Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Khủng hoảng kinh tế Nga : Thách thức vẫn ở phía trước

Đăng ngày:

Nga chới với vì dầu hỏa tuột dốc, đồng rúp mất giá ở mức kỷ lục so với đô la. 40 % dân Nga không có phương tiện để vừa mua sắm vừa bảo đảm nhu cầu lương thực. Theo Hội đồng Cố vấn An ninh quốc gia của tổng thống Putin, yếu kém tài chính là một trong những mối đe dọa đến ổn định của nước Nga.

40 % dân Nga không có phương tiện để vừa mua sắm vừa bảo đảm nhu cầu lương thực. (Ảnh: Quầy thu ngân một cửa hàng tại Krasnoyarsk, Nga ngày 11/01/2016)
40 % dân Nga không có phương tiện để vừa mua sắm vừa bảo đảm nhu cầu lương thực. (Ảnh: Quầy thu ngân một cửa hàng tại Krasnoyarsk, Nga ngày 11/01/2016) REUTERS/Ilya Naymushin
Quảng cáo

Toàn bộ ngân sách Nga trong năm 2016 được soạn thảo trên kịch bản dầu hỏa được bán ra với giá 50 đô la một thùng. Trong tháng 1/2016, giá dầu có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 30 đô la. Bộ trưởng Kinh tế Alexeï Oulioukaïev tại diễn đàn Gaidar- tổ chức ở Matxcơva vào trung tuần tháng Giêng 2016- bi quan cho rằng : « Sắp tới đây, có thể là những quốc gia sản xuất dầu hỏa còn mất luôn cả nguồn thu nhập đến từ các hoạt động khai thác và xuất khẩu (…) Trong tương lai, những nguồn năng lượng truyền thống sẽ được thay thế bằng những sản phẩm mới và cũng có thể là thế giới sẽ không còn cần đến dầu hỏa nữa ».

Nga lúng túng vì dầu hỏa

Cũng tại diễn đàn này, một trong những người tiền nhiệm của ông Oulioukaïev là German Gref, hiện là chủ nhân tập đoàn ngân hàng Sberbank, cũng bi quan không kém khi cho rằng, nước Nga đã « bỏ lỡ cơ hội » giảm bớt mức độ lệ thuộc vào dầu lửa. Cho tới nay, đây cột trụ của ngành xuất khẩu Nga, chiếm 70 % tổng kim ngạch xuất khẩu, là nguồn thu nhập đêm về đến 50 % ngoại tệ cho cả nước và bảo đảm đến 2/3 ngân sách cho chính quyền Matxcơva.

Thách thức lớn đặt ra cho nước Nga, như bộ trưởng Tài chính Anton Silouanov đã ghi nhận : Ngay cả trong trường hợp giá dầu còn ở mức 50 đô la một thùng, thâm hụt ngân sách nhà nước đã lên tới khoảng 3 % GDP và trong kịch bản đó, Matxcơva không bảo đảm « tính độc lập tài chính » của Liên bang Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Alexeï Oulioukaïev chờ đợi chu kỳ dầu hỏa rẻ sẽ « rất dài ». Ngày 13/01/2016, thủ tướng Medvedev không loại trừ khả năng các bộ sẽ phải cắt giảm 10 % chi tiêu.

Putin : « Nga sẽ phải đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất »

Thống kê được công bố ngày 25/01/2016 ghi nhận : tổng sản phẩm nội địa của Nga trong năm 2015 đã giảm mất 3,7 % so với thành tích vốn đã rất èo uột của tài khóa 2014. Vấn đề đặt ra là những khó khăn chồng chất đó diễn ra vào lúc Nga bầu lại Quốc hội vào tháng 9/2016, tốn đến vài chiến dịch quân sự tại Syria từ tháng 9/2015 buộc Matxcơva phải xuất ra nhiều triệu đô la mỗi ngày. Thêm vào đó là các biện pháp của Châu Âu và Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế Nga, sau khi chủ nhân điện Kremlin sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào với nước Nga.

Nhìn đến đơn vị tiền tệ thì đồng rúp đang từ 40 đổi lấy 1 đô la, nay những ai buôn bán làm ăn hay đi vay tín dụng bằng ngoại tệ phải chi ra hơn 80 rúp mới mua nổi 1 đồng tiền Mỹ.

Không hẹn mà chỉ cách nhau khoảng hai tuần lễ, cả tổng thống Vladimir Putin lẫn thủ tướng Dmitri Medvedev đều cho rằng nếu dầu hỏa còn tiếp tục mất giá thì nước Nga sẽ phải đối mặt với « kịch bản tồi tệ nhất ».

Tổng thống Putin bị lôi vào vòng xoáy ?

Trong thông cáo công bố ngày 19/01/2016, Hội đồng cố vấn an ninh quốc gia Nga lo ngại « bất cân bằng về ngân sách » là một mối đe dọa tiềm tàng.

Lãnh đạo định chế này, ông Nicolai Patrouchev, một người thân cận của tổng thống Putin, cho rằng nhịp độ phát triển không đồng đều giữa 83 vùng trong Liên bang và toàn cảnh tài chính bấp bênh của một số địa phương cũng có thể trở thành một mối đe dọa đến ổn định xã hội.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Xã hội và Dân số, bà Natalia Zoubarevitch, báo động đối với 51 trên tổng số 83 tỉnh thành, mức nợ công đã cao quá 50 % so với mức thu nhập, 4 trong số đó có mức nợ lớn hơn toàn bộ của cải làm ra.

Lạm phát trong năm 2015 lên tới 15 % theo các con số chính thức. Số người sống dưới ngưỡng nghèo khó đang từ 18 triệu năm 2014 tăng lên thành hơn 20 triệu vào năm ngoái.

42 tỉnh thành đã cắt giảm ngân sách giáo dục, 18 địa phương đã cắt giảm các dịch vụ y tế công cộng.

Những khó khăn của Nga bắt nguồn từ đà lao dốc không phanh của dầu hỏa và đây là nước cờ Ả Rập Xê Út đã tung ra để răn đe nhiều đối thủ, trong đó có nước Nga. Với những gì đang diễn ra trước mắt, Ryiad đang phần nào thành công trong chiến lược dùng lá bài kinh tế để giảm bớt ảnh hưởng của Matxcơva trên ván cờ quốc tế ?

Đối với đời sống thực sự hàng ngày của 146 triệu dân Nga thì sao ? Thông tín viên Hoàng Dung từ Matxcơva: 

08:34

TTV Hoàng Dung - Matxcơva

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.