Vào nội dung chính
CUBA - HOA KỲ

Nhiều người Cuba thất vọng sau một năm nối lại quan hệ với Mỹ

Từ một năm trở lại đây, việc bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ - hai nước láng giềng thù địch thời Chiến tranh lạnh - đã diễn ra khá ngoạn mục trên bình diện ngoại giao, mang lại nhiều hy vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người Cuba ở trong vào ngoài nước cảm thấy thất vọng trước những tiến bộ ít ỏi về phương diện kinh tế và nhất là về chính trị.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (T) gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề thượng đỉnh Châu Mỹ tại Panama City trong không khí thoải mái ngày 11/04/2015.
Chủ tịch Cuba Raul Castro (T) gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề thượng đỉnh Châu Mỹ tại Panama City trong không khí thoải mái ngày 11/04/2015. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Về chủ đề này, nhà báo Paulo Paranague, phụ trách mảng Châu Mỹ Latinh của Le Monde, có bài « Nỗi thất vọng của nhiều người Cuba, một năm kể từ khi hai nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ ». Bài viết nhấn mạnh đến không khí « ảm đạm » về mặt kinh tế, với tăng trưởng 1,3% GDP, và tình trạng dậm chân tại chỗ về chính trị.

Phóng viên Le Monde tố cáo chế độ Cuba vẫn cố gắng kiểm soát « toàn bộ các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế, và tiếp tục cố gắng thu hút các khoản đầu tư lớn », trong khi khu vực các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục bị gạt sang bên lề. Lĩnh vực tự do vẫn chỉ được dành riêng cho một số ít các nghề, trong đó không có nghề y, nghề luật sư và kiến trúc sư. Thêm vào đó, các nghề tự do phải chịu các khoản thuế má nặng nề và bị kiểm soát hết sức ngặt nghèo. Nhà nước tiếp tục chi phối việc thuê mướn nhân công theo hợp đồng lao động, một phần lương bổng của các nhân viên làm việc cho các hãng nước ngoài bị Nhà nước thu lại. Nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Cuba vẫn do các kiều dân từ Hoa Kỳ gửi về, tuy nhiên « tiềm năng đóng góp tài chính của cộng đồng Cuba ở hải ngoại bị trở ngại do thái độ ngờ vực dai dẳng của chính quyền La Habana, vốn không chấp nhận cho người Cuba các quyền bình đẳng với người nước ngoài ».

Đàn áp không nới lỏng

Vẫn theo nhà báo Le Monde, trên phương diện chính trị, việc quan hệ bắt đầu bình thường hóa với Hoa Kỳ không khiến chế độ Cuba « nới lỏng đàn áp », « số lượng bắt bớ người đối lập gia tăng, các Phụ nữ Áo trắng – vợ của các tù nhân chính trị - cũng như nhiều nhà tranh đấu khác thường bị hành hung. Kiểm duyệt và đe dọa gia tăng trong lĩnh vực văn hóa, điều cho thấy dường như bộ máy quản lý tư tưởng của đảng độc quyền lo sợ mất chỗ đứng. (…) Các phương tiện truyền thông và công an chính trị hành động như thể là các thành lũy cuối cùng của chế độ ». Trên phương diện internet, chỉ có « một thiểu số rất nhỏ có khả năng truy cập », tình trạng này « có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài và dân mạng Cuba ».

Kết quả là, làn sóng người Cuba rời nước không suy giảm. Theo luật của Hoa Kỳ, được gọi nôm na là quy định « chân khô, chân ướt » - theo đó người Cuba tị nạn bằng đường biển sẽ bị trục xuất về nước -, rất nhiều người chọn vượt biên trên bộ. Mới đây « hàng ngàn người Cuba đã cố đến được biên giới nước Mỹ, thông qua một con đường dài, đi vòng từ Nam Mỹ lên Trung Mỹ. Chính dòng người này đã làm bùng nổ xung đột ngoại giao giữa Nicaragua và Costa Rica, và một báo động về khủng hoảng nhân đạo đã được đưa ra ».

Giới tranh đấu chống chế độ Cuba lưu vong tại Hoa Kỳ vừa gửi một là thư đến Tổng thống Mỹ, khẳng định « chính sách mới » của Mỹ đối với Cuba « là một sai lầm đáng tiếc ». Có 126 cựu tù nhân chính trị ký tên vào thư.

Không có quan hệ thương mại thực sự

Trong khi đó, đứng về phía chính quyền Cuba, một năm xích lại gần với Mỹ chưa cho phép hai bên có một « quan hệ thương mại thực sự », do việc lệnh cấm vận và một số giới hạn khác từ phía Hoa Kỳ vẫn được duy trì, như nhận định của bà Maria de la Luz B’Hamel, người phụ trách chính sách thương mại với Bắc Mỹ, thuộc Bộ Ngoại thương Cuba, khi trả lời phỏng vấn AFP. Theo người phụ trách Cuba, trong các điều kiện hiện tại, đặc biệt với việc vận tải thương mại bị hạn chế, giao dịch tài chính bị hạn chế, quan hệ làm ăn giữa hai bên « không thể » phát triển.

Người phụ trách chính sách thương mại với Mỹ của Cuba nhấn mạnh đến tình trạng « thiếu hiểu biết rất lớn » giữa đôi bên về nhau, hệ quả của 50 năm cắt đứt quan hệ, cho dù nhiều tiến bộ đạt được trong thời gian gần đây.

Trong một thông điệp được phát đi hôm qua, nhân dịp một năm hai nước nối lại quan hệ, Ngoại trưởng Cuba hối thúc chính quyền Obama có những biện pháp mạnh hơn thúc đẩy quan hệ song phương, cho dù thẩm quyền dỡ bỏ cấm vận thuộc Quốc hội Mỹ, hiện thuộc kiểm soát của đảng Cộng hòa.

Về phía Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama tiếp tục chính sách cải thiện quan hệ với đảo quốc cộng sản. Tổng thống Mỹ cho biết có ý định sẽ tới Cuba trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2017, tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng chuyến công du lịch sử này chỉ có thể diễn ra, nếu như có những tiến bộ thực sự về nhân quyền.

Ngày 17/12/2015, một lần nữa Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba, để cho phép công dân Mỹ có thể đầu tư và du lịch tại đảo quốc. Trong khi chờ đợi một thay đổi lớn, cũng hôm qua, chính phủ Mỹ và Cuba đã thỏa thuận nối lại hàng không thương mại giữa hai nước sau hàng thập niên gián đoạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.