu Âu để dân chúng nước Anh có cơ sở ra quyết định sẽ bỏ phiếu ở lại hay rút tên nước Anh ra khỏi Liên hiệp châu Âu.

Từ đầu tuần, báo chí đã nóng lòng chờ tin mà cũng là kết quả của cả một quá trình đàm phán kéo dài từ cuối năm ngoái tới giờ. Đến phút chót, cuộc thương thuyết lại được kéo dài thêm 24 giờ đồng hồ nữa và trưa hôm qua, ngay khi công bố thì câu chuyện về lao động nhập cư được báo chí tóm bắt luôn và ngay lập tức hâm nóng chính trường nước Anh từng giờ một.

Tất cả báo chí sáng nay đều xoay quanh câu chuyện này trên trang nhất, và các tranh luận trên truyền hình cho thấy cả hai phe, ủng hộ hay phản đối tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên hiệp châu Âu, đều có chung một quan điểm là chỉ trích thủ tướng David Cameron. Cho nên, không chỉ phải đối phó với những câu hỏi tức thời của các nghị sĩ quốc hội mới được đọc nội dung văn bản ký kết hồi sáng nay, mà thủ tướng Anh sẽ còn phải đối phó với những chỉ trích kéo dài của dư luận trong những ngày tới.

Tại sao vấn đề di dân lại rắc rối trong chính trường nước Anh?

Đúng là như vậy, và hiện nay ở nước Anh người ta thực sự chưa phân biệt rõ giữa di dân tị nạn ăn trợ cấp chính phủ, với di dân theo diện hợp pháp, là người lao động từ các nước Liên hiệp châu Âu được quyền sang Anh lao động, và ăn trợ cấp xã hội. Nhưng đối với người Anh, thì cả hai đều là người nước ngoài vào đây để kiếm việc làm do chênh lệch về thu nhập cao hơn nước của họ, và nhiều di dân vào Anh thậm chí còn không làm việc mà chỉ ăn lương thất nghiệp, kéo theo là trợ cấp nhà cửa và trợ cấp cho con cái.

Nhóm di dân bị chú ý nhiều nhất là người Ba Lan với khoản tiền trợ cấp cho người có thu nhập thấp, gọi là tiền hoàn thuế Working Tax Credit. Nếu được xếp vào nhóm thu nhập thấp thì người lao động sẽ không phải đóng thuế mà ngược lại, sẽ được nhận thêm trên 5.000 bảng mỗi năm, tức gần 200 triệu đồng tiền Việt.

Thêm vào đó là tiền trợ cấp thuế cho con, gọi là Child Tax Credit, cũng được thêm ít nhất là khoảng chừng đó nữa. Đó là chưa kể đến tiền trợ cấp nuôi con Child Benefit hay các khoản tiền khác như là trợ cấp nhà cửa Housing Benefit và trợ cấp bảo hiểm y tế. Có hiện tượng người Ba Lan đi làm kiếm rất nhiều tiền nhưng khai thuế thấp để hưởng tất cả mọi loại tiền vừa kể, mà chỉ riêng tiền trợ cấp thuế cho trẻ em gửi về nước là đủ để nuôi con và cả gia đình ông bà nội ngoại chăm cháu.

Xuất phát điểm ban đầu của thủ tướng David Cameron là cắt bỏ ngay lập tức hai khoản tiền hoàn thuế, nhưng nay thì phải chấp nhận chỉ tạm ngưng chi khoản trợ thuế cho người thu nhập thấp, còn trợ cấp cho trẻ con thì vẫn phải duy trì. Trên thực tế văn bản thì cũng không hoàn toàn rõ ràng như các đòi hỏi ban đầu, cho nên giới bình luận coi đây là bước lùi của thủ tướng Anh, khiến cho cả hai phe có quan điểm đối nghịch nhau về Liên hiệp châu Âu đều hướng sự chỉ trích vào ông thủ tướng.

Nội dung bản thỏa thuận mới có làm đảng Bảo Thủ mất thêm phiếu?

Đó chính là mối lo khiến cho các nghị sĩ ngồi đằng sau thủ tướng Anh sớm hay muộn gì rồi thì cũng sẽ có những câu hỏi khó dành cho lãnh đạo đảng của mình. Vấn đề chính trị, EU hiện không còn đơn thuần là cơ chế giữa các quốc gia mà bản sắc dân tộc đang chi phối ở mọi hệ tầng chính trị.

Ví dụ như bên phía kia của bản thỏa thuận là chữ ký của người lãnh đạo Hội đồng châu Âu, nhưng đồng thời cũng là cựu thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Ông ta cũng sẽ phải đối mặt với áp lực từ các đảng phái và dân chúng Ba Lan, và trong quá trình đàm phán cũng phải cân nhắc nhiều đến lợi ích của người Ba Lan đang sống ở Anh.

Hiện ước tính có trên một triệu rưỡi người Ba Lan sống ở Anh, mà số lượng tội phạm phải trục xuất đủ để tuần nào cũng phải tổ chức một chuyến bay riêng vào thứ Năm để đưa họ về nước. Theo luật Anh thì công dân các nước EU sống trên 3 năm là có quyền bỏ phiếu bầu nghị viên cấp cơ sở, cho nên thỏa thuận ở mức trung ương cũng ảnh hưởng ngay lập tức đến sự ủng hộ cho đảng ở mức địa phương, tức cũng chính là nền móng về kinh tế và chính trị cho thể chế cầm quyền.

Hiện tại các nghị sĩ xứ Scotland cũng đang đấu tranh mạnh cho quyền lợi về thuế của cử tri của họ, cho nên thỏa thuận của thủ tướng Anh với Liên hiệp châu Âu cũng phải cân nhắc đến điều đó. Ngoài ra, nước Anh cũng phải tính đến lá phiếu của người dân ở Gibraltar, là vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Anh nằm ở phía nam của Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này có thể thấy rằng thủ tướng David Cameron đã quyết định ký vào bản thỏa thuận, tức là đã sẵn sàng đối mặt với các thách thức chính trị đến từ trong nước, lẫn Quốc hội châu Âu và chính phủ các nước Liên hiệp châu Âu trong thời gian tới. Chắc chắn đây sẽ là những câu chuyện nóng bỏng trên báo chí nước Anh và các nước Liên hiệp châu Âu trong thời gian tới.


Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.