Vào nội dung chính
ĐỨC

Đức : Hạn chế đốt pháo Tết để người tị nạn khỏi bị sốc

Giao thừa năm nay 2015 qua 2016 đối với nước Đức là một dịp hết sức đặc biệt. Đã có hơn một triệu người nhập cư, đệ đơn xin được tị nạn tại Đức, đa số là những người đến từ vùng có chiến tranh tại Syria hay Irak. Tại nhiều địa phương ở Đức, chính quyền địa phương đã có một số biện pháp để tránh cho người tị nạn khỏi bị sốc.

Người Đức rất thích pháo bông trong các dịp lễ hội.
Người Đức rất thích pháo bông trong các dịp lễ hội. AFP PHOTO / JOHN MACDOUGALL
Quảng cáo

Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin:

« Ngày tất niên 31/12 đối với nước Đức cũng tương tự như ngày Quốc khánh 14/07 đối với nước Pháp. Pháo và pháo hoa nổ ở khắp các góc phố. Năm ngoái, chi phí dành cho pháo là 129 triệu euro. Tai nạn xảy ra ở một số nơi, vì vậy một số khu vực được quy định không đốt pháo như xung quanh các bệnh viện hay các chung cư của người già. Năm nay, với việc Đức trở thành nơi tiếp nhận của khoảng một triệu người nhập cư, chính quyền cũng như những người phụ trách các khu dân cư lo ngại việc pháo nổ có thể gây sốc đối với một số người tị nạn.

Theo nhà tâm lý Olivier Berg, ‘‘phần lớn người tị nạn mới đến đây. Họ phải rời bỏ đất nước, văn hóa của mình, nhiều người đến từ các vùng có chiến tranh. Một số người thậm chí là nạn nhân của các vụ tấn công, hoặc có người thân bị sát hại. Pháo hay pháo bông có thể gợi lại những trải nghiệm (đau đớn) này’’. Ngoài việc tránh làm tổn thương một số người tị nạn, quy định cấm đốt pháo cũng cho phép giảm nguy cơ hỏa hoạn. Trong những tháng gần đây, số lượng các vụ cháy – do bất cẩn hoặc do cố ý - gia tăng tại một số khu ở của người nhập cư.

Bang miền bắc Nordrhein-Westfalen cấm đốt pháo tại các khu nhà ở dành cho người nhập cư, và thông báo quy định này bằng nhiều thứ tiếng. Còn tại bang Bayern, thị trấn Reichenberg thậm chí đã tổ chức một cuộc bắn pháo hoa thử, để giúp người tị nạn quen với tiếng nổ ».

Cho dù, ít nhiều bị phản đối trong nước, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục chính sách giang rộng vòng tay với người nhập cư, tị nạn. Trong bài diễn văn mừng Năm mới được phát trước, người đứng đầu chính phủ Đức tuyên bố : việc đón nhận làn sóng người tị nạn hiện nay sẽ mang lại « một may mắn » cho nước Đức trong tương lai. Bà Angela Merkel nhấn mạnh : « Thực sự chúng ta đang sống trong một giai đoạn khó khăn. Nhưng một điều cũng thực sự nữa là chúng ta có thể làm được điều này, bởi Đức là một đất nước hùng mạnh ».

Thủ tướng Đức Merkel vừa được một loạt cơ quan truyền thông nổi tiếng, như hãng thông tấn AFP, báo Financial Times hay tạp chí Time, bầu làm nhân vật xuất sắc nhất năm 2015. Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel vẫn là đảng được cử tri Đức ủng hộ mạnh nhất, theo nhiều thăm dò dư luận, cho dù đảng cực hữu chống nhập cư AFD nhận được khoảng 8% đến 10% ủng hộ trong thời gian gần đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.