Vào nội dung chính
ANH QUỐC - GIÁO DỤC

Anh quốc báo động chất lượng trường cấp hai

Đầu tháng 12/2015, cơ quan chuyên trách về giáo dục phổ thông ở Anh, OFSTED ra báo cáo đặc biệt, quan ngại về con số 400.000 học sinh cấp hai ở miền bắc xứ Ăng-lê đang phải học trong những ngôi trường không được xếp loại tốt trong cuộc khảo sát năm 2015.

Một trường học tư tại Watford tại ngoại ô Luân Đôn.
Một trường học tư tại Watford tại ngoại ô Luân Đôn. Wikipedia
Quảng cáo

Theo thông tín viên Lê Hải, đài RFI, tại Luân Đôn, từ vài năm qua chất lượng giáo dục phổ thông ở Anh  là đề tài bị chỉ trích liên quan đến những chính sách như là chương trình tích hợp và xã hội hóa giáo dục phổ thông. Do đó, đây có lẽ cũng là một kinh nghiệm quan trọng cho các bậc phụ huynh và giáo viên ở Việt Nam.

Chất lượng kém là do đội ngũ giáo viên giỏi bị thất thoát

Cấp hai ở nước Anh bắt đầu từ lớp Bảy đên tận cuối lớp Mười Một và các em sẽ thi để lấy bằng GCSE, được coi là đủ để bước vào đời. Trong báo cáo thường niên của OFSTED vừa được công bố, Sir Michael Wilshaw đặc biệt chú ý đến tình trạng là có trên 60% học sinh phải vào học những trường không được xếp loại tốt, kéo theo nguy cơ không đủ tiêu chuẩn để đạt điểm trung bình trong các kỳ thi GCSE.

Đáng ngại hơn cả là đa số các khu vực yếu kém nằm ở các thành phố công nghiệp trước đây ở phía bắc xứ Ăng-lê, tức là ở miền trung của Vương quốc Anh, như là các vùng ngoại ô của Leeds, Manchester và Sheffield. Một trong số những lý do được chỉ ra là xu hướng giáo viên giỏi ở các trường nhà nước chuyển dần sang làm việc cho các trường tư.

Giáo viên môn toán, các môn khoa học và kỹ thuật thiếu trầm trọng, còn giáo viên mới ra trường nếu không dạy cho trường tư thì ra nước ngoài kiếm việc làm. Điều khiến các bậc phụ huynh ở Anh lo ngại là báo cáo năm nay hầu như không có gì khác báo cáo năm ngoái, và nguy hiểm nhất là hệ thống giáo dục tiểu học đang rất tốt, nhưng học sinh giỏi sau bậc tiểu học lại bị đưa vào trường kém ở cấp hai khiến học lực bị suy giảm trầm trọng.

Đâu là nguyên nhân?

Đặc điểm nổi bật nhất của hệ thống trường cấp hai ở nước Anh là mô hình học viện, gọi là academy, một dạng giống như là trường công lập hay dân lập ở Việt Nam, do các chủ đầu tư xây dựng và đi theo giáo trình riêng nhưng bảo đảm các nội dung được yêu cầu trong chương trình giáo dục toàn quốc.

Theo bài phân tích từ năm 2012 của chuyên gia Jessica Shepherd trên tờ Guardian, có trên 50% trong tổng số gần 3.300 trường cấp hai ở Anh thuộc dạng này, sau một chương trình cải tổ giáo dục thời đảng Công đảng cầm quyền. Nội dung được đưa ra thời Thủ tướng Tony Blair cũng nói nhiều đến việc tích hợp các môn học, khá giống với những gì đang bàn cãi ở Việt Nam hiện nay, nhưng đi vào hướng trang bị cho học sinh các kỹ năng nghề nghiệp.

Ví dụ như học xong là có thể biết kinh doanh, viết báo, hay làm những công việc của người có tri thức, kể cả lao động tay chân thì cũng là người biết quản lý công việc và tự hoạt động trong nền kinh tế năng động toàn cầu.

Vào năm 2010, trên toàn nước Anh chỉ có chừng 200 trường cấp hai tổ chức theo mô hình academy. Nhưng con số này đã nhanh chóng tăng gấp tám lần chỉ trong vòng hai năm cải tổ. Rất nhiều trường nhà nước do các địa phương quản lý chuyển sang mô hình tự chủ nhưng lại không được kiểm soát chặt về chất lượng như trước. 

Có trường rất giỏi, trang bị cho các em kiến thức thương mại quốc tế, nhưng nhiều trường bị phê bình là hình ảnh kém cỏi trong chương trình tư nhân hóa hay xã hội hóa giáo dục phổ thông.

Thực hư thế nào về chất lượng giáo dục ở Anh ?

Trước hết, triết lý giáo dục truyền thống ở Anh không đặt nặng chuyện chất lượng đại trà, mà các gia đình giàu có luôn dồn tiền cho con học trường tư. Các trường nổi tiếng nhất ở Anh hầu hết đều là trường tư, không phải theo cách hiểu về chuyện kinh doanh giáo dục, mà là ngân sách hoạt động đến từ các quĩ tư nhân.

Các quỹ này hầu hết do những người có lòng với sự nghiệp giáo dục quốc gia đóng góp. Trường thu tiền học nhưng cũng có nhiều xuất học bổng không phân biệt gia cảnh cho các em nào có khả năng học cao. Tiếp theo nữa, cơ chế academy chỉ là một trong số nhiều mô hình giáo dục cấp hai đang có ở Anh. Một số trường theo mô hình Sixth Form, hay nổi bật nhất là triết học giáo dục Grammar có từ thời La Mã được phục hưng cùng ngành công nghiệp nước Ý.

Ngoài ra, còn có các trường dạy theo chương trình Lycée của Pháp, hay IB của Mỹ, và cả chương trình Matura 12 năm của Ba Lan, khá giống việt Nam. Từ số vốn văn hóa và xã hội là học sinh cấp một, mỗi địa phương sẽ xây dựng chính sách để đầu tư cho cấp hai, và hai năm chuyển tiếp ở A-level trong các trường college để lên tiếp đại học. Sinh viên tốt nghiệp đại học là phần nổi cho cả một quá trình kéo dài cả chục năm như vậy.

Du học sinh nước ngoài cũng tùy thuộc vào văn phòng môi giới và tư vấn cũng như kiến thức của phụ huynh mà sẽ vào trường giỏi hay kém. Còn nhiệm vụ của OFSTED là đưa ra một bức tranh tổng thể, và mối quan ngại nhất hiện nay của họ là khoảng cách quá xa giữa các trường giỏi và trường kém ở nước Anh.

Một trong số các giải pháp được đề nghị là kinh nghiệm ở Luân Đôn, yêu cầu các trường kém liên kết với trường giỏi để chia sẻ không chỉ kinh nghiệm mà còn cả tài nguyên giáo dục là chương trình và giảng viên. Đó là điều mà các trường ở Việt Nam có thể áp dụng bằng cách liên kết với các trường giỏi ở Anh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.