Vào nội dung chính
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

COP21 không ra được thỏa thuận như dự kiến

Hôm nay 11/12/2015, mặc dù đã trải qua thêm một đêm đàm phán căng thẳng, thỏa thuận toàn cầu của hội nghị thượng đỉnh thế giới về khí hậu COP21 đã không được trình đúng thời hạn dự kiến. Chủ tịch COP21 Laurent Fabius tuyên bố một dự thảo chính thức sẽ được đưa ra vào sáng mai, 12/12. Theo nhiều nhà quan sát, trong cuộc tranh luận đêm qua, nhiều nước chủ chốt đã kiên quyết không nhân nhượng về nhiều vấn đề chính.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Tổng thư ký LHQ ban Ki Moon tại cuộc họp báo ở Le Bourget ngày 11/12/2015.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Tổng thư ký LHQ ban Ki Moon tại cuộc họp báo ở Le Bourget ngày 11/12/2015. Reuters
Quảng cáo

AFP dẫn lại các nguồn tin có mặt trong phiên họp kín kéo dài suốt đêm cho đến đến 6 giờ sáng nay tại trung tâm hội nghị Le Bourget, theo đó, nhiều nước như Trung Quốc và các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh đã tỏ ra rất cứng rắn. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, có ba chủ đề gây bất đồng lớn. Thứ nhất là việc chia sẻ nỗ lực giảm khí thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, thứ hai là đóng góp tài chính và thứ ba là mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ.

Khoảng 100 quốc gia đòi hỏi giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp được, đặc biệt là các đảo quốc, đang bị nạn nước biến dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Ả Rập Xê Út và Nga phản đối quyết liệt.

Thời hạn xem xét theo hướng gia tăng nỗ lực giảm khí thải, để thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh, bị đẩy đến năm 2025, theo dự thảo mới. Lịch trình này là quá chậm, theo các tổ chức bảo vệ môi trường.

Về phương diện tài chính, Ả Rập Xê Út và Irak bác bỏ nguyên tắc đánh thuế cacbon, trong khi đó,. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu hay Úc cho rằng phần đóng góp của các nước phát triển là « quá lợi cho các nước đang phát triển », theo chuyên gia Pháp Pascal Canfin. Nhật Bản hay Thụy Sĩ không chấp nhận thỏa thuận đi quá xa về mặt này. Theo Thụy Sĩ, các nước phát triển không thể gánh « trách nhiệm lịch sử » một cách « vô giới hạn ».

Nhà hoạt động môi trường Nicolas Hulot, đặc phái viên của Tổng thống Pháp, cảnh báo : « Chỉ còn 24 giờ nữa để trở về điều cơ bản. Vẫn còn thời gian cho việc xây dựng một tương lai chung (cho nhân loại). Tuy nhiên, cơ hội đang hẹp lại nhanh chóng. (…) Nếu lãnh đạo các quốc gia không mở đường, hãy lưu ý là chính dân chúng sẽ tự vạch đường đi ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.