Vào nội dung chính
UKRAINA - LÊNIN

Ukraina đã nói goodbye Lênin như thế nào ?

Tại Ukraina, theo đạo luật « phi cộng sản hóa » được thông qua hồi tháng 4/2015, các tượng đài thời kỳ xô-viết cũ cần phải bị phá hủy hoặc chuyển đổi công năng. Bên cạnh đó là đổi tên 943 địa phương, và các tên đường có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản, từ các đại lộ cho đến đường sá tại các làng nhỏ, hay tên trạm xe điện ngầm.

Tượng Lênin bị dân chúng Kharkov, Ukraina giựt sập ngày 28/09/2014.
Tượng Lênin bị dân chúng Kharkov, Ukraina giựt sập ngày 28/09/2014. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Cho đến ngày 21 tháng Hai năm 2016, các địa phương phải ra quyết định về việc thay đổi tên gọi theo luật, sau đó sẽ đưa ra Quốc hội. Thời hạn này đã gây ra các tranh luận trên toàn quốc.

Không chỉ tại các thành phố lớn, mà toàn cảnh các đô thị Ukraina đều bị bão hòa bởi các tên đường và các tượng đài của kỷ nguyên xô-viết. Đã có 4.200 tượng Lênin bị tháo dỡ, đập bỏ hoặc đưa đi đúc lại từ khi tuyên bố độc lập, và nếu kể từ cuộc cách mạng tháng 11 năm 2013 thì con số này là 857.

Nhưng vẫn còn đến 1.300 tượng đài hiện diện tại Ukraina, chưa kể các tượng Lênin và Stalin được dựng lại ở vùng Donbass đang do quân nổi dậy thân Nga kiểm soát.

Trên khắp cả nước, trừ miền tây, có vô số đại lộ mang tên Lênin, trên 200 con đường Félix Dzerjinski – tên của người sáng lập ra Tcheka, tiền thân của KGB, mà bức tượng bán thân đang ngự trị trên bàn làm việc của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bên cạnh đó là những con đường mang tên các cán bộ địa phương của đảng hay cơ quan mật vụ. Những cái tên thường bị quên lãng, nhưng có thể là những người đã gây ra trận đói lớn năm 1933 hay các vụ đàn áp khác.

Làm sao quyết định được những cái tên nào sẽ phải đối, trong một vùng xám nhiều nhân vật khác nhau tuy hợp tác với chế độ cũ, nhưng trách nhiệm hình sự thì chưa rõ ? Chọn tên mới nào ? Có nên thay thế hết các tượng đài xô-viết ?

Phong trào xã hội « Leninopad » (tức sự sụp đổ của Lênin, hay Goodbye Lênin) chứng tỏ trí tưởng tượng rất phong phú. Nhiều bức tượng đã bị đập bỏ, nhưng một số khác được sơn lên màu cờ Ukraina xanh và vàng. Hoặc như tại Odessa, tượng Lênin đã được một nhà điêu khắc chuyển đổi thành tượng nhân vật Dark Vador trong « Chiến tranh giữa các vì sao » - một hình tượng được ưa chuộng trong thời kỳ hậu Maidan.

Tại Dniepropetrovsk, trên 300 tên đường đã được đổi. Ở Kiev, chính quyền địa phương tham khảo ý kiến người dân về việc chọn lựa các tên đường mới. Người ta cũng tranh luận về giá trị nghệ thuật và lịch sử của một số bức tượng.

Làm thế nào hòa hợp được giữa đòi hỏi tự do và cái đẹp, làm sao để trút bỏ những dấu vết của quá khứ toàn trị mà không phá hủy đi các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong thời kỳ đó ? Theo tác giả Philippe de Lara trên báo Libération, sự chia rẽ này là vô ích trong một đất nước đang chiến tranh, nơi không thiếu các vấn đề thiết yếu hơn và Nhà nước pháp quyền đang tiến rất chậm chạp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.