Vào nội dung chính
NGA - LÊNIN

Lênin vẫn hiện diện khắp nước Nga, 25 năm sau khi cộng sản sụp đổ

Làm thế nào đi từ công viên « 50 năm Cách mạng Tháng Mười » đến quảng trường Tháng Mười ở Matxcơva, nơi một bức tượng khổng lồ của Lênin sừng sững ngự trị ? Hãy đi từ đường Kroupskaia (tên vợ Lênin) hay đường Maria Oulianova (tên mẹ Lênin) rồi sang đại lộ Lênin, cắt ngang đường Dimitri Oulianov (tên em của Lênin).

Tượng Lênin ở Yalta (Crimée).
Tượng Lênin ở Yalta (Crimée). RFI/Muriel Pomponne
Quảng cáo

Gần 25 năm sau khi Liên Xô cùng với chế độ cộng sản sụp đổ, Lênin, qua đời ngày 21 tháng Giêng năm 1924, vẫn hiện diện trên khắp nước Nga, nơi hàng ngàn con đường và tượng đài luôn vinh danh thủ lãnh cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 và là nhà sáng lập ra Nhà nước Xô Viết.

Một tấm biển ở trung tâm thủ đô ghi rõ : « Trong tòa nhà này, hôm 19 tháng Bảy năm 1918, Vladimir Ilitch Lênin đã tham gia cuộc họp các cơ sở đảng tại các xí nghiệp ở khu phố Zamoskvoretchie ». Xa hơn một chút, một tấm biển khác nhắc nhở : « Từ ban công này, Vladimir Ilitch Lênin đã phát biểu với các đoàn quân người lao động cộng sản vùng Yaroslavl và Vladimir chuẩn bị tiến ra tiền phương ».

Ảnh hưởng lên vô thức của tập thể

Sau khi Liên Xô và chế độ cộng sản sụp đổ, tổng thống đầu tiên của Nga là Boris Eltsine đã không đụng đến Lênin, cho dù bị tố cáo mạnh mẽ là người thiết lập hệ thống đàn áp và toàn trị xô-viết. Người kế nhiệm ở điện Kremli, Vladimir Putin, tỏ ra hoài nhớ quá khứ xô-viết, cũng có thái độ tương tự.

Ông Lev Goudkov, giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội Matxcơva nói với AFP : « Người dân đã quen thuộc, và phương diện ý thức hệ liên quan tới cái tên Lênin đã biến mất. Nhưng sự hiện diện này ảnh hưởng lên dân chúng, và bắt rễ trong tâm thức của tập thể. Lênin cũng được coi là một nhân vật lịch sử, một nhân cách tích cực của quá khứ chúng tôi ».

Theo một cuộc thăm dò do trung tâm nghiên cứu nhà nước VTSIOM thực hiện năm 2014, khoảng 63% dân số thuận tình với việc duy trì các tượng đài Lênin, chỉ có 19% muốn tháo dỡ đi.

Những người đã sống qua thời kỳ Liên Xô cũ, hoặc vui mừng, hoặc cay đắng tùy theo trường hợp ; trước sự hiện diện dai dẳng của quá khứ xô-viết và ý thức hệ cộng sản.

« Các tượng đài này gây bực dọc cho tôi. Cần phải đưa hết chúng vào bảo tàng ». Viktor Dziadko, một người dân Matxcơva 60 tuổi nói, không hề giấu diếm sự thù địch đối với cuộc cách mạng bôn-sê-vich.

Những người trẻ hơn có vẻ tách biệt với quá khứ. Lev Goudkov cho biết : « Chúng tôi nhận thấy tâm trạng dửng dưng ngày càng tăng lên. Lênin chẳng đại diện cho cái gì cả đối với thế hệ trẻ, vốn chỉ biết sơ rằng ông là người sáng lập ra Nhà nước Liên Xô ».

Tại trạm xe điện ngầm mang tên « Thư viện Lênin », nơi một Lênin bằng các mẩu gạch ráp hình đang quan sát các hành khách, Irina, một nữ sinh viên ngành địa chất học xác nhận : « Tôi không chú ý lắm đến các bức tượng hay bia kỷ niệm Lênin. Chúng không nằm trong số những điều mà tôi quan tâm ».

Một nam sinh viên khác là Sania Poliakovski, 20 tuổi, cũng có sự bàng quan tương tự. Anh nói : « Vào thời kỳ xô-viết, tất cả các công trình này đều mang nhiệm vụ giáo dục ý thức hệ. Nhưng ngày nay chúng chỉ là chứng nhân cho lịch sử của chúng tôi mà thôi ».

Những địa danh bất nhất

Về phía nhà báo Alexandre Podrabinek, vốn là một nhà ly khai Liên Xô cũ, nhận định : « Cách định ra các địa danh ở nước Nga ngày nay hơi có vẻ tâm thần phân liệt ». Ông nói như thế khi thấy rằng con đường từ Matxcơva dẫn đến Saint-Petersbourg vẫn mang tên là « đường Lêningrad ». Và thành phố Saint-Petersbourg, đã tìm lại được tên cũ của mình trước Cách mạng Tháng Mười, kỳ lạ thay, vẫn là trung tâm của một vùng vẫn luôn mang tên là « Vùng Lêningrad ».

Xác ướp của Lênin vẫn yên nghỉ trong lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ, trước các bức tường của điện Kremli, địa điểm biểu tượng của nước Nga, cách mộ của Stalin chỉ có vài mét.

Có nên đưa xác Lênin ra khỏi lăng mộ để đem đi chôn cất ? Câu hỏi này vẫn được thường xuyên đặt ra, nhưng chính quyền Nga cho đến nay vẫn không muốn đưa ra một quyết định nào. Được chất vấn về chủ đề này hồi năm 2010, ông Vladimir Putin đã thận trọng tuyên bố : « Cần phải có thời gian đối với tất cả mọi vấn đề. Khi nào đến lúc, nhân dân Nga sẽ quyết định cần phải làm gì ».

Chủ đề này lại càng mang tính thời sự hơn khi nước Nga sang năm sẽ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười.

Putin lên án Lênin đã làm nước Nga « nổ tung »

Tuy vậy mới hôm qua 21/01/2016 Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố là cố lãnh tụ Vladimir Lênin phải chịu trách nhiệm về việc đã làm nước Nga « bị  nổ tung ».

Tại cuộc họp của ủy ban khoa học giáo dục thuộc Dinh tổng thống, ông Putin phát biểu : « Những ý tưởng cần đưa đến kết quả tốt, chứ không phải như trường hợp của Vladimir Ilitch Lênin ». Theo Tổng thống Nga, chính những ý tưởng của Lênin « rốt cuộc đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 ».

Là người vẫn đề cao các giá trị xô-viết cũ, ông Putin đã gây bất ngờ với lời chỉ trích trên đây. Ông nói tiếp : « Người ta đã đặt một quả bom dưới một tòa nhà mang tên nước Nga, và sau đó bom đã phát nổ ».

Phát ngôn viên điện Kremli, Dimitri Peskov sau đó đã cố gắng giảm nhẹ tầm mức quan trọng của lời tuyên bố trên. Ông Peskov nhấn mạnh : « Tổng thống chỉ nói lên quan điểm của ông mà thôi (…) Mỗi người kể cả tổng thống đều có quyền có thái độ về vai trò của nhân vật này hay nhân vật nọ trong lịch sử ».

Bên cạnh đó, phát ngôn viên Peskov cũng khẳng định khả năng đem xác ướp Lênin đi chôn « hiện không có trong kế hoạch ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.