Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Dầu hỏa mất giá đe dọa năng lượng xanh ?

Đăng ngày:

Vào lúc 195 quốc gia tề tựu về Paris dự hội nghị chống biến đổi khí hậu thì trên thị trường, giá dầu hỏa rơi xuống dưới ngưỡng 40 đô la một thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 02/2009. Khi giá dầu xuống thấp như vậy liệu rằng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo có còn hấp dẫn nữa hay không ?

Một giàn khoan của BP trên biển Manche : dầu hỏa mất giá kềm hãm đà phát triển năng lượng sạch
Một giàn khoan của BP trên biển Manche : dầu hỏa mất giá kềm hãm đà phát triển năng lượng sạch REUTERS/Andy Buchanan/Pool/Files
Quảng cáo

Giá dầu hỏa trên thị trường Mỹ tính tới đầu tháng 12/2015 giảm mất gần 60 % so với đỉnh điểm hồi tháng 06/2014. Vào cuối tuần trước, giá trên thị trường Châu Âu dầu Brent chạm đáy ở mức chưa đến 36 đô la một thùng. Cùng lúc báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự phóng thị trường dầu hỏa trên thế giới trong tình trạng « ứ đọng » tối thiểu là cho đến cuối 2016. Đây là hậu quả trực tiếp của hiện tượng cung vượt cầu. 

Bất cập cung cầu

Nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng rất chậm trong lúc các quốc gia sản xuất dầu hỏa mà đứng đầu là khối OPEP không có ý định khóa bớt van dầu. Chẳng những trong phiên họp hôm đầu tháng 12/2015 Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa vẫn duy trì sản lượng trung bình 30 triệu thùng mỗi ngày. Trên thực tế, trong tháng 11/2015 mức sản xuất thực sự của các thành viên OPEP đã lên tới 31,7 triệu thùng. Đó là chưa kể, chỉ trong vài tuần lễ nữa, dầu hỏa của Iran sẽ nhập cuộc. 

Trả lời trên đài truyền hình tư nhân BFM, chuyên gia về dầu hỏa Olivier Appert, cố vấn cho Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI quy trách nhiệm cho dầu đá phiến của Mỹ tràn ngập thị trường, qua đó đẩy giá vàng đen tuột dốc không phanh trong 18 tháng vừa qua : 

« Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng giá dầu giảm mạnh như hiện nay là dầu và khí đá phiến đã xuất hiện trên thị trường. Tại Hoa Kỳ, cứ trong vòng hai năm, nước Mỹ lại khám phá thêm một diện tích khai thác dầu đá phiến đáng kể, với khả năng cung cấp tương tự như Na Uy. Cho tới nay, do khủng hoảng địa chính trị tại một số quốc gia cung cấp dầu hỏa, như Libya hay Iran cho nên dầu của Mỹ đã phần nào lấp vào chỗ trống mà các nguồn sản xuất đó để lại.

Giờ đây, sau khi ký hiệp định hạt nhân với cộng đồng quốc tế, Iran không còn bị cấm vận. Dầu hỏa của quốc gia này từng bước được đưa trở lại vào thị trường. Nói cách khác, chúng ta đang đứng trước hiện tượng khả năng cung ứng của các nhà sản xuất quá lớn so với nhu cầu thực sự của thế giới. Bên cạnh đó từ 18 tháng nay, Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa OPEP - chủ yếu là Ả Rập Xê Út và các quốc gia trong vùng Vịnh, lại dứt khoát từ chối giảm lượng sản xuất để điều chỉnh thị trường, qua đó đẩy giá dầu tăng lên trở lại.

Nói cách khác, OPEP không còn đóng vai trò điều chỉnh giá cả trên thị trường theo luật cung cầu. Bởi vì khối này biết rằng, nếu OPEP giảm mức sản xuất và xuất khẩu, thì lập tức Mỹ, Canada mở van xuất khẩu mạnh hơn. Nga cũng sẽ không ngần ngại nâng mức sản xuất. Trong bối cảnh đó, khối OPEP hoàn toàn không có lợi gì khi quyết định giảm giá dầu hỏa ».

Cuộc đọ sức Mỹ và Ả Rập Xê Út

Mới chỉ cách năm 6 năm, dầu đá phiến của Hoa Kỳ còn đứng ngoài thị trường. Thế nhưng, trong năm 2014 nhờ cuộc cách mạng công nghệ khai thác dầu từ đá và cát, Mỹ qua mặt Ả Rập Xê Út để trở thành nguồn sản xuất dầu số 1 thế giới. (Mỹ : 11,6 triệu thùng dầu thô/ngày. Ả Rập Xê Út : 11,4 triệu thùng/ngày).

Hiện tại, mỗi ngày nước Mỹ có khả năng cung cấp thêm tới 4,5 triệu thùng dầu và các nhà sản xuất ở bên kia bờ Đại Tây Dương bắt đầu có lãi khi giá dầu ở vào mức từ 40 tới 50 đô la một thùng. Năng suất trong ngành cũng đã được năng lên đáng kể trong giai đoạn từ 2007 tới 2014. Hệ quả là mức sản xuất của Mỹ tăng nhanh gấp hai lần so với nhu cầu to lớn của nền kinh tế số 1 toàn cầu này. 

Lượng dầu « made in USA » trực tiếp cạnh tranh với dầu hỏa của các nước vùng Vịnh. Câu hỏi được một số các nhà phân tích đặt ra là liệu phải chăng OPEP – chủ yếu là Ả Rập Xê Út vẫn giữ mức cung 30 triệu thùng/ngày để « phạt » các nhà sản xuất Mỹ. Jean Louis Schilansky, chủ tịch Trung tâm dầu khí đá phiến CHNC trả lời :

« Tôi không biết là Ả Rập Xê Út có muốn trả đũa Hoa Kỳ hay không, nhưng chắc chắn một điều là Riyad muốn triệt hạ hay ít ra là kềm hãm đà phát triển của ngành công nghệ dầu khí đá phiến. Khu vực này đang phát triển rất mạnh tại Hoa Kỳ và Canada. Chính dầu và khí đá phiến là yếu tố làm mất giá dầu trên thị trường truyền thống. Mỹ nhờ vào dầu, khí đá phiến đã giảm hẳn lượng dầu nhập từ Trung Đông, ít lệ thuộc hẳn vào dầu hỏa của Ả Rập Xê Út.

Nếu như không có dầu của Mỹ, thì với những căng thẳng địa chính trị hiện nay, giá dầu trên thế giới phải giao động ở khoảng từ 150 đến 200 đô la một thùng, chứ không thể ở mức chưa đầy 40 đô la như chúng ta đang trông thấy. Nhờ có dầu của Mỹ mà thế giới không hề rúng động trong lúc chiến sự đang diễn ra chỉ cách các giếng dầu của Irak, của Syria hay Libya có vài trăm, thậm chí là vài chục cây số »

Dẫu sao việc giá dầu giảm mất 60 % trong 18 tháng, đã đặt các ngành công nghiệp khai thác dầu hỏa của thế giới trong thế bị động. Dominique Bouvier, Chủ tịch hiệp hội các tập đoàn dầu khí Pháp GEP-AFTP phân tích :

« Đương nhiên là ngành công nghệ dầu khí bị chấn động, cho dù các công ty đã biết trước và đề phòng trước rủi ro giá dầu giảm mạnh kể từ khi các nước Bắc Mỹ bắt đầu khai thác công nghệ dầu, khí đá phiến. Trước mắt, doanh thu của các tập đoàn trong ngành chưa giảm đi thấy rõ. Nhưng tất cả các công ty liên quan, từ khâu nghiên cứu địa chất đến các hoạt động khai thác, dàn khoan … đều đã giảm hàng loạt các dự án đầu tư, thậm chí là đã bắt đầu sa thải nhân viên. Trong số các hãng bị tác động vì giá dầu tuột dốc, những công ty lớn, tương đối đứng vững trong cơn bão này. Ngược lại các hãng nhỏ, các công ty mới vừa được hình thành, rất dễ bị phá sản ».

Nhìn từ phía các nguồn sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa, khác với các quốc gia giàu có trong vùng Vịnh, những nước đang phát triển như Algeri, Venezuela … nóng lòng đợi giai đoạn khó khăn này chóng đi qua. Với kinh nghiệm, chuyên gia về dầu hỏa thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ông Oliver Appert cho rằng, chu kỳ trồi sụt trên thị trường dầu hỏa, trung bình phải mất 4 năm mới lấy lại được cân bằng.

« Thực ra giá dầu tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vào mức cân bằng giữa cung và cầu như chúng ta đã biết, vào yếu tố địa chính trị của khu vực Trung Đông và vào các tính toán mang tính đầu cơ. Đúng là hiện nay, tình hình ở Trung Đông hết sức căng thẳng, từ Irak đến Syria... Xét về yếu tố cung và cầu, theo tôi cách biệt đang được thu hẹp lại, cho dù là thu lại ở một nhịp độ rất chậm. Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, các nhà toán học đưa ra kết luận rằng, trung bình, cần phải mất khoảng độ 4 năm để thị trường dầu hỏa được ổn định trở lại.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trong hai năm rưỡi nữa, giá dầu lại tăng lên tới 115 đô la một thùng như 18 tháng trước đây. Tôi nghĩ là về lâu dài, giá dầu sẽ ở vào khoảng độ 80 đô la một thùng. Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý đến việc Iran sắp sửa xuất khẩu trở lại. Quốc gia này có khả năng cung cấp đến một triệu thùng dầu mỗi ngày. Khi đó giá dầu lại càng bị đẩy xuống thấp hơn. Nói cách khác tôi nghĩ là sớm muộn gì dầu hỏa cũng tăng giá trở lại thôi nhưng sẽ tăng chậm và các nhà sản xuất thì đang rất nóng lòng thoát khỏi chu kỳ u ám hiện nay ».

Năng lượng hóa thạch hay tái tạo ?

Thế giới vừa thông qua thỏa thuận Paris về khí hậu, cam kết giảm lượng phát khí thải carbon làm hâm nóng bầu khí quyển. Cộng đồng quốc tế nhấn mạnh đến giai đoạn chuyển giao năng lượng, phát triển năng lượng xanh. Có điều, giá dầu hỏa càng thấp, thì càng củng cố vị trí của vàng đen trên bàn cờ năng lượng. Điều đó khiến các nguồn năng lượng tái tạo kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Trả lời đài truyền hình tư nhân BFM Dominique Bouvier, chủ tịch hiệp hội các tập đoàn dầu khí Pháp GEP-AFTP thận trọng nêu lên khác biệt giữa dầu hỏa và khí đốt, giữa quan điểm của các nhà sản xuất với giới tư bản muốn đầu tư vào công nghệ năng lượng :

« Với mục tiêu giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, nhu cầu sản xuất và tiêu thụ khí đốt sẽ còn tăng lên thêm. Điều đó có nghĩa là các tập đoàn khí đốt sẽ phát triển mạnh với rất nhiều những dự án mới, với rất nhiều các công trình đầu tư đáng kể khác … Riêng với dầu hỏa, khi giá dầu giảm mạnh như hiện nay, thì ít ai còn muốn đầu tư vào các tập đoàn dầu khí.

Có nhiều khả năng, người ta bỏ vốn vào các tập đoàn phát triển năng lượng xanh với hy vọng kiếm lời. Thế nhưng nhìn từ phía các nhà sản xuất đang có dự án phát triển năng lượng tái tạo, thì giá dầu càng rẻ, người tiêu thụ lại càng ‘lười biếng’ chuyển đổi năng lượng, thay thế dầu hỏa bằng các loại năng lượng sạch. Nhưng chắc chắn là nếu dầu hỏa còn rẻ như thế này, thì ngành công nghiệp than đá không trụ được lâu ».

Thực vậy. Than đá gây ra 1/3 khí thải CO2 toàn cầu. Mức tiêu thụ trên thế giới trong giai đoạn 1990-2012 tăng 55%. Trung Quốc, Nga, Mỹ, Đức, hay Ba Lan là những quốc gia tiêu thụ than đá nhiều nhất trên thế giới và thường bị chỉ trích là những nguồn phát thải khí carbon hâm nóng trái đất. Với giá dầu chỉ còn 40 đô la một thùng, nhiều nhà quan sát cho rằng, bước « chuyển hướng » năng lượng đầu tiên của các nền kinh tế nói trên là sẽ chuyển từ than đá sang dâu hỏa. Và đây chưa hẳn là một tin vui đối với môi trường.

Hơn nữa, giá dầu hỏa rẻ là trở ngại cho các công trình nghiên cứu, cho các dự án đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Nhờ những phát minh, những tiến bộ kỹ thuật, các nguồn năng lượng sạch – gió, mặt trời, thủy điện hay địa nhiệt bắt đầu được đưa vào bàn cờ năng lượng quốc tế ở quy mô còn rất khiêm tốn. Thậm chí một quốc gia dầu hỏa như Tiểu Vương quốc các nước Ả Rập cũng đã cam kết đến năm 2020, gần một phần tư năng lượng sử dụng trên vương quốc này đến từ các nguồn năng lượng sạch.

Liệu rằng hứa hẹn đó có còn tính thời sự hay không trong tình trạng dự thừa dầu hỏa như hiện nay ? Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng hiện tượng dư thừa dầu hỏa kềm hãm đà « chuyển tiếp năng lượng ». Các dự án đầu tư và phát triển năng lượng sạch thêm xa vời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.