Vào nội dung chính
NATO - NGA

NATO muốn nối lại đối thoại thượng đỉnh với Nga

Quan hệ giữa Nga và NATO - Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - trên nhiều lĩnh vực bị gián đoạn kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Trong thời gian gần đây, một số động thái từ phía lãnh đạo NATO cho thấy khối này muốn nối lại quan hệ chính thức với Nga ở cấp thượng đỉnh.

Một cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga tháng 7/2011 tại Sotchi, Nga.
Một cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga tháng 7/2011 tại Sotchi, Nga. Ảnh : AFP/MIKHAIL MORDASOV
Quảng cáo

Theo AFP, hôm qua, trong cuộc họp các đại sứ của 28 nước thành viên NATO, tổng thư ký Jens Stoltenberg khẳng định NATO có ý định tổ chức một cuộc họp chính thức với Nga, nhắm nối lại với truyền thống đối thoại ở cấp thượng đỉnh, bị gián đoạn từ tháng 6/2014, sau biến cố Crimée.

Tổng thư ký NATO cho biết : « Chưa có một quyết định cuối cùng nào được đưa ra, nhưng chúng tôi sẽ trao đổi với phái đoàn Nga tại NATO, và chúng tôi sẽ cùng quyết định một thời điểm cho cuộc họp ».

Theo tổng thư ký NATO, lợi ích của một đối thoại như vậy cho phép hai bên tránh được các hiểu lầm và các sự cố, khi Nga gia tăng hoạt động quân sự cùng một lúc tại sườn phía đông của NATO, tại khu vực biển Baltic, và sườn phía nam, tại Syria. Ông Jens Stoltenberg cũng nhắc lại vụ một máy bay ném bom của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của khối NATO - bắn hạ hồi tháng 11, vì cho rằng phi cơ này xâm nhập không phận.

Theo chủ tịch Hội đồng quân sự NATO, tướng Petr Pavel, người Sec, việc thiếu trao đổi giữa Nga và NATO là một điều "rất nguy hiểm". Hội đồng quân sự được coi là là cấp cao nhất của NATO, với các thành viên là bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO.

Quan hệ giữa NATO với Nga đầy nghi ngờ, đặc biệt với cuộc can thiệp quân sự lớn của Nga tại Syria, can thiệp ra nước ngoài lớn nhất của Nga kể từ chiến tranh Afghanistan. Chính quyền Nga cũng chủ trương gia tăng phát triển mạnh quân đội để cạnh tranh với phương Tây. Hồi tháng 11/2015, trả lời phỏng vấn kênh Euronews, tổng thư ký NATO bày tỏ lo ngại trước những phản ứng bất thường của Nga, về việc các nhà quan sát không được mời tới dự tập trận.

Nỗ lực của Đức và áp lực của Hoa Kỳ

Theo nhiều nhà quan sát, thế đối đầu giữa Nga và NATO có thể leo thang thành xung đột công khai, nếu không được kiểm soát.  Căng thẳng đặc biệt dâng cao với biến cố máy bay Nga bị bắn rơi tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ý tưởng nối lại đối thoại quan hệ giữa NATO với Nga trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga trước đó đã thường xuyên được ngoại trưởng Đức nêu ra, nhưng bị đa số thành viên NATO phản đối.

Tháng 12/2015, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Nga sáp gần nhau trong mục tiêu giải quyết khủng hoảng Syria, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ủng hộ ý tưởng của đồng nhiệm Đức. Các thành viên NATO khu vực Tây Âu sau đó cũng ngả theo quan điểm này. Tình thế mới này buộc các nước khu vực Đông Âu phải chấp nhận rời bỏ chủ trương cứng rắn với Nga, sau can thiệp của Nga vào miền đông Ukraina.

AFP dẫn lời một nhà ngoại giao hồi tuần trước, cho rằng : NATO đã có nhiều thập niên căng thẳng với Nga, để tránh cho việc này tái diễn, cần phải tìm ra một thỏa hiệp.

Về động thái của NATO muốn nối lại đối thoại với Nga  báo mạng Nga Sputnik dẫn lời ông Wolfgan Ischinger, chủ tịch Hội nghị Munich về an ninh, mà cuộc họp tới sẽ diễn ra tháng 2 tới (ngày 12-14/02). Theo đó, nguy cơ căng thẳng giữa Nga và NATO chưa bao giờ cao như hiện nay, kể từ khi Thế chiến Hai chấm dứt.

Hội nghị Munich thường niên về an ninh, được thành lập năm 1963, là một cơ chế trao đổi thông tin không chính thức giữa các lãnh đạo chính trị, nghị sĩ, giới chức quân sự cao cấp, khoa học gia, và các đại diện của truyền thông, về các vấn đề chính trị đối ngoại và chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ và châu Âu. Theo dự kiến, thủ tướng Nga sẽ đứng đầu phái đoàn Nga tham dự hội nghị này.

Tính hữu ích của Hội đồng NATO – Nga

Hội đồng NATO – Nga được quyết định thành lập trong một thượng đỉnh NATO - Nga tại Roma, ngày 28/05/2002. Cơ chế đối thoại mới này thay thế cho Hội đồng phối hợp thường trực CCP, một diễn đàn tham vấn và hợp tác, được lập ra theo thỏa thận NATO – Nga, ký năm 1997.

Trong khuôn khổ của Hội đồng NATO – Nga, các thành viên của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương có thể hợp tác với Nga với tư cách đối tác bình đẳng, về một loạt các vấn đề an ninh chung, với công thức 29 thành viên, khác với công thức 28+1, trong khuôn khổ Hội đồng thường trực CPP.

Theo NATO, kể từ khi thành lập cho đến trước khủng hoảng Ukraina, Hội đồng NATO – Nga trở thành một cơ chế hiệu quả, cho các hoạt động phối hợp và các quyết định chung giữa Matxcơva và phương Tây về mặt quốc phòng, an ninh, với rất nhiều tiếp xúc, tham vấn chính thức, và phi chính thức ở nhiều cấp, trong nhiều lĩnh vực. Các đối thoại thường diễn ra trong một không khí « hữu nghị và chuyên nghiệp », theo đánh giá của NATO.

Ba Lan sợ Nga

Trở lại với quan hệ hiện tại giữa NATO và Nga. Xu thế nối lại quan hệ hữu nghị nói trên gặp nhiều phản ứng mạnh từ Ba Lan, một thành viên quan trọng của khối ở miền đông. Các lãnh đạo Ba Lan liên tục lên tiếng. 

Quan điểm của Ba Lan là NATO cần phải lập một số đơn vị thường trú tại Ba Lan hoặc ở khu vực trung Âu để đối phó với Nga. Cho đến nay, NATO không có các căn cứ tại khu vực này, do một thỏa thuận với Nga năm 1997.

Hôm qua, theo AFP, trong chuyến công du tại Berlin, bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz nhấn mạnh NATO cần phải tăng cường hiện diện tại miền đông của châu Âu, để sẵn sàng đối phó với đe dọa của Nga.

Lãnh đạo quốc phòng Ba Lan khẳng định đây là vấn đề ưu tiên tại thượng đỉnh của NATO tháng 7 tới, tại Vacxava. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nói rõ : « Sự xâm lược Nga tại Ukraina vẫn là một vấn đề rất quan trọng ».

Trước đó, ngoại trưởng Ba Lan cáo buộc Đức đã « phục vụ cho lợi ích của Matxcơva » tại miền đông của châu Âu. Ba Lan trở nên cứng rắn gấp bội với Nga, kể từ khi đảng bảo thủ của ông Kaczynski lên cầm quyền, hồi tháng 10/2015. Còn tổng thống Ba Lan Andrej Dada, ngày 18/01, cũng nói rõ : « điều quan trọng là các đơn vị của NATO phải được triển khai và có sự hiện diện rõ tại miền đông châu Âu », để bảo đảm « an ninh cho các nước có chung đường biên giới với Nga ».

Về phần mình, bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trấn an Ba Lan. Bà cho biết, thượng đỉnh tới của NATO sẽ cho phép liên minh quốc phòng này có các phản ứng « mềm dẻo hơn và nhanh chóng hơn », do « những thay đổi của tình hình an ninh » hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.