Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MỸ LA TINH

Quan hệ bất bình đẳng với Trung Quốc : Châu Mỹ La Tinh cần làm gì ?

Trong dòng thời sự nổi bật đặc biệt với kết quả vòng hai cuộc bầu cử cấp vùng ở Pháp,chiếm có khi cả chục trang báo, tờ Le Monde hôm nay, 14/12/2015 có một bài đáng chú ý về « Những thách thức trong quan hệ Trung Quốc-Châu Mỹ La Tinh ». Trích dẫn nhận xét của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OCDE, tờ báo nêu lên triển vọng các nước Trung và Nam Mỹ giảm thiểu được tình trạng bất bình đẳng hiện nay trong giao thương với Bắc Kinh.

Một cảng của  tỉnh Sơn Đông luôn đầy ắp hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới.
Một cảng của tỉnh Sơn Đông luôn đầy ắp hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới. REUTERS
Quảng cáo

Bài phân tích của Claire Guélaud trước hết ghi nhận hiện trạng quan hệ thương mại bất bình đẳng ngày càng nặng nề mà Châu Mỹ La Tinh phải gánh chịu trong việc buôn bán với Trung Quốc từ đầu những năm 2000 đến nay. Tình trạng này đã được nêu bật trong một bản báo cáo chung của ba định chế quốc tế - Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OCDE, Ủy ban Kinh tế Châu Mỹ La Tinh và Caribe của Liên Hiệp Quốc ECLAC và Ngân hàng Phát triển Châu Mỹ La Tinh CAF – công bố hôm thứ Sáu 11 tháng 12 vừa qua.

Trong tài liệu mang tựa đề « Triển vọng kinh tế Châu Mỹ La Tinh trong năm 2016 », với tựa nhỏ: « Hướng tới quan hệ đối tác mới với Trung Quốc », các định chế nói trên ghi nhận đà tăng vọt của giao thương song phương : Từ năm 2001 đến năm 2010, xuất khẩu khoáng sản và dầu hỏa từ Châu Mỹ La Tinh qua Trung Quốc đã tăng 16% mỗi năm, tiếp theo là nông phẩm (12%). 

Đà tăng vọt này đi kèm theo tình trạng chuyên biệt hóa cao độ : Trong năm 2014, năm sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Châu Mỹ La Tinh qua Trung Quốc (trong đó có dầu hỏa, đồng và đậu nành) chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu của Châu Mỹ La Tinh qua cường quốc Châu Á. 

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang xấu đi đáng kể đối với Châu Mỹ La Tinh : Tốc độ tăng trưởng phi thường của những năm 2000 đã biến mất, GDP toàn Châu Mỹ La Tinh chỉ tăng 1% trong năm 2014, so với bình quân 5% mười năm trước đó. Đối với các nước xuất khẩu, đà suy thoái còn tàn bạo hơn : Xuất khẩu của Chile và Peru qua Trung Quốc chỉ còn tăng 4% mỗi năm so với 16% trước đây ; các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa như Venezuela, Ecuador, Colombia và Bolivia, đã gặp rất nhiều khó khăn, trong lúc các nhà sản xuất nông phẩm như Brazil, các nước Trung Mỹ và vùng phía Nam đã phải trả một giá nặng nề do việc giá nông sản sụt giảm trên thế giới.

Trung Quốc vẫn là tương lai cho Mỹ La Tinh 

Tuy nhiên báo cáo của ba định chế quốc tế không hoàn toàn bi quan khi cho rằng Trung Quốc vẫn là một tiềm năng giá trị cho Châu Mỹ La Tinh : Hiện tượng đô thị hóa và đà củng cố của tầng lớp trung lưu Trung Quốc (50 triệu người vào năm 2005, 1 tỷ người vào năm 2030) sẽ kéo theo sự thay đổi trong thói quen ăn uống.  

Một ví dụ : Trong mười năm tới đây, mức tiêu thụ bình quân theo đầu người Trung Quốc sẽ tăng trên 20% đối với đường, thịt gia cầm, cừu, và từ 10% đến 20% đối với cá, dầu thực vật, trái cây và rau quả, sữa và thịt bò. Quả là một triển vọng tươi sáng cho Argentina, Brazil, El Salvador và Guatemala ! Bên cạnh đó, khả năng du khách Trung Quốc đến Châu Mỹ La Tinh cũng cực lớn vì hiện nay chỉ có 1% du khách Trung Quốc chọn châu lục này làm điểm đến.

Về phần Trung Quốc, theo Le Monde, Châu Mỹ La Tinh sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên. Hiện nay Bắc Kinh đã là nguồn ngoại viện lớn nhất cho Argentina, Brazil, Ecuador và Venezuela. Các khoản cho vay của Trung Quốc đang tập trung trong ngành khai thác mỏ, hạ tầng giao thông và năng lượng. Sự hiện diện của Trung Quốc thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng mạnh trong ngành viễn thông, điện, năng lượng xanh và mua đất đai. Đến năm 2025, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại Châu Mỹ La Tinh dự kiến sẽ đạt 250 tỷ đô la.

Vấn đề đặt ra đối với các nước Châu Mỹ La Tinh là phải thúc đẩy cải cách kinh tế, gia tăng tính minh bạch, thiết lập hệ thống luật lệ rõ ràng, và hình thành ra các cơ chế khu vực để đối thoại với Bắc Kinh.

Bầu cử Pháp : Hữu thắng, Tả cầm cự, Cực hữu thất bại

Về bầu cử cấp vùng tại Pháp, Le Figaro tóm lược kết quả ngay trong hàng tựa đầu : « Cánh hữu thắng, Cánh tả cầm cự, Mặt trận Quốc gia cực hữu thất bại ». Ở bên dưới tờ báo nêu lại chi tiết hơn : "Tại vòng hai, đảng Những người Cộng hòa giành được 7 vùng, đảng Xã hội 5 vùng còn Mặt trận Quốc gia thắng ở vòng đầu đã không giành được vùng nào".

Cho nên Libération cũng chạy tít trang nhất : « Thở phào nhẹ nhỏm, nhưng ... ». Đối với Libération như thế là đảng FN bị gáo nước lạnh, vì thất bại ở tất cả các vùng, đảng Xã hội được phép màu thoát mạng, vì thắng được ít ra ở 5 vùng, cánh hữu bị lung lạc, vì đảng của ông Sarkozy đã không thắng lớn như hy vọng.

La Croix ghi nhận là sự huy động nhau đi bầu của cử tri Pháp ở vòng hai được hoan nghênh, ở phía tả cũng như hữu, vì đã cản đường được đảng cực hữu. Le Monde ra từ trước lúc có kết quả, đã nói đến một vòng hai chưa từng thấy.

Một cuộc bầu cử không có người thắng thực sự

Nhận định chung các báo là không đảng nào thật sự thắng, ranh giới tả hữu không còn sắc nét. Theo báo cánh tả Libération, đảng giành được nhiều vùng nhất là đảng Những người Cộng hòa của ông Sarkozy, thì cũng không hơn đảng Xã hội là bao. Tờ báo xem kết quả vừa qua như một cái tát tai đối với ông Sarkozy, vị thế của ông khá bị lung lay.

Điều mà Libération tỏ vẻ lo ngại, là sau cơn hốt hoảng ở vòng đầu với đà tiến của đảng cực hữu, và được xóa tan ở vòng hai, thì các lãnh đạo chính trị Pháp sẽ lại ‘mất trí nhớ’, trở lại tật cũ là không tự chất vấn, xem xét lại hành động đúng sai của mình.

Tờ báo trích nhận định của một chuyên gia về cực hữu Pháp Joel Gombin, cảnh báo rằng cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật đã chứng minh là Mặt trận Quốc gia – mà điểm yếu là không thiết lập được liên minh - nhưng họ có một nền tảng cử tri vững chắc, cho nên phải cẩn thận cho cuộc bỏ phiếu năm 2017.

Le Figaro thiên hữu xem ra cũng cùng nhận định. Dĩ nhiên là tờ báo bênh vực cho đảng cánh hữu : Tuy vẫn công nhận thực tế là không có thủy triều xanh dương đối với đảng Những người Cộng hòa, nhưng tờ báo cho là dẫu sao cũng là thắng, còn đảng Xã hội thì lại thua, dù đã giới hạn được sự đổ vỡ.

Đảng thua thiệt là Mặt trận Quốc gia. Cử tri Pháp đã sử dụng đảng của bà Marine Le Pen ở vòng đầu để nói lên sự tức giận của họ, nhưng họ không tin tưởng vào đảng này.

Đối với Le Figaro, giới lãnh đạo cánh hữu và cánh tả không nên vì thế mà làm như không có chuyện gì xẩy ra : "Đảng cực hữu vẫn còn đó, và sự tức giận của người dân cũng không biến mất. Tính về số phiếu thì đảng cực hữu chưa bao giờ giành nhiều phiếu như thế , số phiếu ở vòng hai còn cao hơn ở vòng đầu".

Báo Công giáo La Croix cũng đưa ra lời thúc giục tương tự trong bài xã luận. Tờ báo điểm lại nguyên nhân dẫn đến kết quả ‘ngoạn mục’ ở vòng hai : "Cử tri đi bỏ phiếu đông đảo, cánh tả đã rút danh sách ở hai vùng, và cử tri cánh tả đã dồn phiếu cho cánh hữu ở những nơi mà cánh cực hữu có thể thắng. Những cử tri ôn hòa đã thở phào nhẹ nhõm".

Nhưng La Croix nhìn thấy đó chỉ là trước mắt thôi, vì nếu không đặt những vấn đề một cách nghiêm túc cho tương lai, không có những đáp án cho nỗi lo ngại của người Pháp, thì đảng cực hữu sẽ thẳng bước tiến đến cuộc hẹn sắp tới vào năm 2017. "Liệu hai đảng Xã hội và Những người Cộng hòa có tự vấn lương tâm của mình hay không ?"

Cuba mở đàm phán về việc bồi thường cơ sở Mỹ bị tịch thu

Về Quốc tế, Le Figaro phần phụ trang kinh tế lưu ý đến Cuba đang thương lượng về những tài sản của Mỹ bị La Habana tịch thu. Theo Le Figaro thì những cuộc thương lượng lịch sử đã bắt đầu trên việc bồi thường các dinh thự và công ty Mỹ đã bị chế độ Fidel Castro tịch thu.

Tờ báo nhắc lại là cùng với vụ Cuba và các chủ nợ, đứng đầu là Pháp, đạt thỏa thuận thứ Bảy vừa qua, thì trong tuần qua một cuộc thương lượng lịch sử khác cũng đã bắt đầu trên vấn đề đền bù cho những tài sản của Mỹ bị tịch thu vào những năm 1958 – 1962.

Le Figaro trích dẫn bộ Ngoại giao Mỹ cho đây là bước đầu tiên của một tiến trình lâu dài, phức tạp, nhưng cần thiết cho việc bình thường hóa bang giao giữa hai nước.

Theo Le Figaro, Mỹ đòi bồi thường 5913 tài sản, trị giá 1,9 tỷ đô la, tính ra tương đương với 8 tỷ theo thời giá hiện tại, cộng với tiền lời. Số tài sản này bao gồm nhà đất, công ty, cơ sở tập đoàn rượu rhum Bacardi, khách sạn, như khách sạn nổi tiếng Habana Libre (Hilton cũ) hay khách sạn Riviera mà theo Le Figaro là của trùm mafia Mỹ Meyer Lansky.

Nếu phần lớn tài sản trị giá dưới 1 triệu đô la, thì cũng có những công ty như Cuban Electric Company trên 260 triệu đô la. Ngoài ra còn tài sản các cá nhân đã đòi 221 triệu đô la. Riêng Giáo hội Công giáo cho là bị thiệt hại 13 triệu đô la.

Le Figaro cho là chỉ người Mỹ là được thương lượng còn những người gốc Cuba, bị xem là công dân thứ yếu, thì phải lập ra một hiệp hội bảo về quyền lợi mình. Cuộc thương lượng sẽ mất rất nhiều thời gian vì không phải chỉ có phía Mỹ đòi bồi thường : Cuba cũng đòi Hoa Kỳ bồi thường 120 tỷ đô la thiệt hại do cấm vận.

Giải pháp tối ưu: Cấm vận Cuba bù tài sản Mỹ?

Le Figaro nêu lên những khó khăn đang chờ đợi những nhà thương thuyết : Những tài sản đang đòi bồi thường thường khi bị hư hại, có cái bị phá hủy, nhà cửa thì người dân đang sử dụng.

Người dân La Habana từ mấy tháng qua cũng bàn luận về những gì họ bị mất mát nếu chủ cũ đòi lại. Nhiều người sẵn sàng ‘chiến đấu’ đến cùng, như bà Yalmara Virgen, một công chức về hưu cho là không ai có quyền lấy lại nhà của họ, chính phủ đã cho họ, không thể thay đổi.

Giới chuyên gia thì ước tính là cho mỗi đô la bị mất thì những người chủ cũ chỉ lấy lại đươc 1,2 cent mà thôi, vì Cuba không có khả năng trả nhiều hơn. Một phương thức giải quyết khác được gợi lên : Đó là Washington đóng góp.

Le Figaro cũng nhắc lại là đã có những trường hợp bồi thường cho Mỹ trước đây : 80 triệu đô la từ Trung Quốc trong thập niên 1970, Việt Nam cũng đã bồi thường năm 1995, cũng như một số nước cộng sản khác.

Tuy tiến trình có vẻ rất phức tạp và nan giải, nhưng Le Figaro rút ra một kết luận : "So với hàng chục tỷ đô la mà chính quyền Obama gợi lên với các nhà thầu để họ vận động cho việc bình thường hóa bang giao với Cuba thì tiền bồi thường của Cuba không là bao".

Hơn nữa một nhà ngoại giao phương tây từng làm việc nhiều năm ở La Habana cho là việc thương lượng này thực ra không phải là cái gì thật khó khăn, ví dụ như phía Mỹ đưa ra một bản đòi bồi thường, phía Cuba chìa ra hóa đơn của cấm vận, thế là có thể xí xóa nhau. Đó là cách làm duy nhất.
 
Nhật Bản : Dân số tuột giảm đáng ngại

Le Figaro hôm nay cũng nhìn về Châu Á,  tìm hiểu xem vấn đề dân số, dự báo tuột dốc nghiêm trọng ở Nhật. Nguyên nhân là  "phụ nữ Nhật ít có con vì ít làm đám cưới", tựa bài báo của Jean Pierre Robin.

Theo bài báo, chính sách về gia đình mà không mấy ai thích bàn đến ở Nhật trước đây vì gợi lại chủ trương thời kỳ thế chiến thứ hai, đang trở lại mạnh mẽ đến nỗi đã trở thành vấn đề ưu tiên thứ tư của chính phủ Abe. Tỷ lệ sinh đẻ ở Nhật đã tụt xuống mức 1,42, còn xa mức cần thiết. Chính quyền Abe đã đưa ra mục tiêu tỷ lệ phải ở mức ít ra 1,8.

Bài báo cho là từ trước đến nay người ta cứ nêu những nguyên nhân như giáo dục, đời sống đắt đỏ, nhà cửa chật hẹp, khó khăn trong việc dung hòa đời sống gia đình và công việc làm đối với phụ nữ... Thế nhưng người ta đã quên một điều : Việc lập gia đình ngày càng hiếm hoi.

Tác giá bài báo đã phỏng vấn một phụ nữ rất có uy tín ở Nhật Bản bà Yuriko Koike, nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Môi trường (đại diện Nhật tại Hội nghị khí hậu COP21 Paris). Bà đã nhận xét thẳng thừng là qua nghiên cứu điều tra, người ta đã thấy là số lượng đám cưới đã tuột giảm, và lý do là các cặp nam nữ không còn nơi để hẹn hò, làm quen với nhau, các bà mai mối ngày xưa  đã biến mất.

Đám cưới là cửa ải bắt buộc để lập gia đình, có con. Tình hình như nói trên khẩn cấp đến nỗi mà bà Koike trong đảng cầm quyền, chủ trì một hiệp hội khuyến khích đám cưới và thành lập gia đình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.