Vào nội dung chính
HOA KỲ - KINH TẾ

Tăng trưởng kinh tế : Mỹ bắt đầu lạc quan

Star Wars- Chiến tranh các vì sao tập 7 « đổ bộ » vào Pháp và Châu Âu. Ngân hàng trung ương Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất chỉ đạo, dấu hiệu kinh tế Hoa Kỳ thực sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008. Viễn cảnh thành lập một chính phủ liên minh cho Libya còn xa vời. Iran mỏi mòn chờ đợi gặt hái những thành quả đầu tiên sau thỏa thuận hạt nhân với quốc tế. Thế cân bằng ở Trung Đông có thay đổi gì không với sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria ? Toàn cảnh chính trị Pháp còn rối ren : hai cánh tả hữu cùng đang « tính sổ » trong nội bộ. Đó là là những đề tài trải rộng trên các tờ báo Paris ngày 16/12/2015.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ, bà Janet Yellen.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ, bà Janet Yellen. REUTERS/Joshua Roberts
Quảng cáo

Tăng trưởng : Mỹ bắt đầu lạc quan

« Bước ngoặc lịch sử đánh dấu kinh tế Mỹ phục hồi », tựa của phụ trang kinh tế báo Le Figaro khi nói về sự kiện lần đầu tiên từ năm 2008 Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất chỉ đạo. Mỹ chuẩn bị « sang trang khủng hoảng tài chính » 2008, sự kiện lớn trong ngày được báo kinh tế Les Echos quan tâm. Cả hai tờ báo này cùng nhận định : việc tăng lãi suất 0,25 điểm không quan trọng. Nhưng quyết định này mang tính « lịch sử » bởi qua đó, nước Mỹ chứng minh với thế giới là trận đại hồng thủy ập vào thị trường tài chính Hoa Kỳ hồi tháng 9/2008 đã thực sự thuộc về quá khứ.

Báo Le Monde nói tới thời kỳ « tiền rẻ » ở Mỹ đã đi qua và quyết định tăng lãi suất chỉ đạo là « bài toán trắc nghiệm » đối với Thống đốc Ngân hàng trung ương Mỹ, bà Janet Yellen.

Sau 7 năm ghìm lãi suất ở mức 0 %, để giúp nước Mỹ vượt qua khủng hoảng tài chính, nếu không trở lại với một chính sách tiền tệ bình thường, Cục dự trữ Liên bang Federal Reserve có nguy cơ thổi nên một quả bóng tài chính khác, khuyến khích tiêu thụ và đầu tư bừa bãi. Ngược lại, khi tăng lãi suất chỉ đạo, tức là xiết lại chính sách tiền tệ, Janet Yellen có thể gây khó khăn cho tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ.

Le Figaro lưu ý độc giả : Mỹ điều chỉnh lãi suất chỉ đạo lôi kéo tư bản đầu tư tại các nền kinh tế đang trỗi dậy về Mỹ. Hậu quả trực tiếp là đồng đô la tăng giá so với các ngoại tệ khác. Đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ đã tăng giá 10 % trong năm 2015. Hàng Mỹ xuất khẩu ra thế giới qua đó trở nên đắt đỏ hơn, kém hấp dẫn hơn.

Eurozone tạo thêm 2,2 triệu việc làm

Trong lúc cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã thuộc về quá khứ đối với Hoa Kỳ, tỷ lệ thất nghiệp đang từ 9,5 % rơi xuống còn 5 % thì Châu Âu vẫn chưa phục hồi. Trong hai năm qua, cả khu vực 19 nước sử dụng đồng euro mới tạo thêm được 2,2 triệu việc làm.

Theo thống kê của báo Les Echos, Tây Ban Nhà năng động nhất đưa được thêm 725 ngàn người vào thị trường lao động. Về thứ nhì là Đức, nhờ tạo thêm hơn 590 ngàn chỗ làm. Riêng Pháp còn chậm chạp bị bỏ lại phía sau. Từ 2013 tới nay, nền kinh tế thứ nhì của eurozone chỉ tạo thêm được có 190 ngàn công việc làm, hơn Ý có một chút.

Vẫn theo Les Echos, kinh tế Pháp vẫn còn yếu kém vì thiếu đầu tư. Giới sản xuất vẫn thận trọng cho rằng, sức mua của 66 triệu dân Pháp chưa có hy vọng tăng mạnh lên trở lại.

Iran : vẫn chưa có dấu hiệu kinh tế khá lên

Đúng 5 tháng sau khi Teheran đạt được thỏa thuận « lịch sử » về hạt nhân với quốc tế, đời sống của người dân Iran vẫn không được cải thiện. Các biện pháp giảm cấm vận của quốc tế vẫn đang « từng bước » và chưa chính thức được thông qua. Đặc phái viên của báo Le Monde tìm đến Malar, cách thủ đô Teheran khoảng 50 cây số. Cơ sở sản xuất duy nhất là một lò đúc gạch. Galar, một cư dân tại đây nói với phóng viên Pháp : bà làm việc quần quật từ sáng đến tối mà vẫn không đủ sức nuôi sống gia đình.

Như 40 % những người đồng hương, bà sống dưới ngưỡng nghèo khó, với thu nhập chưa đầy 500 euro một tháng. Năm 2013 Galar đã bỏ phiếu bầu ông Hassan Rohani vào chức vụ tổng thống. Bà hy vọng ứng cử viên có khuynh hướng cải tổ này đem lại một sự đổi mới, cải thiện đời sống cho người dân sau 8 năm kinh tế kiệt quệ dưới thời đại của tổng thống thuộc cánh bảo thủ Mahmoud Ahmadinejad.

Trong gần ba năm qua, lạm phát tại Iran đang từ 44 % đã giảm xuống còn 15 %. Tỷ lệ tăng trưởng vẫn là số không. Trên thực tế thì sức mua của gia đình bà Galar không ngừng giảm sụt. Các hóa đơn điện, nước vẫn tăng một cách chóng mặt.

Vẫn chưa có lối thoát cho Syria

Matxcơva mở chiến dịch oanh kích tại Syria cách nay hơn hai tháng. Sự hiện diện của quân đội Nga có đem lại những thay đổi trong thế cần bằng ở Trung Đông hay không ? Đó là câu hỏi báo Le Figaro tìm cách trả lời. Tờ báo nhắc lại những động lực đã thúc đẩy tổng thống Vladimir Putin điều quân sang Syria.

Theo Isabelle Lasserre, phóng viên của tờ báo,10 tuần lễ sau những đợt oanh kích của không quân Nga, hậu quả rõ rệt nhất là Matxcơva đã cứu được đồng minh Bachar Al Assad. 90 % các phi vụ oanh kích của Nga nhắm vào phe nổi dậy Syria không thuộc thành phần thánh chiến Hồi giáo. Sau loạt khủng bố tại Paris và chuyến công du chớp nhoáng của Tổng thống Pháp François Hollande đến Matxcơva tìm kiếm một liên minh quốc tế chống Daech, vẫn còn đến 75 % các phi vụ của không quân Nga nhắm vào phe đối lập ôn hòa.

Tuy nhiên Le Figaro nhìn nhận : can thiệp tại Syria khiến Nga cũng trở thành mục tiêu tấn công của quân khủng bố. Thêm vào đó, sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria đang chọc giận các nước Hồi giáo trong vùng Vịnh theo hệ phái Suni- đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út. Khó có thể cho rằng sự hiện diện của Nga góp phần làm hạ nhiệt ở Trung Đông.

Le Figaro kết luận : từ khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền, yếu tố quân sự được đưa vào trung tâm chính sách ngoại giao. Điều đã được chứng minh với khủng hoảng Ukraina và gần đây hơn là với tình hình ở Syria. Chắc chắn là với việc Nga điều máy bay quân sự tới Raqqa, thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech, triển khai tên lửa S400 tại cảng Lattaquié, và lại đang chuẩn bị bán tên lửa S300 cho Iran, một đồng minh khác của chính quyền Syria, Matxcơva khó có thể giúp Trung Đông sớm tìm được chiến lược cân bằng.

Bệnh lao vẫn thách thức nhân loại

Phụ trang khoa học và y tế của tờ Le Monde trên trang nhất nói tới bệnh lao, một căn bệnh đang cướp đi mạng sống của nhiều người hơn so với bệnh truyền nhiễm AIDS do siêu vi HIV gây nên. Vì sao nhân loại vẫn chưa diệt trừ được căn bệnh này tận gốc rễ ? Tổ chức Y tế Thế giới kỳ vọng đến năm 2035 sẽ không còn ai chết vì bệnh lao.

Để đạt được mục tiêu đó, thế giới phải huy động rất nhiều tiền của và phương tiện. Năm 2014 vẫn còn 9,6 triệu người nhiễm vi trùng lao, trong đó có 1 triệu trẻ em. 12,5 % trong số đó là những người bị nhiễm HIV. Ở vào thế kỷ XXI mà vẫn còn có hơn 1,5 triệu rưỡi người chết vì bệnh lao. 95 % các ca tử vong sống tại các nước nghèo.

Chiến tranh các vì sao

Bên cạnh các đề tài kinh tế hay chính trị, thì sự kiện thực sự nổi bật trong ngày là bộ phim Star Wars tập 7 ra mắt công chúng Pháp và tại nhiều nước ở Châu Âu ngày 16/12/2015. Làng báo Pháp được xem trước mọi người để viết bài bình luận.

Le Monde tương đối bất bình là giới nhà báo đã được nhà sản xuất Disney yêu cầu « không nên tiết lộ nhiều thông tin về bộ phim được chờ đợi này để giữ bí mật, gây bất ngờ cho giới hâm mộ ». Dù coi đây là một lời « yêu cầu phi lý » giúp cho Disney giữ thế « độc quyền » thế nhưng rồi tất cả các nhà báo Pháp đều đã răm rắp nghe theo.

May mắn thay cho các độc giả là dù ít tiết lộ bí mật về nội dung bộ phim, nhưng các tờ báo lại bình luận và phê bình thoải mái Star Wars 7. Libération dành trọn trang nhất cho Thần Lực Thức Tỉnh, Star Wars7 với bóng hình của Chúa tể Dark Vador và báo trước bộ phim này sẽ « phá rất nhiều kỷ lục ». Tác giả đã bị không khí man mác buồn của tác phẩm này lôi cuốn.

Le Figaro thực tế hơn khi nêu lên câu hỏi : tại sao chúng ta cần đi xem phim này ? Ở trang trong tờ báo hé lộ một chút câu chuyện xoay quanh những nhân vật mà chúng ta đã thuộc nằm lòng : người hùng Jedi Luke Skywalker mất tích. Phe tà trở lại cầm quyền. Nhưng thú vị hơn cả là nhà làm phim JJ Adams đã làm sống lại huyền thoại từng được đạo diễn George Lucas dựng nên vào năm 1977, một tác phẩm đã mê hoặc nhiều thế hệ khán giả.

Tờ Le Parisien hoàn toàn bị cuốn hút vào những hành tinh xa vời, thốt lên : « Star Wars làm tất cả đảo điên (…) một bộ phim thành công tốt đẹp, vừa ngoạn mục vừa cảm động và không có gì hạnh phúc hơn là tìm lại được những gương mặt thân quen từ công chúa Leia đến tay giang hồ Han Solo, từ người máy R2-D2 đến người vượn Chewbacca »

Theo quan điểm của báo La Croix, bí quyết thành công của Chiến tranh các vì sao nằm ở chỗ những bộ phim này đã tạo ra một sân chơi chung, kết nối nhiều những thế hệ. Antoine, một người đàn ông 51 tuổi kể lại với tờ báo : năm 1977 ông bước vào thế giới của các vì sao nhờ một đồng nghiệp của bố mình tặng một con búp bê Star Wars. Sau này Antoine trở thành một doanh nhân, chuyên buôn bán đồ chơi cho trẻ nhỏ.

Giờ đây, ông thật sung sướng đưa cậu con trai 15 tuổi đi xem Thần Lực Thức Tỉnh. Star Wars đơn giản là câu chuyện của hai thanh niên, Luke và Anakin cùng đang từ bỏ tuổi thơ để bước vào thế giới của người lớn. Trong con đường đó họ đã gặp nhiều chông gai. Số phận của nhân loại tùy thuộc vào thành công hay thất bại của những thanh niên vừa mới chập chững bước vào đời. Luke hay Anakin đã mở ra những con đường cho Chúa tể những chiếc nhẫn, Harry Potter hay Hunger Games sau này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.