Vào nội dung chính
NGA - Y HỌC

« Dáng đi xạ thủ » của Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin có dáng đi rất đặc biệt : tay phải hầu như bất động và chỉ có tay trái vung lên theo nhịp bước. Theo một nghiên cứu khoa học, thì dường như đó là di chứng của việc luyện tập bắn ở cường độ cao trong các khóa đào tạo của cơ quan tình báo Nga KGB, chứ không phải là triệu chứng của bệnh Parkinson.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh internet)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh internet)
Quảng cáo

Vào dịp lễ Giáng Sinh, Noel, tạp chí y học Anh Quốc British Medical Journal (BMJ), thường ra số đặc biệt với nhiều bài viết nghiêm túc về những chủ đề « dị độc », « không ai ngờ tới ».

Trong số đặc biệt ra ngày 15/12/2015, BMJ có đăng bài viết của một nhóm bác sĩ thần kinh Bồ Đào Nha, ý và Hà Lan, chuyên nghiên cứu các rối loạn vận động, liên quan đến Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Dmitri Medvedev và ba quan chức cao cấp khác của Nga, bởi vì điệu bộ, dáng đi của những người này khá kỳ lạ, gây thắc mắc : Chỉ có một tay cử động, còn tay kia gần như bất động.

Thoạt nhìn, các chuyên gia nghĩ ngay đến bệnh Parkinson. Bởi vì việc vung hai tay không đều, hoặc chỉ vung tay một bên, hoặc không theo nhịp nào cả là triệu chứng của giai đoạn tiền Parkinson. Tuy nhiên, sau khi quan sát kỹ qua nhiều đoạn video trên Youtube, các bác sĩ đã loại bỏ giả thuyết này, vì các nhân vật nói trên không có các triệu chứng khác như tay run hoặc tay chân không phối hợp nhịp nhàng.

Vẫn qua video, đặc biệt là qua các đoạn băng quay ông Putin luyện tập judo, các chuyên gia còn nhận thấy là võ sĩ ngũ đẳng huyền đai này phối hợp tay chân rất nhịp nhàng, khéo léo. Do vậy, họ nêu ra một giả thuyết hoàn toàn khác : Tổng thống Nga có dáng đi, điệu bộ như vậy là do đã trải qua nhiều đợt luyện tập quân sự cường độ cao khi ông còn làm việc trong KGB và các bác sĩ gọi đó là « dáng đi xạ thủ ».

Để khẳng định nhận định của mình, các chuyên gia đã nghiên cứu « giáo trình luyện tập » do các cựu nhân viên KGB biên soạn và cung cấp. Theo miêu tả của các cựu điệp viên này thì một trong những bài luyện tập là khi di chuyển, đối mặt với kẻ thù, tay phải gần như cố định, bàn tay đặt ở bên ngực trái, phía tim, để nếu cần, trong khoảnh khắc, có thể rút ngay súng ngắn đeo ở phía dưới nách trái.

Các bác sĩ còn đưa ra một ví dụ khác để củng cố giả thuyết : Trong các phim chinh phục miền Tây, cao bồi Mỹ khi đề phòng, cảnh giác trước đối thủ thì tay chuẩn bị rút súng cũng hầu như cố định bên hông.

Bác sĩ Bastiaan Bloem,thuộc trung tâm y tế đại học Radboud, Hà Lan, nói với AFP, nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ các cuộc tranh luận và suy đoán về dáng đi của ông Putin, « đây là một nghiên cứu ít thấy nhưng rất nghiêm túc » về việc « quan sát lô gích thần kinh ».

Theo chuyên gia này, « mọi người đã nhận thấy dáng đi không bình thường của ông Putin. Điều mà chúng tôi đưa ra, một cách rất thận trọng, chỉ là những giả thuyết ».

Một số nhà khoa học khác nêu ra những giả thuyết khác như thai nhi có vấn đề, bị bệnh bại liệt hồi bé hoặc bị tai biến não hoặc bị liệt do lúc sinh ra phải dùng forcep hỗ trợ…

Tuy nhiên, các giả thuyết này đều bị gạt bỏ. Ông Putin có thể lực cường tráng, vai và cánh tay phải chuyển động linh hoạt. Ông cũng không có dấu hiệu của bệnh thoái hóa, giống như trường hợp bị bệnh Parkinson.

Các chuyên gia cũng thừa nhận là không dễ dàng « chẩn đoán » trường hợp Thủ tướng Dmitri Medvedev, vì ông này không trải qua huấn luyện quân sự, như Tổng thống Nga. Ông Medvedev có « dáng đi xạ thủ » có thể là do bắt chước. Theo các nhà khoa học, hiện tượng bắt chước dáng đi của « thủ trưởng » thường xuyên xẩy ra. Ông Medvedev dường như « dập khuôn » kiểu đi của cấp trên.

Các chuyên gia kết luận, từ nay trở đi, các nhà nghiên cứu thần kinh học khi xem xét bệnh Parkinson hoặc một số bệnh lý liên quan đến vai, thì phải tính đến hiện tượng « dáng đi xạ thủ », để tránh đưa ra các chẩn đoán sai lệch.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.